Quan tâm tháo gỡ khó khăn về nhân viên y tế trong trường học

Trên địa bàn tỉnh hiện có 374 trường học các cấp. Theo quy định, mỗi trường có 1 nhân viên y tế phụ trách công tác y tế trường học (YTTH) nhưng thực tế gần như chỉ có cấp THPT là có được đội ngũ nhân viên y tế, còn lại ở các cấp học khác đều chỉ là nhân viên kiêm nhiệm.

Ông Bùi Đình Thanh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thị xã Duy Tiên khẳng định: Toàn ngành giáo dục thị xã hiện nay chưa có nhân viên YTTH. Trước đây, bên cạnh số nhân viên y tế kiêm nhiệm, ngành đã có 3 nhân viên y tế được ký hợp đồng ngắn hạn để thực hiện công tác YTTH, nhưng sau khi có kế hoạch chuẩn bị tổ chức thi tuyển nhân viên trường học từ cuối năm 2021, 3 nhân viên này đã phải chấm dứt hợp đồng với các trường để chờ tuyển dụng. Tuy nhiên, đến nay, kỳ thi tuyển dụng nhân viên trường học vẫn chưa được tổ chức nên các trường học vẫn phải chờ…

Cùng chung thực trạng này, các trường học trên địa bàn TP Phủ Lý cũng chỉ có nhân viên y tế theo hình thức kiêm nhiệm.

Theo chia sẻ của ông Trịnh Xuân Thắng, Trưởng phòng GD&ĐT TP Phủ Lý, từ chủ trương quản lý theo biên chế và quy định mỗi năm tinh giản 2% lao động, giờ đến giáo viên đứng lớp của thành phố còn chưa đủ, hiệu phó các trường vẫn phải tham gia dạy như giáo viên thì nghĩ gì đến nhân viên y tế.

Trước đây ngành đã xây dựng kế hoạch bảo đảm mỗi trường tùy cấp học sẽ có từ 1-3 nhân viên, trong đó có nhân viên y tế nhưng khi tuyển vì không có chỉ tiêu nên không có biên chế nhân viên cho cấp học mầm non, cấp tiểu học rút còn 1 biên chế và THCS còn 2 biên chế. Như vậy, chỉ đủ tuyển các vị trí nhân viên kế toán, nhân viên thư viện, hành chính, còn lại, nhân viên y tế tạm thời vẫn chưa được tính đến và chắc vẫn phải thực hiện kiêm nhiệm như đã làm trong nhiều năm qua…

Quan tâm tháo gỡ khó khăn về nhân viên y tế trong trường học
Do thiếu nhân viên YTTH chuyên trách, việc chăm sóc, theo dõi sức khỏe cho học sinh của Trường Tiểu học Lương Khánh Thiện (TP Phủ Lý) phải có sự hỗ trợ
của đội ngũ giáo viên.

Được biết thêm, không chỉ ở Phủ Lý hay Duy Tiên mà ở tất cả các địa bàn khác trong tỉnh, tuy nhân viên YTTH được thường xuyên tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn về công tác YTTH nhưng do công việc chính của đội ngũ này đã quá nhiều, công tác y tế chỉ là kiêm nhiệm nên hiệu quả làm việc chưa cao.

Công việc của người kiêm nhiệm công tác y tế tại trường học đa phần là quản lý sổ theo dõi sức khỏe học sinh, quản lý phòng y tế trường học, thực hiện công tác tuyên truyền, phối hợp với các cơ sở y tế tổ chức khám bệnh cho học sinh…

Trên thực tế, nhân viên YTTH có vai trò rất quan trọng trong việc tham mưu triển khai thực hiện các hoạt động giáo dục sức khỏe, phòng chống dịch bệnh trong phạm vi trường học, đồng thời, chủ động thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh. Nhưng vì đều không phải là nhân viên y tế chuyên trách nên việc thực hiện các nhiệm vụ này chưa đáp ứng được yêu cầu. Kỹ năng xử lý của các nhân viên y tế kiêm nhiệm đối với các tình huống liên quan tới sức khỏe  của học sinh thiếu chuyên nghiệp, lúng túng.

Theo quy định, nhân viên YTTH bắt buộc phải có trình độ chuyên môn từ y sĩ trung cấp trở lên, phải thường xuyên được cập nhật kiến thức chuyên môn y tế thông qua nhiều hình thức và phải tham gia trực tiếp vào rất nhiều công việc có liên quan như: kiểm tra sức khỏe cho học sinh vào đầu năm học, phối hợp với các cơ sở y tế có đủ điều kiện để tổ chức khám và điều trị các bệnh chuyên khoa cho học sinh, hướng dẫn và tổ chức bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng, an toàn, vệ sinh…

Tuy nhiên, chỉ có cấp THPT mới có nhân viên y tế có trình độ chuyên môn về y tế (chiếm trên 6,2% tổng số nhân viên y tế trường học toàn tỉnh). Ở các cấp học khác, do 100% nhân viên y tế của các trường học đều là nhân viên văn thư, kế toán, thậm chí là giáo viên, được yêu cầu kiêm nhiệm vai trò nhân viên y tế, cơ bản còn chưa được đào tạo bài bản, chủ yếu mới chỉ được tham gia các lớp tập huấn ngắn ngày về các công việc, hoạt động liên quan tới y tế, chăm sóc sức khỏe học sinh, lại phải kiêm nhiệm quá nhiều công việc trong nhà trường… nên năng lực chuyên môn về y tế còn nhiều hạn chế.

Ngay cả khi đã có nhân viên y tế có bằng cấp, được đào tạo chuyên môn bài bản thì công việc phòng chống dịch bệnh trong trường học cũng chưa thực sự chủ động, chưa bảo đảm yêu cầu thực tế. Bởi, trong điều kiện số lượng học sinh quá đông, việc kiểm soát, theo dõi sức khỏe cho học sinh đã được tăng cường nhưng vẫn không thể triệt để. 

Bên cạnh những hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ, đội ngũ nhân viên y tế các trường học còn gặp nhiều khó khăn do chế độ chưa bảo đảm. Phần lớn nhân viên y tế đều là nhân viên thuộc diện hợp đồng, phải kiêm nhiệm nhiều công việc khác ngoài nhiệm vụ nhân viên YTTH, thu nhập thấp, ngoài số tiền lương theo chế độ hợp đồng chỉ trên 2 triệu đồng/tháng, họ không có thêm bất cứ khoản phụ cấp hỗ trợ nào khác.

Để tháo gỡ những khó khăn cho công tác YTTH, cần sự quan tâm tích cực của các cấp, các ngành, trong đó, quan trọng nhất là có chỉ tiêu tuyển dụng mang tính đặc thù đối với người làm công việc nhân viên y tế chuyên trách tại các trường học; thực hiện các chế độ, chính sách về tiền thù lao cho nhân viên YTTH bảo đảm đúng quy định; có sự đầu tư hợp lý cho hệ thống YTTH về cả cơ sở vật chất, cơ số thuốc men và bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ người làm công tác YTTH…

Thanh Hà

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.