Thị xã Duy Tiên với nỗi lo thiếu giáo viên

Với đặc thù của địa bàn trọng điểm phát triển công nghiệp, những năm gần đây, thị xã Duy Tiên phải chịu khá nhiều áp lực bởi tình trạng tăng dân số cơ học. Kéo theo đó là số học sinh, số lớp của các cấp học cũng tăng nhanh theo từng năm học, gây nhiều khó khăn cho ngành giáo dục của thị xã, nhất là việc thiếu giáo viên và việc phân công, bố trí, sắp xếp đội ngũ giáo viên cho các nhà trường. 

Do nằm trên địa bàn có nhiều công ty, doanh nghiệp, số học sinh là con công nhân, lao động các nơi về làm việc tại địa bàn tăng nên cả 3 cấp học là mầm non, tiểu học và THCS của phường Bạch Thượng luôn là “điểm nóng” về việc thiếu trường lớp và gặp nhiều khó khăn về đội ngũ. Tính chung cả 3 cấp học, trong năm học này đã thiếu tới 9 giáo viên so với biên chế được giao và 28 giáo viên so với định mức quy định cho từng cấp học.

Tại Trường Tiểu học Bạch Thượng, năm học này có 28 lớp với 1.020 học sinh. Do học sinh đông và thiếu 3 giáo viên văn hóa nên nhà trường đã phải thực hiện việc dồn lớp đối với các khối 2, 3, 4 (mỗi lớp không quá 40 học sinh  thay vì 35 học sinh/lớp theo quy định) và bố trí 3 cán bộ quản lý trực tiếp dạy 3 lớp. Tuy nhiên, khó khăn này sẽ còn nặng nề hơn nữa bởi trong năm học, nhà trường sẽ có 7 giáo viên nghỉ chế độ thai sản. 

Thị xã Duy Tiên với nỗi lo thiếu giáo viên
Vì thiếu giáo viên, cán bộ quản lý ở nhiều trường học trên địa bàn thị xã Duy Tiên phải trực tiếp giảng dạy. Trong ảnh: Một tiết dạy của cán bộ quản lý Trường Tiểu học Bạch Thượng.

Cô giáo Trần Thị Nguyệt Minh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Để tạm thời khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nhà trường phải tính toán phương án nếu chưa có giáo viên hợp đồng sẽ bố trí 2 giáo viên dạy 3 lớp với các môn Toán, Tiếng Việt, đồng thời trưng tập các giáo viên khác dạy một số môn học còn lại và phân công giáo viên chuyên biệt làm công tác chủ nhiệm để giảm bớt áp lực công việc cho các giáo viên văn hóa. Tuy nhiên, đây chỉ là các giải pháp tình thế, tạm thời, về lâu dài nhà trường cần nhận được sự quan tâm của cấp trên trong việc sớm bổ sung giáo viên bảo đảm đủ số lượng 1 giáo viên/lớp, có như vậy nhà trường mới có điều kiện thực hiện tốt các nhiệm vụ giáo dục của năm học…

Được biết, đây cũng là mong mỏi của hầu hết các nhà trường, cấp học trên địa bàn thị xã hiện nay, nhất là các trường học thuộc địa bàn các phường, xã lân cận khu công nghiệp như: Duy Minh, Đồng Văn, Hòa Mạc, Hoàng Đông. 

Theo thống kê của Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thị xã Duy Tiên, năm học 2020-2021, trên địa bàn thị xã có 51 trường học các cấp với 922 nhóm, lớp học (tăng 58 nhóm, lớp học so với năm học 2019-2020), huy động gần 8.815 trẻ mầm non ra lớp và 19.783 học sinh tiểu học, THCS (tăng 833 trẻ mầm non và học sinh các cấp). Mặc dù vậy, số giáo viên cho các cấp học lại chưa được bổ sung nên xảy ra tình trạng thiếu giáo viên. Hiện tại, thị xã có tổng số 1.600 biên chế giáo dục các cấp học, trong đó các trường mầm non có 575 biên chế, tiểu học có 577 biên chế và THCS có 448 biên chế. Số biên chế hiện có còn thiếu so với chỉ tiêu biên chế được giao là 85 người và con số này nếu so với định mức giáo viên/lớp theo quy định đối với từng cấp học thì giáo dục Duy Tiên sẽ thiếu tới 366 người.

Trao đổi với chúng tôi về tình hình đội ngũ thực tế đầu năm học 2020-2021, ông Bùi Đình Thanh, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng GD&ĐT thị xã Duy Tiên cho biết: Việc thiếu giáo viên của thị xã Duy Tiên không phải chỉ xảy ra với năm học 2020-2021 mà đã trở thành “bài toán khó” cho ngành giáo dục thị xã qua nhiều năm học. Trong điều kiện thiếu giáo viên như hiện nay, việc tuyển dụng giáo viên hợp đồng cho các cấp học tương đối khó khăn do không có nguồn, lại chưa có các hướng dẫn cụ thể về cơ chế, cách thức tuyển dụng hợp đồng nên nhiều trường khá lúng túng trong việc phân công, bố trí, sắp xếp giáo viên để đáp ứng khối lượng công việc thực tế…

Qua tìm hiểu, chúng tôi biết thêm, trước mắt, để giúp các nhà trường khắc phục tạm thời khó khăn về đội ngũ, Phòng GD&ĐT thị xã đã thực hiện huy động toàn bộ lực lượng giáo viên và phân công tại chỗ, yêu cầu cán bộ quản lý các nhà trường thiếu giáo viên phải trực tiếp tham gia giảng dạy; chủ động cân đối, điều hòa ở mức tối đa trong điều kiện thực tế về đội ngũ cho từng cấp học, kiên quyết không để xảy ra tình trạng trống lớp do không bố trí, sắp xếp được giáo viên đứng lớp. 

Theo dự báo đến năm 2030, chỉ riêng số học sinh ở các xã, phường lân cận các khu công nghiệp trên địa bàn thị xã Duy Tiên sẽ tăng hơn 5.000 học sinh các cấp, trong đó có quá nửa là con công nhân. Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu về học tập của học sinh, Duy Tiên sẽ cần có thêm 370 phòng học, phòng chức năng và cần được bổ sung hàng trăm giáo viên các cấp học.

Trong lộ trình phát triển mạng lưới giáo dục trên địa bàn, các xã, phường chịu nhiều áp lực về sự gia tăng học sinh các cấp học đã đề nghị tỉnh, thị xã quan tâm sửa chữa, nâng cấp hệ thống phòng, xây dựng điểm trường mầm non mới ghép với trường mầm non khu nhà ở cho công nhân, mở rộng diện tích các đơn vị trường học, xây dựng mới thêm các điểm trường khác… với tổng kinh phí đề xuất lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Riêng với vấn đề về đội ngũ giáo viên, ngành giáo dục thị xã mong có sự quan tâm tăng chỉ tiêu biên chế theo định mức số người làm việc bảo đảm đúng quy định; sớm có sự hướng dẫn chi tiết về việc hợp đồng lao động và có sự phân cấp cho địa phương trong công tác tuyển dụng số người làm việc trong chỉ tiêu biên chế để tạo sự chủ động bổ sung giáo viên thiếu cho địa phương.

Thanh Hà

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy