Những đổi mới trong giáo dục tiểu học

Thời gian qua, cùng với các cấp học, giáo dục tiểu học (GDTH) trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai  thực hiện mạnh mẽ việc đổi mới về cả công tác quản lý, điều hành cũng như phương pháp dạy và học, đáp ứng ngày càng cao đòi hỏi của phát triển giáo dục.

Thực hiện đổi mới GDTH, ngành giáo dục đã chỉ đạo các trường tiểu học thực hiện nghiêm quy định tổ chức dạy 2 buổi/ngày, tăng cường bố trí các hoạt động phụ đạo học sinh yếu kém, bồi dưỡng học sinh giỏi và tổ chức nhiều hoạt động ngoài giờ lên lớp, giáo dục kỹ năng sống... Các nhà trường tích cực đổi mới hình thức, phương pháp, kỹ thuật dạy học và kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh, thực hiện đa dạng hóa các hình thức học tập. 

Những năm gần đây, chất lượng giáo dục của 22 đơn vị trường tiểu học của TP Phủ Lý luôn đạt được những thành tích đáng kể. Triển khai đổi mới giáo dục, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thành phố đã yêu cầu các trường tiểu học thực hiện tốt việc xây dựng kế hoạch giáo dục bảo đảm đầy đủ nội dung các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, lựa chọn nội dung giáo dục tự chọn và xây dựng các hoạt động giáo dục phù hợp, tăng tính chủ động, linh hoạt của nhà trường trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục để phát huy cao nhất tính tích cực, chủ động, tự giác của học sinh.

Bên cạnh đó, chỉ đạo xây dựng kế hoạch giáo dục bảo đảm phân bổ hợp lí giữa các nội dung giáo dục, giúp học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập, yêu cầu cần đạt của chương trình; tạo điều kiện cho học sinh được học tập các môn học tự chọn và tham gia các hoạt động giáo dục nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện ở tiểu học… 

Bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Tổ Tiểu học, Phòng GD&ĐT TP Phủ Lý cho biết: Không phải đến khi triển khai thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT theo tinh thần Nghị quyết 29 và triển khai dạy học theo chương trình, sách giáo khoa (SGK) mới thì GDTH mới bắt tay vào thay đổi phương pháp, kỹ thuật dạy học mà trước đó, cấp tiểu học của thành phố đã có sự làm quen, bắt nhịp với các yêu cầu đổi mới.

Các nhà trường đã thực hiện chương trình, kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, có tính chủ động, linh hoạt cao. Đặc biệt, trong tình hình dịch Covid-19 có những diễn biến phức tạp, 100% các trường đã chủ động, linh hoạt trong việc điều chỉnh kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch môn học, thực hiện linh hoạt các hình thức tổ chức dạy học...

Những đổi mới trong giáo dục tiểu học 
Giáo viên Trường Tiểu học Hòa Mạc (thị xã Duy Tiên) chủ động, linh hoạt áp dụng nhiều phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực, phù hợp với học sinh.

Năm học 2021 - 2022, cấp tiểu học tiếp tục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 và dạy SGK mới đối với lớp 1, 2. Các nhà trường có sự vận dụng một cách linh hoạt, hợp lý trong việc điều chỉnh kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch giáo dục môn học, thực hiện tinh giản và dạy học các nội dung cốt lõi cho phù hợp đáp ứng yêu cầu chương trình. Đến nay, 100% các trường tổ chức dạy học 10 buổi/tuần cho học sinh lớp 1, 2. Đội ngũ giáo viên dạy lớp 1, 2 đã áp dụng khá thành thạo các phương pháp, kỹ thuật dạy học theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh; nền nếp dạy học ổn định.

Đối với các lớp 3, 4, 5, tuy đang thực hiện việc dạy học theo chương trình GDPT hiện hành nhưng giáo viên vẫn triển khai tốt các phương pháp giáo dục theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. 100% giáo viên các trường khi xây dựng kế hoạch bài học đã xác định đúng, đủ mục tiêu bài học, phương án sử dụng đồ dùng, thiết bị dạy học dành cho giáo viên, học sinh; cách tổ chức các hoạt động học, hoạt động đánh giá nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh tiểu học. Riêng với các môn học đặc thù, các trường có nhiều giải pháp phù hợp nâng cao chất lượng dạy học. Nhất là việc dạy và học môn tiếng Anh của các trường tiểu học đã được đa dạng hóa môi trường giao tiếp để nâng cao kỹ năng nghe nói, khuyến khích học sinh tham gia câu lạc bộ, sân chơi, giao lưu trên mạng.

Với những yêu cầu mới từ Chương trình GDPT mới, mục tiêu của GDTH  hiện nay là tăng cường giáo dục toàn diện; hạn chế tình trạng dạy thêm, học thêm; đáp ứng yêu cầu quản lý và giáo dục học sinh của gia đình và xã hội; góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở cấp tiểu học.

Mặc dù đây là chương trình mở, mang tới cho các địa phương, nhà trường, giáo viên nhiều quyền và trách nhiệm hơn trong quá trình phát triển nhưng cũng đòi hỏi mỗi nhà trường phải đổi mới nhiều hơn trong hoạt động quản lý chuyên môn, phát triển chương trình giáo dục đến từng khối lớp, từng lớp, thậm chí từng nhóm đối tượng học sinh, từng học sinh.

Hơn thế, với đặc điểm chung của các phương pháp giáo dục được áp dụng trong Chương trình GDPT mới là tích cực hoá hoạt động của người học nên giáo viên phải thực hiện tốt vai trò tổ chức, hướng dẫn hoạt động cho học sinh, tạo những tình huống có vấn đề để khuyến khích học sinh tích cực tham gia vào các hoạt động học tập, tự phát hiện năng lực, rèn luyện thói quen và khả năng tự học.

Ngành giáo dục đã tổ chức thường xuyên các hoạt động tập huấn chuyên môn cho cán bộ quản lý, giáo viên, giáo viên cốt cán cấp tiểu học về nội dung và phương pháp dạy học các môn học và phương pháp hướng dẫn học sinh tự học, thiết kế bài học theo các nhóm hoạt động, thực hành dạy học minh họa trong sinh hoạt chuyên môn tại các cụm trường và các nhà trường theo hướng nghiên cứu bài học, chỉ đạo áp dụng việc thiết kế bài học theo các nhóm hoạt động góp phần phát huy năng lực, phẩm chất học sinh đối với tất cả các môn học tại các nhà trường.

Quá trình thực hiện đổi mới, các nhà trường đẩy mạnh đổi mới cơ chế quản lý chuyên môn, sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học và tăng cường bồi dưỡng các nội dung chuyên môn, nâng cao tay nghề cho giáo viên. Việc sinh hoạt chuyên môn tại các tổ, nhóm trong nhà trường được tổ chức theo hướng nghiên cứu bài học, xây dựng các giờ dạy minh họa, tiến hành dự giờ, rút kinh nghiệm, trao đổi thống nhất các vấn đề về chuyên môn và nộp kết quả qua diễn đàn trên mạng “Trường học kết nối”. 

Với yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay, đội ngũ giáo viên đã có nhiều nỗ lực trong việc học tập nâng cao trình độ, đáp ứng các yêu cầu đổi mới giáo dục, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các phương pháp giáo dục tích cực. Bên cạnh đó, các trường tiểu học đã thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng học sinh theo đúng quy định, chủ động kiểm tra định kỳ cuối học kỳ, cuối năm học theo 4 mức độ yêu cầu: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Đồng thời, thực hiện tốt việc ứng dụng công nghệ thông tin  trong đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá, xây dựng kho bài giảng e-Learning trực tuyến đáp ứng nhu cầu tự học, góp phần không nhỏ vào việc đổi mới giáo dục hiện nay. 

 Thanh Hà

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy