Doanh nghiệp ở Bình Lục khó tuyển dụng lao động

Trên địa bàn huyện Bình Lục hiện có hơn 200 doanh nghiệp. Hầu hết các doanh nghiệp tại địa phương hiện nay cần tuyển lao động đều gặp nhiều khó vì thiếu nguồn.

Hầu hết doanh nghiệp may mặc đều thiếu công nhân lao động trầm trọng.

Ông Nguyễn Bá Cường, Giám đốc Công ty TNHH may mặc XNK CJ VINA chia sẻ: Nhiều tháng qua, chúng tôi đã tìm mọi cách để tuyển dụng thêm 200 lao động vào làm việc nhưng vô cùng khó. Người lao động địa phương hầu hết đã có việc làm từ đầu năm, giờ đang quý III rồi, không ai dại gì bỏ việc ở công ty cũ để sang công ty mới, chịu đánh mất tiền thưởng cuối năm. 

Tất nhiên, không phải bây giờ chúng tôi mới thông báo tuyển dụng, mà liên tục ở mọi thời điểm, nhưng vẫn không có nguồn. Tôi nghĩ, các cụm công nghiệp của Bình Lục được hình thành và phát triển muộn hơn các huyện, thành phố trong tỉnh, người lao động trước đó đã tìm đến các khu công nghiệp để làm việc rồi, nên giờ chúng tôi tuyển dụng lao động địa phương mới gặp khó như vậy.

Hàng chục doanh nghiệp kêu thiếu lao động, thông báo tuyển dụng dán khắp nơi nhưng vẫn không thấy nhiều người đến xin việc. Hoạt động trên địa bàn xã Hưng Công gần chục năm nay, Xí nghiệp May Hưng Công (Tập đoàn Hồ Gươm) lúc nào cũng trong tình trạng cần tuyển lao động. Đây là thời gian cao điểm để sản xuất hàng cho các đơn hàng xuất khẩu cuối năm, xí nghiệp cần tuyển thêm 500 lao động nữa, nhưng không sao “kiếm được”.

Bà Phạm Thị Thanh Xuân, Giám đốc Xí nghiệp cho biết: Công nhân họ cũng có lý của họ khi chọn những công việc nhàn nhã hơn, không bị gò bó thời gian hơn là may mặc. Thế nhưng, tại đây, chúng tôi đã trả lương công nhân (làm đủ 8h/ngày) bình quân 6 - 7 triệu đồng/người/tháng. Cuối năm được thưởng tháng lương 13, các chế độ bảo hiểm được tham gia đầy đủ. Hiện cũng chỉ có 170 công nhân làm việc, chúng tôi thực sự gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động.

Theo bà Xuân, nếu tuyển dụng được đủ lao động theo nhu cầu, công ty sẽ mở rộng sản xuất, tiếp nhận thêm nhiều đơn hàng hơn. Nếu tính cả tập đoàn, nhu cầu tuyển dụng cần tới hàng nghìn lao động.

Bài toán tuyển dụng lao động tại chỗ đối với các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Bình Lục khó có lời giải. Ông Vũ Văn Thủy, Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết: Nhu cầu các doanh nghiệp cần tuyển thêm trên dưới 9.000 lao động phổ thông nữa. Nếu cứ trông chờ vào nguồn lao động tại chỗ sẽ rất khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã phải ra các tỉnh lân cận để tìm lao động. Vì vậy, chỉ có một cách tốt hơn cả là các doanh nghiệp phải xem xét lại mức lương trả công nhân, lấy thu nhập của người lao động làm cơ sở hấp dẫn người ta trở lại quê làm việc. Hiện nay, các khu công nghiệp đều có xe đưa đón công nhân về tận nơi, họ được bảo đảm an toàn đi lại và có thu nhập cao hơn ở quê.

Được biết, mức lương trung bình các doanh nghiệp đóng trên địa bàn huyện Bình Lục trả cho công nhân lao động từ 3,5 triệu đến 4,5 triệu đồng. So với mặt bằng chung của tỉnh, mức lương này thấp hơn từ 1 đến 1,5 triệu đồng.

Ông Vũ  Văn Thủy, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Bình Lục cho rằng, với mức lương như thế rất khó có thể thu hút người lao động vào làm việc và gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Bởi lẽ, người lao động nông thôn hiện nay có nhiều lựa chọn công việc để có thu nhập cao hơn.

Theo báo cáo của Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện, hiện nay trên địa bàn có trên 200 doanh nghiệp đang hoạt động, thu hút hàng vạn lao động làm việc, chủ yếu là lao động nông thôn. Trong vòng 5 năm trở lại đây, sự phát triển các Cụm công nghiệp ở Trung Lương, Đồn Xá và Bình Mỹ thu hút gần 20 doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư, sản xuất kinh doanh chủ yếu các lĩnh vực may mặc, đồ chơi trẻ em, giày da… đã tạo việc làm cho gần 1 vạn lao động. 

Ông Chu Minh Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Việc mở rộng quy mô, phát triển các cụm công nghiệp sẽ càng thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư, hoạt động, nhu cầu tuyển dụng lao động cũng vì thế mà tăng lên. Mục tiêu đặt ra trong vấn đề giải quyết việc làm tại các cụm công nghiệp này mỗi năm bình quân tạo việc làm cho 3.000 lao động, ưu tiên đối tượng bị thu hồi đất. Thực tế, nhiều doanh nghiệp sau khi chính thức đi vào hoạt động đã gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động.

Thêm một khó khăn nữa cho doanh nghiệp nếu thực hiện tuyển lao động ở các địa phương khác đó là so với mức lương trung bình của công nhân tại các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, TP. Hà Nội…, mức lương bình quân của công nhân Hà Nam đang thấp hơn. Hàng vạn lao động Hà Nam đã sang các tỉnh lân cận làm việc vì mức lương cao hơn.

Bà Trần Thị Thúy, lãnh đạo Công ty TNHH may mặc XNK CJ VINA khẳng định: “Có lẽ chúng ta đang làm chưa tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân về việc làm và lao động tại các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện. Bởi vì, như bản thân tôi, từ Nam Định lên Bình Lục làm việc nhiều năm nay, cảm thấy công việc và thu nhập rất ổn. Với năng lực của mình, tôi có thể đi xa hơn nữa, nhưng tôi vẫn chọn Bình Lục để gần gia đình hơn. Chúng ta có thể kiếm được nhiều tiền hơn, nhưng chúng ta không có thời gian quán xuyến gia đình, con cái, chúng ta dễ dàng phải bù lỗ cho tương lai”.

Giang Nam

Chu Uyên

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy