Vì sao khó tuyển giáo viên hợp đồng?

Nghề giáo là nghề cao quý trong các nghề cao quý. Ai được đào tạo sư phạm ra trường đều mong muốn có một vị trí chính thức trên bục giảng, trong xã hội, đặc biệt là trong lòng học sinh. Thế nhưng, hơn 10 năm trở lại đây, nhiều giáo viên được đào tạo ra trường rất khó khăn trong tìm kiếm việc làm đúng ngành nghề được đào tạo.

Nhiều trường thiếu giáo viên âm nhạc, mỹ thuật và thể chất, nhưng do mức chi trả lương cho giáo viên hợp đồng thấp nên khó tuyển giáo viên cho các môn học này.

Học Khoa Hóa – Sinh, khóa học 2001 – 2003, Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nam (nay là Đại học Sư phạm Hà Nội cơ sở Hà Nam), Trần Đức Lực (Lý Nhân) ra trường, hăm hở với công việc làm thầy. Tuổi trẻ, niềm tin và hoài bão cống hiến đã làm cho anh luôn cảm thấy hạnh phúc với nghề dù chỉ là giáo viên hợp đồng. Năm tháng qua đi, những nhu cầu mới của cuộc sống làm cho anh phải băn khoăn, lo lắng. Năm 2017, cơ hội đến với hàng nghìn giáo viên hợp đồng như anh Lực ở khi UBND tỉnh chính thức có đợt tuyển dụng biên chế giáo viên trung học cơ sở (THCS) hạng III, giáo viên tiểu học và giáo viên mầm non  hạng IV. 

Tuy nhiên, trong số hơn 1.000 giáo viên bị trượt  qua đợt tuyển dụng này, có anh Lực. 12 năm gắn bó với nghề, chỉ là giáo viên hợp đồng với mức lương hơn hai triệu đồng/tháng, cuộc sống của anh rất khó khăn. Lương giáo viên hợp đồng không thể đủ trang trải cuộc sống, anh đành bỏ nghề ra ngoài, lên thủ đô tìm kiếm việc làm. Đã năm lần bảy lượt, chúng bạn gọi điện bảo anh về quê dạy hợp đồng cho các trường đang thiếu giáo viên, anh không về.

Trần Đức Lực chia sẻ: “Đã rất nhiều lần đắn đo trước công việc hiện tại và tương lai. Giả sử mình quay lại trường làm giáo viên hợp đồng với mức 2,5 triệu đồng/tháng, bằng một nửa lương của công nhân may tại địa phương, trong khi liệu có cơ hội vào biên chế hay không? Đến giờ đã hơn 15 năm  ra trường, mình và hàng chục bạn khác cùng khóa phải gạt nước mắt, bỏ nghề đi làm việc khác để bảo đảm cuộc sống gia đình. Tình yêu với nghề giáo viên cũng đã vơi cạn rồi”.

Theo ông Vũ Đức Thắng, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Lý Nhân, hiện nay cả huyện có hàng trăm giáo viên bỏ nghề, hoặc được đào tạo về sư phạm nhưng không làm nghề. Ông nói: “Nguyên nhân chính là do thu nhập của giáo viên hợp đồng được trả hiện nay rất thấp, không bằng một nửa mức lương trung bình của công nhân các khu công nghiệp. Mặt khác, cơ hội để họ vào biên chế không rộng mở lắm nên nhiều cháu đã bỏ nghề, học xong giấu bằng đi làm công nhân, lo cho cuộc sống gia đình, tương lai của bản thân”.

Thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nam cho thấy, tính đến thời điểm đầu năm học 2019-2020, toàn tỉnh có 9.957 giáo viên, trong đó có 684 giáo viên hợp đồng. So với năm học 2018-2019, sự phát triển quy mô trường lớp có những biến động nhẹ, tăng 120 lớp. Số học sinh tiểu học và THCS tăng cao hơn. Việc tăng số lớp sẽ tác động đến đội ngũ giáo viên các cơ sở giáo dục.

Thí dụ như huyện Lý Nhân, trong năm học này, toàn huyện tăng 25 lớp tiểu học và THCS. Nếu thực hiện đúng định mức theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ (Thông tư 06, Thông tư 16) ở từng cấp học, toàn huyện cần có 2.734 biên chế. Tuy nhiên, so với chỉ tiêu biên chế theo Quyết định 1507/QĐ-UBND ngày 6/8/2019 của UBND tỉnh,  số biên chế giáo dục của huyện năm nay thấp hơn quy định hơn 100 người. Các trường mầm non thiếu giáo viên nhiều nhất, nhưng việc huy động giáo viên đứng lớp theo thỏa thuận thực sự gặp khó. Tình trạng này cũng xảy ra ở các huyện, thành  phố trong tỉnh.

Bà Nguyễn Thị Oanh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bình Lục cho biết: Về cơ bản các địa phương vẫn đang khắc phục việc thiếu giáo viên bằng nhiều biện pháp. Nhiều giáo viên phải thực hiện dạy liên trường để bảo đảm đủ định biên theo quy định của ngành, phần nào giải quyết tình trạng thừa – thiếu giáo viên cục bộ. Dù vậy, việc này khó có thể áp dụng đối với cấp mầm non và tiểu học. Vì thế, phải tuyển hợp đồng nếu các trường thiếu giáo viên. Nhưng để tuyển được giáo viên hợp đồng vào dạy mầm non hay tiểu học hiện nay thực sự gặp khó do áp lực công việc và mức lương chi trả cho giáo viên chưa đáp ứng nhu cầu của người lao động.

Chị Lê Thị Dung, sinh năm 1982, từng đứng lớp 13 năm không thể trụ lại nghề cho biết: “So sánh đủ mọi phương diện thì mình không thể bám trụ nghề được. Nhiều năm mới có một cuộc thi tuyển viên chức giáo dục, cơ may trúng tuyển không dễ chút nào. Nhiều bạn bè của tôi bỏ nghề ra làm ngoài giờ kinh tế khá giả, đời sống ổn định, không bị áp lực công việc. Tôi thấy như thế là từ bỏ thôi”.

Chia sẻ với các giáo viên khác, họ cho biết, nếu làm nghề giáo, mỗi tuần dạy khoảng 23 tiết trên lớp, thời gian còn lại không thể làm gì thêm được, ngoài việc chấm bài và soạn giáo án, nhưng mức lương lại quá thấp. Với giáo viên mầm non, sáng đến trường sớm, chiều về muộn, cả ngày trên lớp, học sinh lại đông, áp lực rất lớn… Chỉ được vào biên chế mới có thể bám trụ được, chứ hợp đồng thì không thể.

Chu Giang

Chu Uyên

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy