Giải quyết việc làm cho người lao động ở Kim Bảng

Bình quân mỗi năm, huyện Kim Bảng giải quyết việc làm mới cho hơn 3.400 lao động. Với các mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, nhiệm kỳ 2015-2020 về công tác đào tạo nghề, chuyển dịch cơ cấu lao động, đến thời điểm này một số chỉ tiêu chưa đạt như tỷ lệ lao động trong nông nghiệp, tỷ lệ lao động được đào tạo…

Hoạt động sản xuất của Công ty TNHH Seyang Corporation Việt Nam (Hàn Quốc) tại CCN Nhật Tân (Kim Bảng). Ảnh: PV

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, kinh tế của huyện Kim Bảng đạt tốc độ tăng trưởng cao. Thu nhập bình quân đầu người đến thời điểm này đạt gần 40 triệu đồng/người/năm. Toàn huyện có 3 cụm công nghiệp thu hút hơn 50 nhà đầu tư, tạo việc làm mới cho trên 1.700 lao động; 198 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đa dạng, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 6.000 lao động.

Cùng với đó, Kim Bảng phát triển thương mại, dịch vụ với trên 500 hộ kinh doanh cá thể và duy trì hoạt động của trên 60 làng nghề truyền thống, làng nghề, tạo việc làm bình quân hằng năm cho hơn  2.000 lao động, đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện lên 61,2%.

Hiện, số lao động có việc làm của Kim Bảng khoảng trên 58.000 người, chiếm gần 84% số người trong độ tuổi có khả năng lao động. Số lao động thiếu việc làm chiếm tỷ lệ 16,1%.

Theo báo cáo của UBND huyện Kim Bảng, trong 4 năm qua, cơ cấu lao động trong độ tuổi chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng làm việc trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng lao động trong nông nghiệp. Tuy nhiên, tính đến hết năm 2018, tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện đạt 61%, trong đó mục tiêu của Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXV là 65%. Tỷ lệ lao động trong nông nghiệp đạt 37,3%, trong đó mục tiêu đại hội đề ra là dưới 30%. Bình quân giải quyết việc làm mới từ năm 2016 đến nay, đạt trên 3.400 lao động/năm, trong khi mục tiêu đại hội đề ra là 3.500 lao động. Mỗi năm, toàn huyện có từ 2.600 đến 2.800 lao động nông thôn được đào tạo nghề, tập trung chủ yếu học các nghề phi nông nghiệp như may, mây giang đan, xâu chiếu trúc, mộc và cơ khí…

Theo ông Lưu Trần Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện, việc chuyển dịch cơ cấu lao động ở Kim Bảng đang diễn ra nhanh, theo nhu cầu phát triển xã hội. Kim Bảng xác định tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp, phát triển du lịch, dịch vụ, thực hiện cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của các cấp chính quyền.

Đặc biệt, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tích cực ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, phấn đấu đến năm 2020, số lao động được giải quyết việc làm mới mỗi năm bình quân 3.556 người; 65% số lao động qua đào tạo, trong đó có chứng chỉ, bằng cấp khoảng 50%; tỷ lệ lao động trong nông nghiệp đạt 29%; thu nhập bình quân đầu người đạt 53 triệu đồng/người/năm.

So với giai đoạn trước, giai đoạn từ 2015 đến 2020 là thời gian Kim Bảng chú trọng phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ, du lịch. Thực hiện Nghị quyết 07 của Tỉnh ủy về việc đẩy mạnh phát triển thương mại dịch vụ, trọng tâm là dịch vụ chất lượng cao cấp vùng về y tế, đào tạo nguồn nhân lực và du lịch giai đoạn 2016-2025, Kim Bảng đã đang và triển khai nhiều dự án phát triển du lịch, y tế và thương mại, dịch vụ… Toàn huyện đã thu hồi gần 1.300 ha đất để xây dựng các dự án phát triển du lịch và KCN Đồng Văn IV (gồm các xã Khả Phong, Đại Cương, Nhật Tân, Nhật Tựu, thị trấn Ba Sao) với trên 6.200 người trong độ tuổi lao động bị thu hồi đất.

Ông Trần Hồng Chuẩn, Phó Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện cho rằng, do thu hồi đất để phục vụ phát triển du lịch và công nghiệp dịch vụ một số lao động cần phải nhanh chóng chuyển dịch ngành nghề và có việc làm mới. Vì thế, việc phát triển nguồn nhân lực dịch vụ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà các cấp ủy, chính quyền phải quan tâm thực hiện.

Tuy nhiên, với KCN Đồng Văn IV, một KCN đa ngành nghề như điện tử, lắp ráp ô tô, cơ khí chế tạo, chế biến thực phẩm, hàng hóa tiêu dùng và công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp công nghệ cao… việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực đang có nhiều vấn đề bất cập, thừa lao động không có chuyên môn kỹ thuật nhưng lại thiếu lao động có trình độ tổ chức sản xuất kinh doanh, thợ kỹ thuật bậc cao trong các ngành nghề.

Để thực hiện thắng lợi chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Kim Bảng lần thứ XXV về lĩnh vực lao động việc làm, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức đối với các cấp, ngành, nhân dân về việc làm và thu nhập cần được quan tâm hơn. Thực hiện chủ trương xã hội hóa trong công tác đào tạo nghề, đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp phối hợp với cơ sở dạy nghề tổ chức tốt việc đào tạo nghề cho người lao động. Từ nay đến năm 2021, sẽ có thêm 3.500 lao động bị thu hồi đất được đào tạo nghề và có việc làm.

Chu Uyên

Chu Uyên

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy