Xu hướng chọn nghề của giới trẻ trước những biến đổi của xã hội

Đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, dự báo sẽ có nhiều thay đổi về thị trường lao động trong tương lai. Vì vậy, với những học sinh THPT hoặc THCS khi đứng trước ngưỡng cửa của tương lai, việc chọn theo học ngành, nghề nào vừa phù hợp với năng lực, sở thích, vừa bắt kịp xu hướng thời đại là câu hỏi lớn. Bên cạnh sở thích cá nhân, gia đình, nhà trường và xã hội cũng đóng vai trò quan trọng giúp các bạn trẻ định hướng con đường tương lai của bản thân.

Bạn Nguyễn Hoàng Diệu Linh (học sinh Trường THPT Nguyễn Tất Thành, cơ sở Hà Nam) chia sẻ: Biết bản thân yếu các môn khối tự nhiên nên từ khi học cấp 2, em đã lựa chọn học ban xã hội. Tuy nhiên, với khối xã hội khá khó để chọn ngành nghề, trường lớp vừa bảo đảm chất lượng, vừa phù hợp với xu hướng xã hội. Bố mẹ đã cho em rất nhiều lời khuyên, gia đình không có người làm trong ngành luật hoặc cơ quan nhà nước, khá khó để em có thể chia sẻ những va vấp trong công việc tương lai. Sau thời gian suy nghĩ, em quyết định theo ngành báo chí, truyền thông. Ban đầu bố mẹ em phản đối rất nhiều, vì cho rằng đây là ngành không phù hợp với phái nữ, vất vả, cần đi lại nhiều, luôn tiếp xúc với mặt “tiêu cực” của xã hội. Em đã mất rất nhiều thời gian để giải thích cho bố mẹ hiểu ngành báo chí truyền thông hiện tại rất rộng mở, không chỉ gói gọn là phóng viên chuyên đi săn tin, bài như trước. Thêm vào đó, trong thời gian học đại học, chỉ cần trau dồi thêm vốn ngoại ngữ, tương lai xin việc sẽ dễ dàng hơn. Thật may bố mẹ đã hiểu và ủng hộ lựa chọn của em.

Xu hướng chọn nghề của giới trẻ trước những biến đổi của xã hội
Lớp học điện dân dụng tại Trường Cao đẳng Nghề Hà Nam (ảnh chụp trước 27/4/2021).

Không như Diệu Linh, bạn Nguyễn Thế Định (Phường Trần Hưng Đạo, TP Phủ Lý), hiện là sinh viên năm 2 Học viện Tài chính phải theo học ngành nghề do bố mẹ định sẵn. Bạn Định cho biết: Dù học ngành ngân hàng theo ý muốn của bố mẹ, nhưng vì không thấy hứng thú nên em cảm thấy rất chán, việc học gần như chỉ hoàn thành nhiệm vụ. Sau một thời gian điều chỉnh tâm trạng, em cảm thấy không thể lãng phí 4 năm học đại học, vì vậy, bên cạnh hoàn thành chương trình học ở trường, em đăng ký học thêm ngành công nghệ viễn thông đúng với sở thích và năng lực của bản thân. Định hướng công việc tương lai của em cũng theo ngành học thêm hiện tại, với kiến thức trên ghế nhà trường là phụ trợ.

“Cha mẹ định hướng nghề nghiệp cho con em là điều cần thiết, nhưng không thể ép các bạn trẻ theo kế hoạch và mong muốn của bản thân cha mẹ” – cô giáo Nguyễn Thị Bích Hằng, Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Biên Hòa nhận định. Bên cạnh đó, học sinh muốn lựa chọn đúng nghề thì trước hết phải hiểu được bản thân mình, tránh tình trạng “hôm nay chọn nghề này, mai chọn nghề khác”, chọn theo tâm lý số đông. Bởi chọn nghề không đơn giản là đưa ra quyết định ở một thời điểm, mà nó là cả quá trình dài nghiên cứu, suy ngẫm về ngành mình sẽ chọn, sẽ học và sẽ gắn bó trong tương lai. Bản thân các em học sinh phải biết mình thích gì, năng lực đến đâu, thuận lợi và khó khăn khi chọn ngành nghề đó… Cha mẹ, nhà trường chỉ là người định hướng và cần thấu hiểu quá trình phát triển tâm sinh lí, cần phải biết con em mình muốn gì, năng lực tới đâu, từ đó hướng dẫn và tư vấn nghề nghiệp cho các bạn trẻ. Như vậy, muốn lựa chọn nghề nghiệp phù hợp cần dựa trên các yếu tố chính là nhu cầu xã hội và năng lực, khả năng đa dạng hóa kiến thức của học sinh.

Trong thời đại công nghệ số, nhất là khi đại dịch Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu lắng xuống, một số ngành nghề mới đang vươn lên và được xem là xu hướng mới, mang lại nhiều cơ hội cho các bạn trẻ lựa chọn. Những ngành nghề từng “hot” vì mang tính ổn định như sư phạm, ngân hàng, quản trị kinh doanh… đã giảm nhiệt. Trong mùa tuyển sinh năm nay, xuất hiện nhiều ngành học mới là logistic, trí tuệ nhân tạo, thiết kế đồ họa, phần mềm, Digital Marketing  (quảng cáo thương hiệu đa nền tảng) được giới trẻ ưa chuộng. Môi trường làm việc cũng linh hoạt hơn, nhất là khi đại dịch xảy ra, nhiều người có xu hướng tìm kiếm ngành nghề, công việc có thể làm việc từ xa thay vì đến công ty.

Đồng thời, đại học cũng không phải là con đường duy nhất. Thầy giáo Vũ Hữu Ý, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Hà Nam cho rằng: Nghề, xu hướng là những nghề được nhiều công ty tuyển dụng với mức lương cao, có cơ hội học tập và thăng tiến. Trong đó, TOP những ngành nghề được xem là xu hướng ở thời điểm hiện tại và phát triển bền vững trong tương lai có thể kể đến ngành công nghệ thông tin, công nghệ ô tô, điện tử viễn thông, ngoại ngữ… Nhiều bạn học sinh trăn trở, sức học bình thường thì biết chọn nghề gì? Nhưng thực tế cho thấy, việc chọn một trường đại học, cao đẳng hiện nay để nộp hồ sơ không quá khó, hầu như sức học nào cũng có trường phù hợp, vấn đề là phải chọn được trường chất lượng, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm cao.

Lựa chọn học trường nghề, một số bạn chia sẻ: Bên cạnh sở thích, năng lực, nhu cầu lao động hiện nay, cũng phải dựa vào điều kiện kinh tế của gia đình. Lựa chọn học nghề vì thời gian học ngắn hơn, nhưng vẫn tập trung dạy các môn chuyên ngành rất tốt, thường xuyên được thực hành trên máy móc, cơ hội việc làm sau tốt nghiệp cao bởi hầu như các trường cao đẳng nghề đều liên kết với các công ty tại địa phương. Chỉ cần đạt đủ kiến thức theo yêu cầu, sinh viên có thể làm việc ngay sau khi ra trường. Ngoài ra, điều kiện để học lên cao hơn hoặc học thêm chuyên ngành khác cũng rất thuận lợi, giúp những người đã đi làm trau dồi thêm kiến thức và thêm cơ hội thăng tiến trong công việc.

Vấn đề chọn nghề, chọn trường luôn là vấn đề nóng trước mỗi mùa tuyển sinh. Ngoài việc nắm bắt được xu hướng nghề nghiệp trước những biến động xã hội, đòi hỏi các bạn trẻ cần đầu tư nhiều kỹ năng, nhiệt huyết, tránh chạy theo thị hiếu. Quan trọng nhất là phải xác định được sở thích, năng lực của mình, dựa trên tư vấn của gia đình, nhà trường để chọn ngành nghề và bậc học phù hợp. 

Thanh Vân

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.