Tăng cường sử dụng phương pháp tư vấn, khám chữa bệnh 'từ xa'

Hiện nay, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, việc khám, chữa bệnh của người dân gặp nhiều khó khăn, trở ngại, nhất là với những người mắc bệnh mãn tính, bệnh hiểm nghèo. Chính vì vậy, để vừa bảo đảm sức khỏe, vừa phòng dịch bệnh Covid-19 hiệu quả, nhiều người bệnh đã lựa chọn sử dụng phương pháp tư vấn, khám chữa bệnh “từ xa”. 

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổ 2, Phường Lê Hồng Phong (TP Phủ Lý) mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, tăng huyết áp, tiểu đường. Trước kia, khi chưa có dịch bệnh Covid-19, tháng nào ông cũng tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh và một số cơ sở y tế khác để khám bệnh, lấy thuốc. Từ khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ông hạn chế đến bệnh viện, chỉ lấy thuốc theo định kỳ và tăng cường liên hệ với bác sỹ điều trị để tư vấn, khám chữa bệnh tại nhà.

Ông Tuấn cho biết: “Từ khi có dịch, người đến khám bệnh tại cơ sở y tế phải thực hiện khai báo y tế, xét nghiệm Covid-19 và theo dõi sức khỏe, phòng bệnh chặt chẽ. Là người có nhiều bệnh nền nên để hạn chế tiếp xúc, tôi được bệnh viện phát thuốc 3 tháng một lần (thay vì một tháng/lần như trước). Tôi cũng được bác sỹ hướng dẫn tỷ mỉ một số thao tác về tự theo dõi sức khỏe tại nhà, như: tự đo đường huyết, đo huyết áp và lắng nghe cơ thể. Nếu có biểu hiện sức khỏe bất thường, tôi gọi điện trao đổi với bác sỹ điều trị và được tư vấn kịp thời. Do vậy, mấy tháng qua, mặc dù không thường xuyên đi khám như trước nhưng sức khỏe tôi vẫn luôn ổn định”.

Tăng cường sử dụng phương pháp tư vấn khám chữa bệnh từ xa
Bác sỹ Trung tâm Y tế huyện Kim Bảng tư vấn, khám bệnh cho người dân.

Chị Nguyễn Thị Huyền, Tổ 5, Phường Trần Hưng Đạo (TP Phủ Lý), có con nhỏ năm nay 3 tuổi cũng là một trường hợp tương tự. Trước đây, có khi con chỉ hơi ho, sốt, lập tức chị cho con đi khám bệnh tại cơ sở y tế. Từ khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, chị hạn chế đi khám mà tăng cường nhờ bác sĩ tư vấn “từ xa”. Chị Huyền cho biết: Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát và xuất hiện tại cộng đồng ở một số tỉnh, thành lân cận, việc khám chữa bệnh cho các thành viên trong gia đình, nhất là con nhỏ, cha mẹ già càng cần phải cẩn thận. Tôi hạn chế đi khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế không có nghĩa là mặc cho bệnh tật, tự ý điều trị mà tôi tăng cường kết nối và nhờ các bác sỹ tư vấn, điều trị tại nhà; không tùy tiện sử dụng thuốc không theo chỉ định. Đơn cử, với thuốc hạ sốt, giảm đau paracetamon là thuốc rất quan trọng để kiểm soát nhiệt độ và hạn chế các biến chứng (trong đó có cả biến chứng của Covid-19), tôi được các bác sỹ hướng dẫn luôn có để phòng trong tủ thuốc gia đình. Đồng thời, khuyến cáo paracetamon cũng rất nguy hiểm nếu dùng sai chỉ định hoặc quá liều (có thể gây tổn thương gan cấp tính với tỷ lệ tử vong cực kỳ cao). Do vậy, khi người thân trong gia đình có biểu hiện bất thường (tiêu chảy, ho sốt, nổi mẩn, đau bụng…), tôi đều chủ động gọi điện đề nghị bác sĩ tư vấn.

Với những bệnh thông thường, bác sỹ sẽ hỏi, hướng dẫn tự đo huyết áp, tìm hiểu nguyên nhân (do ăn uống hay dị ứng côn trùng…), từ đó tư vấn cách xử lý, hướng dẫn liều lượng thuốc uống đối với từng người trong gia đình. Với những bệnh nặng, cấp tính (đau bụng không rõ nguyên nhân, đau bụng kèm nôn, đi ngoài ra máu…), chúng tôi cũng được bác sĩ tư vấn kịp thời để đưa người thân tới cơ sở y tế chuyên khoa theo dõi, điều trị. Thông qua tăng cường trao đổi, đề nghị bác sĩ tư vấn “từ xa”, gia đình tôi tránh được việc đi đến bệnh viện hoặc khám các chuyên khoa không cần thiết, mặt khác chủ động hơn trong việc khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế.

Bác Trần Thị H., trú tại Tổ 4, phường Hòa Mạc (thị xã Duy Tiên) mắc bệnh tim mạch, nội tiết, thường xuyên phải lên một số bệnh viện ở Hà Nội để khám, theo dõi, điều trị. Thời điểm hiện tại Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội nên bác đã chủ động lựa chọn hình thức tăng cường trao đổi “từ xa” về tình hình sức khỏe với bác sỹ điều trị. Mặt khác, liên hệ với cán bộ y tế cơ sở đến nhà lấy máu làm các xét nghiệm cần thiết và gửi kết quả (qua zalo) để bác sỹ điều trị có cơ sở tư vấn, đưa ra phương pháp, điều chỉnh liều lượng thuốc uống phù hợp. Nhờ cách thức khám bệnh, tư vấn “từ xa” này mà gần một năm qua, sức khỏe của bác luôn ổn định, tạo cho bác tâm lý phấn khởi, yên tâm. 

Kể từ đợt bùng phát dịch thứ tư, cùng với ưu tiên một cách hợp lý về nhân lực, cơ sở vật chất cho công tác phòng, chống dịch, một số bệnh viện, y, bác sỹ đã triển khai tư vấn, khám chữa bệnh miễn phí “từ xa” nhằm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân. Theo đó, bệnh viện thông báo cho những bệnh nhân từng điều trị về việc tái khám để chủ động liên lạc với các khoa đã nằm điều trị đặt lịch hẹn tái khám; tổ chức các buổi phát hình trực tiếp (livestream) trên facebook của bệnh viện để tư vấn cho cộng đồng về bảo vệ sức khoẻ trong thời kỳ thực hiện giãn cách phòng, chống dịch. Một số có bệnh viện cũng đã triển khai mô hình tư vấn – khám, chữa bệnh miễn phí qua video call (tư vấn qua các ứng dụng gọi video) từ bệnh nhân đến bác sĩ phòng khám ngoại trú. Bệnh nhân chỉ cần có điện thoại thông minh, hoặc máy tính bảng, máy tính truyền thống vào website, hoặc fanpage của bệnh viện, sau đó chọn chuyên khoa cần khám là có thể giao tiếp với các bác sĩ. 

Theo bác sỹ Phạm Thị Thủy, Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, số lượng bệnh nhân có nhu cầu khám, điều trị vẫn cao, chưa kể đa số bệnh nhân ung thư có sức khỏe yếu, vì vậy các bác sỹ, nhân viên y tế của khoa tăng cường tư vấn, hướng dẫn điều trị bệnh cho bệnh nhân qua điện thoại. Việc khám bệnh “từ xa” tất nhiên không thể bằng khám bệnh trực tiếp, song nhờ có hình ảnh phản ánh rõ tình trạng cụ thể của bệnh nhân đã giúp bác sĩ phân biệt được trường hợp nào cần chuyển đến bệnh viện tuyến trên, trường hợp nào cần đến cơ sở y tế gần nhất, hoặc điều trị tại nhà… Sau khi tư vấn, xem xét cụ thể tình hình sức khỏe người bệnh, bác sỹ sẽ hướng dẫn bệnh nhân đến viện hoặc yêu cầu, đề nghị nhân viên y tế đến nhà điều trị. Bên cạnh đó, để bảo đảm sức khỏe, tính mạng người bệnh, bác sỹ, nhân viên của khoa cũng tăng cường kết nối, tư vấn trực tuyến, hội chẩn từ xa với bác sỹ tuyến trên để đưa ra cách điều trị thích hợp, hiệu quả nhất cho người bệnh.

Thời gian tới, việc lựa chọn hình thức khám bệnh, tư vấn sức khỏe “từ xa” bảo đảm yếu tố phù hợp với bối cảnh hiện tại rất cần được tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện và nhân rộng, qua đó góp phần nâng cao chất lượng hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân gắn với thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh.

Nguyễn Hằng

Bình luận bài viết

Bình luận

  •  nguyễn thanh hải
    2 năm trước

    Rất thiết thực với người bệnh. Trong điều kiện nhiều nơi phải thực hiện giãn cách xã hội, việc đi lại cùa người bệnh lại càng khó khăn. Vấn đề tương tác giữa người bệnh và cơ sở khám chữa bệnh là vô cùng cần thiết. Mong ngành y tế sớm có giải pháp hữu hiêu, cụ thể, dễ thực hiện để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân trong điều kiện giãn cách xã hội nêu trên.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.