Từ những bài văn điểm giỏi

Trong Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, Hà Nam là địa phương dẫn đầu cả nước về điểm trung bình cao nhất môn Ngữ văn (6,31 điểm). Toàn tỉnh có 8.442 thí sinh dự thi môn Ngữ văn, trong đó có 691 thí sinh đạt điểm giỏi (từ 8 điểm trở lên). Điểm cao nhất là 9,25 điểm, không có thí sinh nào được điểm 10.

Kết thúc môn thi Ngữ văn, Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, nhiều thí sinh ở điểm thi Trường THPT Nam Cao, huyện Lý Nhân phấn khởi.

Đề thi Ngữ văn năm 2019 được đánh giá không nặng về kiến thức mà đòi hỏi phát huy tối đa  năng lực của học sinh. Tuy nhiên, để có được điểm giỏi đối với đề thi này, học sinh phải có trải nghiệm cá nhân, có sáng tạo, có cảm xúc…

Cô giáo Nguyễn Thị Lan Dung, giáo viên Trường THPT chuyên Biên Hòa -  một trong  số những người tham gia chấm tự luận môn Ngữ văn tại Kỳ thi THPT quốc gia 2019 chia sẻ: Năm nay, việc chấm tự luận Ngữ văn theo nguyên tắc chấm độc lập hai vòng. Mỗi giám khảo chấm 2 vòng, gần 100 bài một vòng, sẽ có những tập có nhiều điểm giỏi, nhưng cũng có những tập rất hiếm. Điều này có lý do, vì có thể có tập nhiều thí sinh thi khối A, B thì các em chỉ học kiến thức cơ bản cố gắng đủ điểm tốt nghiệp. Còn lại, những tập có nhiều thí sinh học khối C, D thì các em học tốt Ngữ văn hơn. Đề thi Ngữ văn năm nay vẫn có sự tiếp nối của các năm trước, không nặng về kiểm tra kiến thức mà đòi hỏi phát huy tối đa năng lực học sinh. Để làm tốt đề Ngữ văn này, các em phải có những trải nghiệm cá nhân.

Trong nhiều năm qua, Hà Nam vẫn duy trì ở top đầu các tỉnh có điểm trung bình môn Ngữ văn cao nhất cả nước. Năm nay, Hà Nam xếp thứ Nhất với điểm bình quân 6,31 điểm. Toàn tỉnh có 8.442 thí sinh dự thi môn Ngữ văn, trong đó có 691 thí sinh đạt điểm giỏi (từ 8 điểm trở lên). Điểm thi đạt cao nhất là 9,25 điểm, không có thí sinh nào được điểm 10. Đây là kết quả đáng tự hào không chỉ đối với học sinh mà còn với những giáo viên dạy môn học này.

Cô giáo Nguyễn Thị Lan Dung chia sẻ: Ở những bài điểm cao, cơ bản là kỹ năng, kiến thức của học sinh thể hiện khá tốt. Với những bài từ 8,5 điểm trở lên,  các em đã có những sáng tạo nhất định. Trước hết, phải thừa nhận, những học sinh ấy ngoài việc được ôn tập kỹ  kiến thức cơ bản còn tự tìm tòi tài liệu, nghiên cứu và nắm bắt thực tiễn các vấn đề đời sống xã hội  linh hoạt.

Tuy nhiên, số bài 5-7 điểm đối với môn Ngữ văn vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất. Cô Dung nói: “Những năm trước, tôi đi chấm còn gặp được bài môn Ngữ văn đạt điểm 9 trở lên. Nhưng năm nay, bài văn mình chấm được điểm cao nhất là 8,75 điểm. Thí sinh làm bài tốt, đều cả hai phần, 3 câu. Kỹ năng đọc hiểu, diễn đạt bài văn trội hẳn. Bạn ấy trình bày bài làm rất sạch đẹp.  Trong bài văn có những điểm sáng nhất định, bạn ấy viết có chiều sâu, kết hợp được kiến thức văn học với kiến thức của lý luận văn học, làm mình luôn có ấn tượng tốt”.

Còn theo cô giáo Nguyễn Thị Thanh Tuyền, Trường THPT Nam Lý, huyện Lý Nhân,  trong đề văn năm nay có hai câu đánh giá cả hai năng lực rõ ràng, kiến thức thực tiễn – là câu nghị luận xã hội, câu thứ hai là câu nghị luận văn học, những học sinh đạt điểm khá giỏi      trở lên chắc chắn là những bạn có hiểu biết nhất định về văn học, thậm chí đọc sách và quan tâm theo dõi các vấn đề thời sự. Tuy nhiên, trừ những học sinh chuyên văn, hầu hết các em được điểm 8 trở xuống chỉ dừng lại ở mức vận dụng kiến thức của thầy cô truyền đạt chứ  chưa có sự sáng tạo như mong muốn.

Dù vậy, môn Ngữ văn là môn có những đặc trưng riêng, phần làm văn phụ thuộc vào cảm xúc và vận dụng kiến thức văn học, kiến thức thực tiễn, việc chấm điểm phần này sẽ làm khó giám khảo. Người ta đã luôn nghĩ rằng, sẽ có những sự chênh lệch trong việc “cân điểm” giữa các giám khảo với nhau.

Giải thích điều này, cô giáo Phạm Thị Vân, Trường THPT B Phủ Lý cho biết: Việc chấm tự luận môn Ngữ văn hiện nay sẽ khó có sự chênh lệch giữa 2 người trên một bài thi. Thứ nhất, theo đáp án bài thi, các câu, các ý đều có biểu điểm rõ ràng. Thứ hai, các giáo viên làm nhiệm vụ chấm thi chúng tôi trước đó đều được quán triệt quy chế thi, thảo luận, hướng dẫn chấm, rồi chấm chung 10 bài để rút kinh nghiệm, thống nhất cách vận dụng hướng dẫn chấm trước khi chấm độc lập tại hai vòng riêng biệt.

Ở lần thứ nhất, người chấm sẽ gạch chéo toàn bộ phần giấy còn thừa của thí sinh, ngoài ra không ghi gì thêm trên bài làm của các em và túi bài thi. Điểm thành phần, điểm toàn bài và các nhận xét phải được ghi vào phiếu chấm riêng từng bài, trên phiếu ấy có ghi rõ họ, tên và chữ ký của người chấm. Ở lần chấm thứ hai, là những túi bài thi do người chấm tự bốc thăm ngẫu nhiên, đương nhiên là không phải túi bài thi mình đã chấm lần một. Lần này, người chấm mới được chấm trực tiếp vào bài làm của thí sinh và ghi vào phiếu… Sau đó còn khâu kiểm tra nữa nên tôi nghĩ là giữa hai giám khảo sẽ đều tay trong việc chấm.

Cũng cho ý kiến về điều này, cô giáo Nguyễn Thị Lan Dung khẳng định: Môn Ngữ văn là môn có yếu tố quan điểm, tính định tính trong khâu chấm có thể có, nhưng khi khớp điểm, hai người vẫn phải bảo đảm nguyên tắc quy định sự chênh lệch điểm trong giới hạn cho phép. Càng nhiều những bài văn điểm giỏi càng được chú ý  ở khâu  kiểm tra chấm nhiều hơn.

Hà Nam đã rất thận trọng chuyện này trong những năm qua. Và, việc chấm theo ba rem điểm là chấm theo những ý mà người ra đề định hướng cho người chấm. Tuy nhiên, khi chấm, người chấm vẫn phát hiện ra những sáng tạo của học sinh, điểm tối đa quy định cho phần sáng tạo là 0,5 điểm. Chẳng hạn như ở những bài từ 8 điểm trở lên, các em có diễn đạt tốt, trình bày sáng sủa, liên hệ mở rộng thì chúng tôi trân trọng chuyện đó, cho các em điểm sáng tạo.

Rõ ràng, môn Ngữ văn có nhiều điểm cao trong  Kỳ thi THPT quốc gia những năm qua phần nào thể hiện truyền thống văn chương của thí sinh Hà Nam. Văn học là nhân học, học văn để làm người, để hiểu con người, hiểu xã hội, hiểu cuộc sống. Những giáo viên dạy Ngữ văn của Hà Nam đã truyền được cảm hứng và kiến thức cơ bản về môn học này  cho các em.

Dù mục đích cho tương lai của mỗi người khác nhau, nhưng môn văn vẫn là môn học cơ bản, môn học của tư duy ngôn ngữ, tư duy khoa học xã hội cần thiết để con người sống và đứng vững trong cuộc đời.

Chu Uyên

Chu Uyên

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.