Tăng cường giáo dục hỗ trợ trẻ 5 tuổi chuẩn bị vào học lớp 1

Năm học 2019-2020, trên địa bàn tỉnh ta có 13.193 trẻ 5 tuổi được huy động ra học tại 465 lớp mẫu giáo 5 tuổi. Do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 khiến thời gian đến trường cũng như việc tiếp thu các kiến thức, kỹ năng của trẻ 5 tuổi bị gián đoạn.

Mặc dù, trong thời gian nghỉ phòng, chống dịch, ngành giáo dục đã chỉ đạo các trường mầm non đẩy mạnh dạy học, hoạt động trực tuyến nhưng hiệu quả mới dừng ở mức độ nhất định. Vì vậy, ngay sau khi trẻ 5 tuổi được tiếp tục trở lại trường học tập vào ngày 4/5, các trường mầm non đã chủ động triển khai nhiều biện pháp giáo dục tích cực nhằm hỗ trợ tối đa trẻ 5 tuổi về mọi mặt trước khi bước vào học lớp 1.

Trên thực tế, trẻ trong độ tuổi 5 tuổi được đánh giá là thời kì phát triển mạnh mẽ cả về thể chất, trí tuệ, cảm xúc và có sự tương tác tích cực với các hoạt động diễn ra xung quanh thông qua khám phá, trải nghiệm, thực hành. Theo cô giáo Lê Thị Hà, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thanh Hà (Thanh Liêm), điều này đòi hỏi rất nhiều ở giáo viên trong việc biết khai thác các tình huống để khuyến khích trẻ chơi và hoạt động cùng nhau. Với tổng số 178 trẻ 5 tuổi được sắp xếp học tại 6 lớp, nhà trường đặc biệt quan tâm bố trí 2 giáo viên/lớp để bảo đảm tốt việc chăm sóc, giáo dục trẻ 5 tuổi, nhất là về trí tuệ, ngôn ngữ, giúp trẻ tự tin, sẵn sàng bước vào lớp 1. Qua đánh giá, ngay từ những ngày đầu, tỉ lệ trẻ đi học trở lại của nhà trường đã đạt 100%, song tỉ lệ trẻ tiếp thu tốt các kỹ năng, kiến thức chỉ dao động từ 80-85% ở mỗi lớp. Vì vậy, nhà trường đã chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm các lớp thực hiện lại việc phân loại, chia nhóm hoạt động và có kế hoạch giảng dạy phù hợp với từng nhóm, hỗ trợ nhiều hơn với những trẻ chưa đạt yêu cầu để có thể theo kịp các trẻ khác.   

Tăng cường giáo dục hỗ trợ trẻ 5 tuổi chuẩn bị vào học lớp 1
Trong khung thời gian còn lại của năm học 2019-2020, Trường Mầm non Thanh Hà (Thanh Liêm) thực hiện lồng ghép dạy kỹ năng sống và tăng cường cho trẻ 5 tuổi làm quen với chữ cái, chữ số, sẵn sàng tâm thế vào lớp 1.

Về phía đội ngũ, hầu hết giáo viên có kinh nghiệm dày dặn về chăm sóc và giáo dục đã được các nhà trường lựa chọn, phân công nhiệm vụ trực tiếp giảng dạy các lớp 5 tuổi. Tại các lớp học, giáo viên đã thể hiện tốt vai trò người tổ chức các hoạt động cho trẻ khám phá, trải nghiệm. Đồng thời, biết tận dụng các yếu tố môi trường tự nhiên, sẵn có để dạy trẻ, sử dụng có hiệu quả các phương pháp dạy học tích cực, hạn chế việc học theo kiểu cô nói, trẻ nghe theo phương pháp truyền thống.

Cô giáo Lê Thị Xuân Ngân, giáo viên Trường Mầm non Thanh Hà (Thanh Liêm) chia sẻ: Khi trẻ ra lớp trở lại, nhiều bé quên kiến thức, kỹ năng đã được học trước đó, nếu không có sự quan sát, theo dõi trẻ sát sao, giáo viên không thể bổ sung, nhắc nhớ các kiến thức, kỹ năng đó cho trẻ. Thời gian còn lại của năm học không nhiều, chúng tôi tăng cường kiểm tra nhận thức của trẻ, tổ chức nhiều hoạt động học, hoạt động góc, hoạt động ngoài trời để tăng cường bổ sung kiến thức, kỹ năng. Tuy chương trình học kỳ II được chỉ đạo rút ngắn nhưng giáo viên dạy lớp 5 tuổi có sự chủ động tự thiết kế chương trình, xây dựng nội dung học tập phù hợp với đặc điểm lớp học, chú trọng cho trẻ làm quen với chữ cái, chữ số và các kỹ năng sống…

Được biết, trong quá trình giáo dục và thực hiện các hoạt động giáo dục trong lớp học, giáo viên dạy trẻ 5 tuổi đều xác định phải giúp trẻ tận dụng được tất cả các giác quan để khám phá sự vật, hiện tượng trên cơ sở cho trẻ quan sát, xem xét, phỏng đoán, so sánh và sử dụng câu hỏi gợi mở, câu hỏi kích thích trẻ tư duy. Bên cạnh đó, giáo viên còn nắm vững các kỹ thuật sử dụng trong từng phương pháp dạy học cụ thể, như: kỹ thuật chia nhóm, kỹ thuật giao nhiệm vụ, kỹ thuật đưa ra tình huống có vấn đề, kỹ thuật đặt câu hỏi… bảo đảm phù hợp với nhận thức của trẻ.

Mặt khác, để nâng cao chất lượng giáo dục, trang bị cho trẻ 5 tuổi những kiến thức, kỹ năng quan trọng chuẩn bị vào lớp 1, các trường mầm non và đội ngũ giáo viên dạy các lớp 5 tuổi còn thực hiện tốt chuyên đề xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm, áp dụng các phương pháp giáo dục trong đó trẻ 5 tuổi được trở thành trung tâm trong các hoạt động giáo dục. Theo đó, để giúp cho sự hiểu biết của trẻ tốt hơn, tăng cường khả năng nhớ nhanh, nhớ lâu của trẻ, giáo viên đã chủ động, linh hoạt vận dụng sáng tạo một số phương pháp dạy học tích cực được biết tới, như: phương pháp thảo luận nhóm, phương pháp dạy học giải quyết vấn đề, phương pháp “đóng vai”, phương pháp trò chơi; phương pháp dạy học khám phá, phương pháp dạy học trải nghiệm… Tùy theo từng phương pháp, giáo viên xác định trước nội dung cho các hoạt động, bảo đảm phù hợp với đặc điểm và năng lực  của trẻ và phù hợp với quỹ thời gian, với hoàn cảnh, điều kiện thực tế, hướng trẻ đến các mục tiêu tự tìm tòi, tự quan sát, tự suy nghĩ, tự cảm nhận.

Cũng như các năm học trước, năm học này, các trường trên địa bàn tỉnh phấn đấu bàn giao 100% trẻ hoàn thành chương trình giáo dục mầm non, đạt các yêu cầu về nhận thức, kỹ năng cho các trường tiểu học. Tuy nhiên, cùng với sự nỗ lực của các nhà trường, giáo viên, rất cần sự vào cuộc của cha mẹ  trong việc phối hợp với nhà trường, giáo viên tăng cường hướng dẫn, dạy kiến thức, kỹ năng cho trẻ 5 tuổi để các bé có tâm thế tốt vào học lớp 1, năm học đầu tiên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Thanh Hà

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy