Tăng cường đầu tư phát triển giáo dục

Nhằm đáp ứng các yêu cầu về phát triển giáo dục trên địa bàn tỉnh, những năm qua, bên cạnh việc tích cực huy động các nguồn đầu tư, hỗ trợ từ xã hội hóa, từ các dự án… ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục hằng năm cũng được nâng lên. Qua đó, đã từng bước đáp ứng các nhu cầu chi cho hoạt động dạy, học và mua sắm, sửa chữa cơ sở vật chất, thiết bị dạy học ở các cơ sở giáo dục.

Tăng cường đầu tư phát triển giáo dục
Học sinh Trường Tiểu học Liêm Chính (thành phố Phủ Lý) được học tập trong các phòng học chức năng đạt chuẩn, từng bước hiện đại.

Để hỗ trợ kinh phí hoạt động phát triển giáo dục, tỉnh đã có các quy định về định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách và hỗ trợ kinh phí chi đặc thù quản lý hành chính cho Sở GD&ĐT để thực hiện việc tham mưu về quản lý giáo dục trên địa bàn tỉnh. Với sự quan tâm này, cơ bản kinh phí phân bổ theo quy định đã cơ bản đáp ứng được các hoạt động thường xuyên. Trong điều kiện từng địa phương, việc trích ngân sách dành cho phát triển giáo dục cũng được các huyện, thị xã, thành phố quan tâm. Có những địa phương, nguồn kinh phí chi cho phát triển giáo dục lên tới gần 50% tổng chi ngân sách chung. Qua đó, đã giúp tháo gỡ không ít khó khăn cho các cơ sở giáo dục về kinh phí chi hoạt động nghiệp vụ chuyên môn, mua sắm trang thiết bị, tăng cường cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập. 

Chương trình xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được đẩy mạnh và thực hiện lồng ghép các nguồn kinh phí, có cơ chế hỗ trợ sau đầu tư từ ngân sách tỉnh cho các trường học xây dựng đạt chuẩn quốc gia thuộc xã xây dựng nông thôn mới còn khó khăn. Trong đó, mức hỗ trợ sau đầu tư đối với các cấp học lên tới hàng trăm triệu đồng/phòng xây mới. Việc đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị cho các nhà trường được thực hiện theo hướng kiên cố, hiện đại và đạt chuẩn quốc gia. Hiện nay, phòng học của các cơ sở giáo dục cơ bản đáp ứng đủ cho việc dạy và học. Đến năm học 2020-2021, tại các trường học trên địa bàn tỉnh có 5.990 phòng học với khoảng 95,9% phòng học kiên cố. Cùng với các nguồn đầu tư, hỗ trợ từ ngân sách, sự nghiệp GD&ĐT cũng nhận được sự ủng hộ, đồng thuận tạo nguồn từ công tác xã hội hóa (XHH) giáo dục. Trong nhiều năm, tổng nguồn vốn đầu tư cho xây dựng trường chuẩn lên tới hàng nghìn tỉ đồng, trong đó có tỉ lệ không nhỏ được huy động từ nguồn XHH. 

Điều dễ nhận thấy, nếu chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước, việc đầu tư cho giáo dục sẽ không đạt được hiệu quả như mong muốn. Trên thực tế, do các chính sách khuyến khích XHH giáo dục được triển khai thực hiện tương đối hiệu quả; các hoạt động truyền thông, vận động đẩy mạnh XHH giáo dục được triển khai đồng bộ ở tất cả các địa phương, nhà trường và được sự ủng hộ tích cực của các lực lượng xã hội nên đã huy động được nhiều hơn các nguồn lực đầu tư cho phát triển giáo dục. Với các công trình liên quan tới giáo dục, các địa phương đã ưu tiên bố trí vốn đối ứng để thanh toán cho các nhà thầu. Các dự án đầu tư cho xây dựng mới các công trình phòng học, phòng chức năng, khu hiệu bộ tại trường học không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà trường triển khai tốt các nhiệm vụ dạy và học mà còn giúp đẩy nhanh hơn tiến độ xây dựng trường chuẩn quốc gia.

Nằm trong chuỗi đầu tư xây dựng nông thôn mới của địa phương, hầu hết các trường học đã được xây dựng với quy mô của trường chuẩn quốc gia, có tổng kinh phí đầu tư tương đối lớn. Cơ sở vật chất trường lớp ngày càng được đầu tư xây dựng theo hướng hiện đại, đồng bộ, nâng tổng số trường học đạt chuẩn lên 363/370 (đạt 98,11%), trong đó có 112/115 trường mầm non, 116/116 trường tiểu học, 115/116 trường THCS và 20/23 trường THPT đạt chuẩn. Các chương trình, dự án đầu tư cho giáo dục hoàn thành, đối tượng được hưởng lợi ích chính là toàn xã hội, trong đó trực tiếp là học sinh và các gia đình người học trên địa bàn tỉnh, góp phần, thúc đẩy sự nghiệp GD&ĐT tỉnh nhà phát triển.

Tuy nhiên, hiện nay nguồn chi đầu tư xây dựng cơ bản được đánh giá còn thấp so với nhu cầu đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị dạy học, phòng thí nghiệm cho các nhà trường, cấp học. Cơ sở vật chất, thiết bị của nhiều cơ sở giáo dục không đồng bộ, lạc hậu về chất lượng. Đặc biệt, mặc dù đã được quan tâm đầu tư mạnh cho xây dựng trường lớp, bảo đảm đủ phòng học cho học sinh các khối, cấp, không có tình trạng học sinh phải học 3 ca, nhưng quy mô diện tích của một số trường quá nhỏ, diện tích phòng học, phòng chức năng, phòng bộ môn ở phần lớn trường chưa đạt chuẩn theo quy định của chương trình giáo dục phổ thông mới.  Do vậy, việc thực hiện nhiệm vụ dạy và học cũng như việc tổ chức các hoạt động giáo dục còn gặp khó khăn. Bên cạnh đó, ngân sách nhà nước dành cho giáo dục phổ cập, hỗ trợ các địa bàn, đối tượng đặc thù và việc thực hiện chính sách tăng cường nguồn lực phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là với giáo dục nghề nghiệp vẫn chưa đáp ứng tốt nhu cầu thực tế. 

Vì vậy, cần có sự điều chỉnh phù hợp lại cơ cấu đầu tư cho GD&ĐT theo hướng tăng chi đầu tư phát triển, giảm chi thường xuyên; có sự ưu tiên đầu tư cho giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông cả từ ngân sách và xã hội. Làm tốt được các yêu cầu này sẽ góp phần nâng cao hơn chất lượng giáo dục, cơ sở vật chất và thiết bị trường học; giữ vững kết quả đạt chuẩn quốc gia, nâng chuẩn mức độ 2; giữ vững kết quả phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, tạo điều kiện cho ngành giáo dục thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT trong giai đoạn tiếp theo.

Thanh Hà

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy