Không để đứt gãy chuỗi cung ứng lao động

Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp thời gian qua đã làm thay đổi kế hoạch sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Khó khăn trong tuyển dụng hay phải tạm thời cho lao động dừng việc khi đơn vị không đủ điều kiện để bảo đảm đời sống cho họ, tạo nên một sự dịch chuyển lao động thiếu tính tổ chức, tác động không nhỏ đến chuỗi cung ứng lao động hiện nay. Đồng bộ các giải pháp để duy trì chuỗi cung ứng này là vấn đề đáng quan tâm khi dấu hiệu phục hồi kinh tế đang chuyển biến tích cực vào những tháng cuối năm.

Không phong tỏa toàn công ty nếu xuất hiện F0, thực hiện truy vết, xét nghiệm nhanh và khoanh gọn vùng có dịch, phủ vaccine phòng Covid-19 cho các khu công nghiệp (KCN), không bắt buộc thực hiện phương châm “3 tại chỗ”… là phương án chống dịch Covid-19 đang rất hiệu quả hiện nay. Theo ông Vũ Ngọc Minh, Phó Trưởng phòng Quản lý Doanh nghiệp, Ban Quản lý các KCN tỉnh, mặc dù dịch bệnh Covid-19 chưa hoàn toàn chấm dứt, nguy cơ lây lan dịch bệnh trong các KCN tiềm ẩn phức tạp… nhưng thực hiện linh hoạt các biện pháp phòng dịch đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường vào những tháng cuối năm.

Ông Minh cho biết: Chỉ tính riêng nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trong các KCN những tháng cuối năm cũng khoảng 8.000-9.000 người. Nhưng các doanh nghiệp làm sao có thể được đáp ứng đủ nhu cầu đó khi sự dịch chuyển lao động đang diễn ra lúc này. 

Không để đứt gãy chuỗi cung ứng lao động
Lao động làm việc tại Công ty TNHH Hua Zhuang Electronices Việt Nam.

Công ty TNHH JI Hà Nam (xã Nhân Chính, Lý Nhân) là một trong những doanh nghiệp bị ảnh hưởng của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4. Khi nhà máy có F1, F0, người lao động phải tạm dừng làm việc trong một thời gian quy định đã tác động đến tâm lý và thu nhập của mỗi người. Mức lương chi trả cho công nhân không tăng, thậm chí còn giảm, người lao động sẵn sàng bỏ việc, tìm chỗ làm khác.

Chị Nguyễn Thị Tám, công nhân Công ty TNHH JI Hà Nam cho biết, chưa bao giờ người lao động lại có thu nhập thấp như vậy. Bình quân lương mỗi tháng chỉ khoảng xấp xỉ 4 triệu đồng/người. Thời gian này, công ty cần tuyển thêm lao động nhưng gặp khó khăn. Khi thực hiện phương án chống dịch trong tình hình mới, thích ứng linh hoạt, hiệu quả với dịch Covid-19, các phân xưởng hoạt động bình thường. Nếu có F1, F0, nhà máy chỉ tạm thời dừng hoạt động ở tổ sản xuất có ca bệnh hoặc liên quan đến ca bệnh trong thời gian ngắn để thực hiện truy vết, xét nghiệm và cách ly các trường hợp F1. Nếu các F1 có kết quả xét nghiệm âm tính, F2 được giải phóng để nhà máy hoạt động bình thường trở lại. Người lao động sẽ không phải nghỉ việc dài ngày như trước đây, không bị ảnh hưởng nhiều đến thu nhập, họ yên tâm gắn bó với công ty.

Với những doanh nghiệp mới đi vào hoạt động, nhu cầu tuyển dụng lao động lên tới hàng nghìn người như Công ty TNHH Sản phẩm dã ngoại Menatrure Việt Nam (CCN Bình Lục), công tác tuyển dụng cũng bớt khó khăn hơn. Theo bà Trần Minh Duyên, Trưởng phòng Nhân sự, cách đây 4 -5 tháng, việc tuyển dụng lao động gặp khó khăn do các địa phương thực hiện giãn cách cục bộ, việc đi lại tìm việc của người lao động hạn chế. Bây giờ cả người lao động và doanh nghiệp có thể gặp nhau một cách linh hoạt để thỏa thuận công việc, tất nhiên vẫn cần tuân thủ những quy định phòng dịch tốt nhất.

Tác động của đại dịch Covid-19 năm nay phức tạp, nặng nề hơn năm 2020. Trên cơ sở đánh giá những khó khăn trong tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp những tháng cuối năm cho thấy, chuỗi cung ứng lao động ở Hà Nam đã bị tác động rõ rệt. Việc khôi phục thị trường lao động thời điểm này rất quan trọng để doanh nghiệp phát triển.

Theo ông Nguyễn Mạnh Tiến, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, công nghệ thông tin chính là một trong những giải pháp thúc đẩy việc khôi phục thị trường lao động lúc này, khi dịch bệnh vẫn còn tiếp diễn. Ông Nguyễn Mạnh Tiến khẳng định: Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh là đơn vị thực hiện kết nối thị trường lao động cần tăng cường tư vấn, giới thiệu việc làm qua các hình thức trực tuyến, như: online, qua điện thoại, email và các trang mạng xã hội zalo, facebook để giúp người lao động tìm kiếm được việc làm phù hợp với nhu cầu của bản thân, giúp doanh nghiệp tuyển dụng được lao động phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh; tăng cường công tác thông tin nắm bắt thị trường lao động và tình hình lao động thất nghiệp trên địa bàn tỉnh; tìm kiếm thông tin thị trường lao động, việc làm để giới thiệu việc làm phù hợp cho người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp... Mục đích cuối cùng là không làm đứt gãy chuỗi cung ứng lao động trên địa bàn tỉnh.

Thực tế, sự dịch chuyển lao động thời gian qua ở một số địa phương như Lý Nhân, Bình Lục có thể tạo cơ hội cho nhiều doanh nghiệp tuyển dụng nhân sự. Chính quyền các địa phương này cũng tranh thủ thời điểm lao động từ vùng dịch trở về tăng cường truyền thông nhằm giữ chân người lao động, tạo nguồn cho các công ty trên địa bàn. Theo thống kê, có tới trên 25.000 người từ vùng dịch về Hà Nam trong vòng 5 tháng qua, nhưng việc giữ chân số lao động này là điều không dễ dàng.

Ông Nguyễn Chín Hiệp, Trưởng phòng Lao động – Thương Binh và Xã hội huyện Lý Nhân cho biết, người lao động chỉ tạm thời dịch chuyển chỗ ở khi bị dịch bệnh tác động. Khảo sát nhu cầu việc làm của họ mới thấy, đa số người lao động sẽ trở lại nơi làm cũ khi dịch bệnh lắng xuống. Vì vậy, giải pháp căn cơ nhất hiện nay nhằm thu hút lao động chính là việc tăng lương, bảo đảm an toàn dịch bệnh trong doanh nghiệp. Công tác thông tin thị trường lao động cần tích cực hơn để doanh nghiệp và người lao động được kết nối, bảo đảm có sự chia sẻ và liên kết với nhau.

Chu Uyên

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy