Thiệt thòi khi rút BHXH một lần

Do tác động của nhiều yếu tố, tình trạng người lao động (NLĐ) rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần có xu hướng gia tăng trong những năm trở lại đây. Vẫn biết rút sổ BHXH là quyền của NLĐ, song thực tế việc này kéo theo nhiều hệ lụy khi NLĐ chỉ được hưởng một số tiền cố định duy nhất và ra khỏi hệ thống BHXH, đánh mất cơ hội được hưởng an sinh xã hội dài hạn. 

Theo tính toán của cơ quan BHXH, bình quân một người một năm phải đóng tiền BHXH 2,64 tháng lương, nhưng khi rút tiền BHXH một lần họ chỉ được hưởng 1,5 tháng (trước 2014) và 2 tháng (sau 2014). Đây là con số chênh lệch khá lớn, thiệt thòi cho NLĐ.

Ngoài ra, rút tiền BHXH đồng nghĩa với việc NLĐ tự đưa mình ra khỏi hệ thống an sinh xã hội. Tức là sau này không được hưởng chế độ hưu trí và đặc biệt không còn được hưởng chế độ bảo hiểm y tế (BHYT) lúc ốm đau bệnh tật. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của chính bản thân người đó, dẫn đến phụ thuộc hoàn toàn vào gia đình, xã hội.

Thiệt thòi khi rút BHXH một lần
Cán bộ Bảo hiểm xã hội tỉnh tư vấn về chính sách BHXH tự nguyện cho lao động tự do.

Thống kê của BHXH tỉnh, từ năm 2019 đến 2021, số NLĐ thanh toán BHXH một lần có chiều hướng gia tăng. Cụ thể, năm 2019 là 3.562 người, năm 2020 là 4.013 người, năm 2021 là 5.904 người. NLĐ có độ tuổi từ 25 đến 35 thanh toán BHXH một lần chiếm khoảng 70%, trong số đó thời gian đóng BHXH ngắn từ 1 đến 5 năm chiếm 67%. Trong 5 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh có 1.525 người rút BHXH một lần, tương đương so với cùng kỳ năm 2021. NLĐ có nhiều lý do để rút BHXH một lần, trong đó chủ yếu là để trang trải cuộc sống hằng ngày sau khi nghỉ việc tại các công ty. Một số khác rút BHXH một lần vì lo ngại lương hưu quá thấp, không đủ sống về sau. Bên cạnh đó, Luật BHXH đang cho thấy nhiều bất cập, hạn chế khi thời gian đóng quá dài, tối thiểu 20 năm mới được hưởng lương hưu; khi đóng đủ số năm còn phải chờ đến tuổi nghỉ hưu mới được nhận lương hưu…

Nguyên nhân thì có nhiều, song thực tế không ít người sau khi rút BHXH một lần đã cảm thấy hối tiếc. Chị Phạm Thị Th., Phường Hai Bà Trưng (TP. Phủ Lý) chia sẻ: Tôi đóng BHXH được hơn 4 năm. Tôi có dự tính đi xuất khẩu lao động nên quyết định rút BHXH, giờ tôi lại không đi nữa. Số tiền rút về chỉ được hơn 5 triệu đồng. Giá mà tôi suy nghĩ kỹ hơn thì tôi đã không làm thế. Ít ra nếu tham gia đóng BHXH tự nguyện, tôi sẽ được nối quá trình. Nhưng giờ đây, muốn tham gia tôi phải đóng lại từ đầu.

Hay như trường hợp của 2 chị Trần Thị Nh. và Trần Thị Th., ở xã Nguyên Lý (huyện Lý Nhân) cũng rút BHXH một lần sau 7 năm tham gia. Giờ cả 2 chị đều làm tự do và lại lựa chọn đóng BHXH tự nguyện. Đến nay, họ cũng đã tham gia được hơn 2 năm. Chị Hoàng Thị Thanh Loan, nhân viên đại lý thu bưu điện xã Nguyên Lý cho biết: Nhiều người rút BHXH nhưng không hiểu rõ lợi ích mà BHXH mang lại. Song cũng có người sau khi nghe tư vấn, giải đáp một cách thấu đáo, họ lựa chọn ở lại hệ thống an sinh bằng việc tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện. Là một nhân viên đại lý thu BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, tôi sẽ sát sao hơn nữa trong việc nắm bắt danh sách những người làm công nhân tại doanh nghiệp, những người tham gia chưa đủ năm và người dân có tiềm năng… để phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. 

Theo chia sẻ của ông Trần Xuân Kha, Trưởng ban Chính sách pháp luật – quan hệ lao động Liên đoàn Lao động (LĐLĐ tỉnh), NLĐ rút BHXH một lần chủ yếu là do thu nhập thấp, không có tích lũy, công việc bấp bênh và không có niềm tin dài hạn vào chính công việc mình đang làm. Trước thực trạng số người hưởng BHXH một lần có xu hướng gia tăng, LĐLĐ tỉnh chỉ đạo các cấp công đoàn đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền; phối hợp với cơ quan BHXH phổ biến pháp luật về chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp nói chung, BHXH một lần nói riêng, nhằm nâng cao hiểu biết và ý thức pháp luật cho đoàn viên công đoàn và NLĐ. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác chăm lo, bảo vệ đoàn viên, NLĐ; phối hợp với chủ doanh nghiệp quan tâm cải thiện điều kiện, môi trường làm việc, bảo đảm quyền lợi, phúc lợi cho NLĐ. Kịp thời nắm bắt các trường hợp NLĐ khó khăn để thăm hỏi, tặng quà và có những hình thức trợ giúp phù hợp. 

Còn theo đại diện cơ quan BHXH tỉnh, thời gian tới, BHXH tỉnh, BHXH các huyện, thị xã, thành phố sẽ tăng cường phối hợp với công đoàn tổ chức các hội nghị tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về lao động, BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp tại các doanh nghiệp; trong đó nhấn mạnh về tầm quan trọng của các chế độ BHXH đối với NLĐ khi đang tham gia BHXH cũng như khi hết tuổi lao động, đặc biệt là chế độ hưu trí. Bố trí cán bộ thường trực tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ giải quyết BHXH một lần tuyên truyền, giúp NLĐ hiểu rõ những thiệt thòi khi nhận BHXH một lần; đồng thời, vận động NLĐ bảo lưu hoặc tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện khi đến làm thủ tục. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách BHXH, BHYT tại các doanh nghiệp, kịp thời phát hiện các trường hợp trốn đóng, nợ đóng BHXH để bảo đảm quyền lợi cho NLĐ. 

Có thể nói, thời gian tham gia đóng BHXH chính là thành quả của quá trình lao động, khoản tích lũy của NLĐ khi còn sức khỏe. Lương hưu được Nhà nước điều chỉnh định kỳ theo chỉ số giá tiêu dùng và mức tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, người hưởng lương hưu luôn được bảo toàn giá trị, không bị rủi ro khi đồng tiền mất giá. Đáng chú ý, khi NLĐ qua đời, người lo mai táng sẽ được hưởng trợ cấp mai táng (bằng 10 tháng lương cơ sở tại thời điểm mất) và thân nhân NLĐ sẽ được hưởng trợ cấp tuất một lần hoặc trợ cấp tuất hằng tháng nếu đủ điều kiện theo quy định. Trong quá trình hưởng lương hưu, NLĐ được cấp thẻ BHYT miễn phí.

Hoàng Hải

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.