Những bất cập trong việc trang bị, sử dụng hệ thống thiết bị và đồ dùng dạy học

Mặc dù đã được đầu tư đáng kể nhưng do sự thiếu đồng bộ, không được bổ sung, thay thế thường xuyên nên hệ thống thiết bị và đồ dùng dạy học ở hầu hết các trường học trên địa bàn tỉnh đang ở trong tình trạng xuống cấp, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế, làm ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng dạy và học.

Do nhiều máy tính bị hỏng nên học sinh Trường THCS Trần Phú (TP. Phủ Lý) thường xuyên phải học chung máy trong các tiết học Tin học.

Năm 2014, Trường THCS Trần Phú (thành phố Phủ Lý) là một trong số ít các trường học được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) lựa chọn xây dựng thành đơn vị điển hình về đổi mới và dạy học ngoại ngữ theo Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020.

Theo đó, ngay trong năm học 2014-2015, nhà trường đã được đầu tư 2 phòng học tiếng Anh đồng bộ với đầy đủ các trang thiết bị như: máy vi tính được kết nối các thiết bị ngoại vi và cài đặt các phần mềm phục vụ dạy học, thiết bị trình chiếu logitech được kết nối với máy tính để trình chiếu các bài giảng, cassette, đầu đĩa, loa di động…

Toàn bộ các trang thiết bị này do một công ty về trang thiết bị trường học ở Hà Nội cung cấp, bảo đảm thời gian bảo hành. Do sự tương thích, cộng hưởng của nhiều yếu tố về năng lực học sinh, trình độ giáo viên, sự hỗ trợ của hệ thống trang thiết bị nên ngay từ những năm đầu tiên thực hiện kế hoạch, chất lượng dạy và học ngoại ngữ tại Trường THCS Trần Phú được đánh giá cao.

Tuy nhiên, qua 5 năm học, hiện nay hệ thống trang thiết bị phục vụ công tác dạy và học ngoại ngữ tại đây đã hết khấu hao sử dụng, dần xuống cấp, hư hỏng. Từ đầu chiếu cho tới máy tính chạy các phần mềm, bảng thông minh đều không phát huy được tính năng, tác dụng.

Việc sửa chữa bị phụ thuộc và phải đưa về đơn vị cung cấp thiết bị thực hiện nhưng mất rất nhiều thời gian, thậm chí bị trả lại do đã hết hạn bảo hành. Nhà trường đã chủ động mang các thiết bị hỏng đi sửa chữa nhưng thợ sửa đều “bó tay” vì mức độ hỏng nặng và không có đồ thay thế. 

Cách đây 5 năm, Trường THCS Trần Phú còn được đầu tư 2 phòng học Tin học với 30 máy tính. Qua một số năm sử dụng, hệ thống máy tính cũng trong tình trạng xuống cấp nặng, nhiều máy hỏng mô- đun đã qua sửa chữa nhiều lần, đặc biệt hầu hết các máy đều có cấu hình thấp không đáp ứng được yêu cầu dạy và học. Số lượng học sinh nhiều hơn số máy còn sử dụng được nên giáo viên phải bố trí cho học sinh dùng chung, không bảo đảm yêu cầu giáo dục.

>>> Hầu hết các thiết bị, nhất là thiết bị điện tử phục vụ công tác dạy và học trong nhà trường chỉ phát huy công năng tốt nhất ở 2 năm đầu sau khi được đầu tư mua sắm và sẽ xuống cấp, hỏng hóc rất nhanh. Tại Trường THCS Trần Phú, với thực trạng của hệ thống thiết bị như hiện nay mới chỉ có khoảng 70% học sinh được học tiếng Anh tại phòng học tiếng, từ năm học 2017-2018 đến nay mới có toàn bộ học sinh lớp 6 và lớp chọn Toán các khối 7, 8, 9 được học tại phòng học Tin học. Trong khi đó, đến năm học 2020-2021, môn Tin học trở thành một môn học bắt buộc và theo kế hoạch nhà trường sẽ phấn đấu để 100% học sinh các khối lớp được học tiếng Anh tại phòng học tiếng thì yêu cầu nâng cao chất lượng trang thiết bị là vô cùng cấp thiết. Mong cấp trên có sự quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ nhà trường về vấn đề này, giúp nhà trường nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học, tiệm cận nhanh với mô hình trường chất lượng cao.

Thầy giáo Đặng Xuân Khánh, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Phú


>>> Chất lượng hệ thống thiết bị và đồ dùng dạy học hiện là một trong những áp lực tương đối lớn đối với các nhà trường. Trong khi yêu cầu đổi mới giáo dục ngày càng cao, nếu không có sự đổi mới đồng bộ, bảo đảm tính hiệu quả của thiết bị và đồ dùng dạy học thì dù nhà trường và giáo viên có nỗ lực đến đâu cũng khó có thể đạt được các mục tiêu như mong muốn. Các nhà trường mong muốn được tạo cơ chế mở, không bị áp đặt trong việc đầu tư, mua sắm, bổ sung thiết bị theo nhu cầu. Theo đó, các nhà trường sẽ tự chịu trách nhiệm về việc liên kết, phối hợp, lựa chọn mua sắm thiết bị, tự quản lý và khai thác, sử dụng thiết bị đúng mục đích. Có như vậy mới khắc phục được tình trạng của hệ thống thiết bị trường học hiện nay.

Thầy giáo Hà Văn Đồng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Minh Khai 

Tình trạng thiết bị và đồ dùng dạy học tại các trường học còn thiếu, không đồng bộ hiện đang xảy ra khá phổ biến tại các trường học. Nhiều cán bộ quản lý đã khẳng định, trang thiết bị dạy và học của phần lớn các môn học chỉ đáp ứng được không quá 50% nhu cầu thực tế.

Lãnh đạo các nhà trường cũng rất trăn trở với việc làm gì, làm thế nào để khắc phục được những bất cập này. Thế nhưng do điều kiện kinh phí chi thường xuyên và nguồn thu xã hội hóa trong nhà trường gặp nhiều khó khăn nên việc mua sắm bổ sung, thay thế mới cũng chỉ như muối bỏ bể. Một số trường học ở các địa bàn có nhiều khó khăn về kinh tế, điều kiện sống của người dân không cao, việc huy động xã hội hóa cho mua sắm, bổ sung, thay thế thiết bị và đồ dùng dạy học gần như không thực hiện được.

Cùng với đó, hiện các nhà trường còn bị ràng buộc, phụ thuộc rất nhiều vào cơ chế mua sắm tập trung. Đầu năm 2018, qua kiểm tra hệ thống thiết bị dạy học, Trường Tiểu học Minh Khai đề nghị được mua 4 chiếc máy tính thay thế cho các máy hỏng nặng ở phòng học Tin học nhưng do phải chờ vào các đợt mua sắm tập trung mà đến hết cả năm học 2018-2019 nhà trường vẫn chưa được đầu tư máy mới. Do các máy tính có cấu hình thấp, đường truyền chậm, một số cuộc thi giải Toán, tiếng Anh qua mạng của nhà trường đã phải tổ chức ngoài… quán net.

Thiết bị và đồ dùng dạy học là một thành tố không thể thiếu trong quá trình dạy và học, là một trong những yếu tố quyết định tới sự thành công của các kỳ cải cách giáo dục bởi nó là phương tiện minh họa kiến thức, phương tiện nâng cao năng lực tư duy và rèn luyện năng lực thực hành cho học sinh. Việc đánh giá đúng thực trạng hệ thống trang thiết bị và đồ dùng dạy học trong các nhà trường hiện nay, có giải pháp hỗ trợ các nhà trường trong việc thay thế, bổ sung thiết bị phục vụ dạy và học đang rất cần có sự quan tâm từ nhiều phía.

Thanh Hà

Thanh Hà

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy