Chuyện chọn trường, chọn nghề của học sinh sau THPT

Chỉ còn 3 tháng nữa, học sinh lớp 12 sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Các em còn một thời gian ngắn để nghiên cứu, tìm hiểu và có sự lựa chọn đúng đắn về trường, ngành nghề dự thi. Cũng như mọi năm, 2 mấu chốt của mùa tuyển sinh năm nay vẫn được phụ huynh và học sinh đặt ra là: chọn đúng ngành, nghề để không bị thất nghiệp và chọn ngành, nghề theo đam mê. 

Chị Lương Thị Ngần (phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý) có con trai học lớp 12, Trường THPT C Phủ Lý chuẩn bị tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Tuy nhiên, không giống như hầu hết bạn bè cùng trang lứa, con trai chị Ngần có đam mê nghề cơ khí và đã quyết định chọn lựa sau khi tốt nghiệp THPT sẽ đi học nghề này tại Trường Cao đẳng số 1, Bộ Quốc phòng. Chị Ngần chia sẻ: Qua tâm sự với con, tôi nhận thấy việc đi học nghề của con khá hợp lý, bởi nếu cứ cố chạy theo con đường đại học cũng có thể đỗ một trường nào đó nhưng sau này việc học và tìm việc của con sẽ rất vất vả. 

Qua tìm hiểu thấy nghề cơ khí hiện là nghề phổ biến hiện nay tại Việt Nam, nhu cầu tuyển dụng lao động của nghề cơ khí có khắp mọi vùng trên cả nước. Cơ hội có việc làm của nghề này khá cao. Đặc biệt, đây là nghề mà con tôi thích nên gia đình ủng hộ và tôn trọng quyết định của con.

Ở các trường THPT, cùng với việc tăng cường các tiết học hướng nghiệp trên lớp theo quy định, các nhà trường còn tổ chức được nhiều hoạt động hướng nghiệp tích cực, như: đưa học sinh đi tham quan, tìm hiểu tại các cơ sở đào tạo nghề, các doanh nghiệp; phối hợp với các đơn vị tuyển sinh, trong đó có không ít cơ sở giáo dục nghề nghiệp, thực hiện tuyên truyền về công tác hướng nghiệp, lựa chọn nghề, lựa chọn trường cho học sinh sau tốt nghiệp THPT. Thực tế, mặc dù tỉ lệ học sinh của 23 trường THPT trên địa bàn tỉnh đỗ đại học tương đối cao, nhưng một số năm gần đây, tỉ lệ học sinh lựa chọn đi học nghề thay vì học đại học đang có chiều hướng tăng. 

Chuyện chọn trường chọn nghề của học sinh sau THPT
Trong các tiết học hướng nghiệp, bên cạnh việc tư vấn, định hướng nghề nghiệp của giáo viên, học sinh Trường THPT Lý Thường Kiệt (Kim Bảng) đã mạnh dạn trao đổi, tìm hiểu thông tin để có sự lựa chọn trường, chọn nghề phù hợp.

Có nhiều nguyên nhân của thực tế này. Trong đó, đáng nói nhất là sự thay đổi đáng mừng về tâm lý của phụ huynh, học sinh và của xã hội đối với việc chọn trường, chọn nghề. Học sinh ngày càng có cái nhìn đúng đắn về việc chọn vào học tại các trường cao đẳng, trung cấp nghề nghiệp hơn là chọn vào học các trường đại học và cũng chính vì vậy mà số lượng hồ sơ ảo giảm khá nhiều. Về phía phụ huynh, thay vì bắt con phải thi vào các trường đại học cho bố mẹ tự hào với họ hàng, làng xóm, cho gia đình rạng rỡ như trước, thì nay, nhiều phụ huynh đã biết lắng nghe, hiểu suy nghĩ, hiểu năng lực của con để giúp con lựa chọn trường và nghề một cách đúng đắn nhất. Bên cạnh đó, với sự đa dạng của các ngành nghề, học sinh có thêm nhiều hơn cơ hội chọn lựa nghề có thể thỏa mãn cả 2 mục tiêu: dễ thi tuyển, dễ có việc làm và đúng nhu cầu, sở thích cá nhân. 

Theo nhận định của các chuyên gia trong lĩnh vực đào tạo nghề, nước ta đang tiến lên công nghiệp hoá, hiện đại hoá, nhu cầu của các ngành nghề như: cơ khí, công nghệ thông tin, xây dựng, nhóm nghề dịch vụ - du lịch - nhà hàng - khách sạn, điện dân dụng… trong tương lai còn tăng cao hơn; thị trường lao động ở các nhóm nghề có tay nghề cao có sự cạnh tranh mạnh, có nhiều cơ hội việc làm và thu nhập cao, là lợi thế để học sinh có thể nghiên cứu, lựa chọn. 

Với những học sinh có sức học tốt, việc lựa chọn con đường học các trường đại học là đương nhiên. Tuy vậy, mỗi khối thi lại có rất nhiều trường, ngành học với những ưu thế riêng, đặc biệt ở các trường thuộc top đầu. Giữa “mê cung” đó, học sinh dù có năng lực tốt cũng vẫn cần phải có sự tỉnh táo, biết phân tích, biết lựa chọn trường và ngành học đúng đắn. 

Năm nay, ngoại trừ các thí sinh thuộc diện tuyển thẳng theo quy định, thí sinh khác vẫn được đăng ký nhiều ngành, nhiều trường; sau khi biết điểm thi, thí sinh được thay đổi nguyện vọng 3 lần; được tham gia tuyển sinh đại học theo nhiều hình thức do các trường tổ chức. Đây chính là yếu tố mở cho học sinh sau tốt nghiệp THPT có cơ hội đỗ và học ở các trường đại học, ngành học mong muốn. 

Em Ngô Quỳnh Anh, học sinh Trường THPT A Kim Bảng, cho biết: Em học khá tốt các môn xã hội nên đã lựa chọn thi khối C. Qua tìm hiểu em thấy, những năm gần đây nhóm ngành Khoa học xã hội và nhân văn rất đa dạng về ngành học có triển vọng như: Luật, Báo chí, Truyền thông đa phương tiện, Công tác xã hội, Ngôn ngữ Anh… Nhu cầu thị trường lao động và cơ hội việc làm của những ngành này cũng tương đối cao và khá phù hợp với em. Tuy nhiên, đây không phải là sự lựa chọn duy nhất của em…

Với em Nguyễn Quang Minh, học sinh Trường THPT A Bình Lục, do có niềm đam mê với công nghệ ô tô nên điều em quan tâm hiện nay là với học lực khá, giỏi thì em nên chọn ngành này ở trường nào là phù hợp. Sau khi được các thầy, cô cũng như các anh, chị đi trước tư vấn thì em đã quyết định sẽ chọn Trường Đại học Giao thông Vận tải để nộp hồ sơ dự tuyển cho mình. Bước đầu, theo tìm hiểu của em, hiện tại trường có chương trình đào tạo tiên tiến, các môn học ngành được kết hợp giữa lý thuyết với thực tế, giúp sinh viên nâng cao khả năng thực hành, khả năng tự học và tự nghiên cứu. Đồng thời, trường còn có trang thiết bị học và thực hành phù hợp với chuẩn đầu ra, đáp ứng nhu cầu xã hội.

Có thể thấy, ngành học hiện vô cùng phong phú nên làm gì và làm thế nào để chọn đúng ngành, đúng nghề, không bị thất nghiệp sau khi ra trường là những câu hỏi không hề đơn giản mà buộc phải có sự vào cuộc từ nhiều phía. Theo đó, các nhà trường cần tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác tư vấn tuyển sinh chọn ngành, nghề cho học sinh giúp các em có thể nắm bắt được tình hình và nhu cầu của thị trường lao động cũng như xu thế việc làm hiện nay để có phương án chọn lựa phù hợp. Bên cạnh đó, bản thân các em học sinh cũng cần suy nghĩ thật kỹ trong việc lựa chọn ngành, nghề. Thời điểm này, các em học sinh lớp 12 cần xác định đâu là ngành, nghề mình yêu thích và theo đuổi trong tương lai mới có thể đưa ra quyết định chính xác nhất. Không nên chọn ngành, trường theo xu thế khi đó không phải là thế mạnh của mình, càng không nên chọn ngành, chọn trường vì mong muốn của người khác, trong khi mình không thích. Đó là những sai lầm rất khó khắc phục sau này. Khi xét tuyển cần ưu tiên những nhóm ngành yêu thích lên đầu tiên. 

Đối với các bậc phụ huynh, không nên can thiệp quá sâu vào việc chọn trường, chọn nghề của con mà chỉ nên định hướng, đồng thời, tôn trọng sở thích, đam mê, nguyện vọng của con để các con có được quyền quyết định, tự chịu trách nhiệm với sự lựa chọn của bản thân. Đó là sự chọn lựa của tương lai.

Thanh Hà

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.