Cơ hội cho các trường nghề tuyển sinh

Đẩy mạnh công tác phân luồng học sinh THCS và THPT theo Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025”, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở Hà Nam có cơ hội để tuyển sinh các hệ trung cấp và cao đẳng hay không? Thực tế, với tỷ lệ  phân luồng học sinh THCS và THPT đạt gần 40%, các trường dạy nghề có thể có nhiều hy vọng cho công tác tuyển sinh năm học mới 2021-2022.

Chuẩn bị bước vào lớp 12, em Trần Trung Dương, học sinh Trường THPT Nam Lý, huyện Lý Nhân đã xác định rõ hướng đi của mình sau khi tốt nghiệp THPT vào năm 2022. Trần Trung Dương nói: Căn cứ vào lực học của mình và nhu cầu bản thân, em quyết định sẽ đăng ký học nghề ở một trường cao đẳng nghề nào đó. Gia đình cũng rất ủng hộ quyết định của em. Đối với em, học để có một cái nghề để có việc làm và yêu thích nó mới là quan trọng. Có nhiều anh chị cố gắng học để lấy bằng đại học, sau đó ra trường loay hoay mãi không xin được việc, tự nhiên đánh mất thời gian tuổi trẻ, thời gian mà tuổi trẻ có thể cống hiến nhiều nhất… 

Cơ hội cho các trường nghề tuyển sinh
Giờ học kỹ thuật điện của học viên Trường Trung cấp Nghề Công nghệ Hà Nam.

Được biết, ban đầu, quyết định này của em Trần Trung Dương làm cho bố mẹ phiền lòng. Họ cho rằng cậu không có ý chí vươn lên, không có hoài bão, không có ý thức làm cho bố mẹ "mở mày mở mặt" với xung quanh vì tấm bằng đại học. Sau một thời gian thấy con quyết tâm theo đuổi "giấc mơ học nghề", họ đành chấp nhận để con lựa chọn con đường của mình. Chị Trần Thị Phương, mẹ của em Trần Trung Dương chia sẻ: Khi tôi chứng kiến những đứa cháu của tôi học đại học ra trường không kiếm được việc làm đúng chuyên môn, đúng sở trường, tôi mới nghĩ con mình có thể đã đúng. Chúng ta nên tôn trọng lựa chọn của các con, mình chỉ nên định hướng con theo nghề gì, học nghề gì phù hợp với xu thế hơn thôi…

Mỗi năm, Hà Nam có hàng nghìn sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, số có việc làm ngay đúng với chuyên môn đào tạo không nhiều. Trong khi, các doanh nghiệp ở tỉnh năm nào cũng có nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông. Muốn có việc làm ngay, có thu nhập, giảm bớt áp lực kinh tế cho gia đình, nhiều người đã phải giấu bằng đại học đi làm công nhân. Chị Trương Thị Thảo, công nhân Công ty TNHH Hệ thống dây dẫn Sumi Việt Nam nói: Tốt nghiệp đại học ra trường, chờ việc mất 3 năm, cũng tốn kém không ít tiền để xin việc nhưng không thành. Cuối cùng, em phải vào làm công nhân ở đây. Gần 10 năm rồi, thu nhập của em giờ cũng ngót 10 triệu đồng/tháng, đủ để lo cuộc sống cho gia đình nhỏ của mình… 

Nhận thức của người dân về chuyện học nghề vài năm trở lại đây đang dần thay đổi theo hướng thực tế hơn. Nắm bắt tình hình, các trường đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp cho học sinh ngay từ trong các nhà trường THCS và THPT. Ông Đỗ Quang Triệu, Trưởng phòng Dạy nghề, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: 3 năm trở lại đây, số thí sinh học hết lớp 12 thi tốt nghiệp THPT chỉ để lấy điểm xét tốt nghiệp tăng dần. Tỷ lệ phân luồng giáo dục bậc THCS hằng năm đạt trên 20%, có nghĩa là có khoảng trên 20% học sinh học hết lớp 9 không thi đỗ vào các trường THPT công lập, dân lập sẽ có thể lựa chọn học nghề. Đây là cơ hội cho các trường đào tạo nghề trên địa bàn tuyển sinh dễ hơn.

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, toàn tỉnh có trên 9.690 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó có trên 1.230 thí sinh đăng ký thi để xét tốt nghiệp, chiếm tỷ lệ 12,7%. Đối với kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, toàn tỉnh có 11.292 học sinh dự thi, chỉ tiêu xét tuyển lớp 10 các trường THPT công lập, dân lập, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) và Trung tâm GDTX – Hướng nghiệp của tỉnh là 8.890 học sinh, chiếm tỷ lệ 78,72%. Những thí sinh không đỗ vào lớp 10 theo chỉ tiêu có thể lựa chọn học nghề tại các trường đào tạo nghề. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất đối với các trường nghề trên địa bàn tỉnh hiện nay là không được chủ động trong tuyển sinh. Cơ hội cho các cơ sở này tuyển sinh phải chờ các trường đại học xét tuyển xong và lựa chọn của học sinh có nguyện vọng học ở tỉnh hay đến các tỉnh khác, thành phố lớn học nghề. 

Theo ông Đỗ Quang Triệu, từ năm học 2019 - 2020, việc dạy văn hóa trung học phổ thông cho các đối tượng chưa tốt nghiệp THPT có nhu cầu thi lấy bằng tốt nghiệp trong các trường cao đẳng, trung cấp phải tạm dừng theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Vì thế, các trường dạy nghề càng gặp khó khăn hơn. Trong 5 tháng đầu năm 2021, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tuyển sinh, đào tạo được 1.597 người. Trong đó, hệ cao đẳng 85 người, trung cấp 35 người, sơ cấp 617 người, dạy nghề thường xuyên 860 người; tổ chức thi tốt nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp: 1.465 người, trong đó hệ cao đẳng 119 người, trung cấp 555 người, sơ cấp và dạy nghề thường xuyên 791 người. 

Theo bà Nguyễn Thị Yến, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề Công nghệ Hà Nam, mặc dù tỷ lệ phân luồng học sinh đạt gần 40%, nhưng cơ hội cho các trường đào tạo nghề trên địa bàn tuyển sinh không cao. Các cơ sở đào tạo nghề thực tế vẫn bị động trong công tác tuyển dụng. Người học có nhiều lựa chọn học nghề hơn khi các cơ sở giáo dục đại học, đào tạo nghề phát triển và mở rộng quy mô đào tạo. Chỉ tính riêng trên địa bàn Hà Nam, hiện đã có 21 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 5 trường cao đẳng công lập, 2 trong số này thuộc quản lý của tỉnh. Ngoài ra, có 5 trường trung cấp nghề, 5 trung tâm GDNN- GDTX và 6 cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác. Nếu chia đều số học sinh không đỗ vào lớp 10 các trường THPT và đăng ký dự kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ để xét tốt nghiệp cho các trường đào tạo nghề, cho thấy, trung bình mỗi trường chỉ tuyển được vài trăm học sinh trên địa bàn.

Bà Nguyễn Thị Yến nói: Các trường phải cạnh tranh nhau bằng nhiều cách, trong đó có việc phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thay đổi nhận thức của nhân dân về học nghề; đầu tư cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên; mở rộng quy mô và hình thức đào tạo nghề; liên kết đào tạo với các doanh nghiệp vừa để tạo cơ hội thực hành cho học sinh, sinh viên, vừa tận dụng hệ thống máy móc thiết bị trong thực hành, vừa tạo đầu ra cho sinh viên khi học xong ra trường...

Rõ ràng, kết quả phân luồng học sinh hiện nay khó có thể là căn cứ duy nhất để đánh giá cơ hội cho các trường đào tạo nghề tuyển sinh. Chỉ khi nào, nhận thức của nhân dân về học nghề thay đổi tích cực hơn, thực tế hơn thì các trường đào tạo nghề mới có cơ hội thực sự phát triển; việc đầu tư xây dựng hệ thống các trường nghề ở địa phương mới không bị lãng phí, có hiệu quả hơn.                          

Giang Nam

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy