Nghịch lý việc làm "thời Covid-19"

Quá nửa năm dịch bệnh Covid - 19 tấn công vào tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội làm cho nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm dừng hoặc dừng hoạt động sản xuất kinh doanh, người lao động cũng lao đao theo. Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), thực sự trở nên có ý nghĩa với nhiều lao động mất việc làm lúc này. Tuy nhiên, không ít lao động đã quá trông chờ vào khoản tiền trợ cấp này, lần lữa trong chuyện tìm kiếm việc làm mới để bảo đảm cuộc sống ổn định lâu dài. Trong khi, nhiều doanh nghiệp đã cố gắng trụ vững, tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh, cần có lao động làm việc thì lại gặp khó trong tuyển dụng…

Mất việc làm nhưng chưa muốn đi làm

Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid- 19, toàn tỉnh có hơn 20 doanh nghiệp tạm dừng sản xuất, gần 100 doanh nghiệp bị giảm từ 30-70 doanh thu, tập trung chủ yếu ở các nhóm ngành dệt may, thiết bị điện tử, mỹ ký… Số lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 xấp xỉ 1,4 vạn người, chiếm gần 10% tổng số lao động của tỉnh. Chỉ tính riêng số lao động làm việc tại các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh đến thời điểm này là gần 5.000 người, trong đó có trên 300 lao động tạm cho nghỉ việc không lương, hơn 2.000 lao động tự nghỉ việc… 

Thực trạng việc làm không ổn định đối với người lao động được nhìn thấy rõ ngay tại các văn phòng giao dịch, tư vấn việc làm và BHTN của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh. Mỗi ngày trung bình có hàng trăm lượt người đến để tư vấn, xin hướng dẫn làm thủ tục BHTN. Trong nhiều năm qua, chưa bao giờ người lao động tìm đến trung tâm làm thủ tục hưởng BHTN lại đông như thế. Ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết: "Thời điểm sau khi thực hiện xong giãn cách xã hội, người lao động tìm đến trung tâm đông chưa từng thấy. Có ngày, chúng tôi phải tiếp đón trên 300 lượt người".

Nghịch lý việc làm thời Covid19
Người lao động đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, từ đầu năm đến nay có trên 5.000 người nộp hồ sơ hưởng BHTN, trong đó có gần 3.500 trường hợp có quyết định được hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) với số tiền chi trả gần 35 tỷ đồng. Hơn 5.000 lượt người được tư vấn và giới thiệu việc làm mới, trong đó có trên 1.300 người được giới thiệu việc làm.

"So với thực tế nhu cầu việc làm và tuyển dụng, con số này còn rất hạn chế. Bởi vì, người lao động quá trông chờ vào số tiền TCTN. Khi đến trung tâm tư vấn về BHTN, người lao động bộc lộ rõ thái độ về việc làm chưa đúng đắn, kén việc, kén nghề. Tâm lý chung là chưa muốn trở lại thị trường lao động, trong khi khoản tiền TCTN không quá nhiều" – ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh chia sẻ. 
Công tác tư vấn giới thiệu việc làm gặp khó khăn do người lao động còn chần chừ trước việc làm mới.

Chị Nguyễn Thị Hiên, quê ở xã Liêm Túc, huyện Thanh Liêm nói rằng: "Tiếp xúc với một số doanh nghiệp tuyển dụng, họ đưa ra mức lương thấp hơn công ty tôi đã làm, lại xa nhà nên tôi không muốn thỏa thuận, chấp nhận ở nhà một thời gian rồi tìm kiếm chỗ làm phù hợp".

Theo dõi những phiên giao dịch việc làm mới thấy, đại đa số lao động bị mất việc làm chỉ muốn hưởng TCTN, không có ý định trở lại thị trường lao động. Trong khi  chất lượng lao động không đồng đều, nhiều lao động chưa có tay nghề nhưng lại đòi hỏi mức lương cao, không làm ca đêm, không làm xa nhà… Bản thân các doanh nghiệp tuyển dụng cũng gặp phải vô vàn khó khăn vì dịch bệnh Covid-19 lại không nhận được sự cảm thông chia sẻ từ người lao động. Do đó, mâu thuẫn cung – cầu lao động, việc làm càng ngày càng bộc lộ rõ rệt hơn.

Cần lao động mà không tuyển được

Công ty TNHH May mặc xuất nhập khẩu CJ VINA, CCN Đồn Xá (Bình Lục) đi vào hoạt động được gần 3 năm,  giải quyết việc làm thường xuyên cho 200 công nhân. Trong 6 tháng đầu năm 2020, về cơ bản hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty khá ổn định do thị trường xuất khẩu Hàn Quốc vẫn tiếp nhận đều đặn các đơn hàng. Tháng 5 và tháng 6, số đơn hàng tăng cao, doanh nghiệp cần tuyển dụng thêm nhiều lao động lại gặp khó khăn do dịch Covid-19. Bà Trần Thị Thúy, Trưởng phòng Tổ chức nhân sự, Công ty TNHH May mặc xuất nhập khẩu CJ VINA cho biết: "Lúc đó, chúng tôi cần thêm khoảng 200- 250 lao động. Nhưng không tuyển được nên phải gia công nhiều. Từ cuối tháng 8 trở đi, doanh nghiệp bắt đầu gặp khó do phía Hàn Quốc hạn chế đơn hàng…". 

Rất nhiều doanh nghiệp may mặc, giày da trên địa bàn huyện Bình Lục cần tuyển dụng lao động ở mọi thời điểm nhưng việc tuyển dụng không dễ dàng. Song, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, các doanh nghiệp này cũng giống như những doanh nghiệp may mặc, giày da, sản xuất linh kiện điện tử khác trên địa bàn tỉnh đều lâm vào tình trạng khan hiếm lao động. Đơn cử như Công ty TNHH May Kim Bình, Công ty TNHH Hệ thống dây dẫn Sumi Việt Nam…  đăng ký tuyển dụng lao động tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh trong nhiều tháng qua cần từ 200 đến hàng nghìn lao động mà không đáp ứng được. Nguyên nhân sâu xa là do mức lương của người lao động trong ngành may hiện nay thấp, không đáp ứng nhu cầu cuộc sống, thời gian làm việc nhiều, liên tục tăng ca. Các doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử thường bố trí thời gian làm việc có ca làm đêm nên người lao động luôn cảm thấy ngại, không hấp dẫn.

Theo ông Trần Ngọc Khuê, cán bộ Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Bình Lục, trong tình trạng khan hiếm lao động như thế, không ít doanh nghiệp nước ngoài vẫn đưa ra yêu cầu tuyển dụng khắt khe, đặc thù như chỉ tuyển nữ, giới hạn về độ tuổi. Người lao động hiện nay có vị thế khác trước rất nhiều, họ có quyền chủ động chọn việc làm. Nếu doanh nghiệp không thay đổi, nâng cao mức lương và các chế độ khuyến khích công nhân thì rất khó thực hiện cạnh tranh trong tuyển dụng.

Nghịch lý việc làm đang tồn tại đối với doanh nghiệp và người lao động trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 chưa chấm dứt. Các ngành chức năng thực hiện nhiều phương án để người lao động trở lại thị trường lao động, còn người lao động bị mất việc làm lại chỉ mong vừa được hưởng TCTN, vừa có việc làm nên sẵn sàng chấp nhận làm thời vụ cho các doanh nghiệp mà không cần ký hợp đồng chính thức. Còn doanh nghiệp, vì né được vấn đề đóng BHTN nên cũng sẵn lòng chấp nhận lao động thời vụ với cái giá bấp bênh "thích thì làm, không thích thì bỏ". Do đó, câu chuyện tuyển dụng và tìm việc làm vẫn cứ là con đường chưa thể có điểm chung bền vững.

Giang Nam

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy