Ngành giáo dục tập trung thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch gắn với bảo đảm nhiệm vụ năm học

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh đã khiến cho các nhà trường, học sinh và đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục gặp nhiều khó khăn. Phóng viên (P.V) Báo Hà Nam  đã có cuộc phỏng vấn ông Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) để làm rõ hơn vấn đề này.

P.V: Ông có đánh giá như thế nào về sự ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với ngành giáo dục tỉnh hiện nay?

Ông Phạm Anh Tuấn: Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh và ảnh hưởng nặng nề tới nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Trong đó, ngành giáo dục cũng phải chịu rất nhiều tác động tiêu cực của dịch bệnh. Đã có nhiều học sinh, giáo viên thuộc diện F0 phải điều trị; thuộc diện F1, F2 phải thực hiện cách ly; một bộ phận học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo không có máy tính để học trực tuyến khi dịch bệnh bùng phát và thực hiện giãn cách xã hội… Điều đó làm ảnh hưởng lớn tới việc giảng dạy của giáo viên và học tập của học sinh.

Trong năm học 2021- 2022, toàn tỉnh có 45.568 trẻ mầm non được huy động ra lớp, 154.522 học sinh phổ thông và 3.848 học viên các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX). Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên (CBGVNV) toàn ngành cũng chiếm một lực lượng lớn, với gần 12.800 người. Khi dịch Covid-19 bùng phát trên địa bàn tỉnh và tấn công vào môi trường trường học, mức độ nguy hiểm đã thể hiện rõ trong thực tế bởi sự phát sinh liên tục số ca nhiễm mới là học sinh và giáo viên. Đã có hàng trăm giáo viên và học sinh là F0, F1, F2. Toàn bộ học sinh các cấp và trẻ mầm non buộc phải tạm thời nghỉ học để phòng chống dịch.

Ngành giáo dục tập trung thực hiện tốt công tác phòng chống dịch gắn với bảo đảm nhiệm vụ năm học
Theo chỉ đạo của Sở GD&ĐT, các nhà trường và đội ngũ giáo viên chủ động, tăng cường dạy học trực tuyến, bảo đảm phù hợp với từng đối tượng học sinh và điều kiện thực tế.

P.V: Trước diễn biến phức tạp và sự ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19, ông có thể cho biết rõ hơn về công tác chỉ đạo của ngành trong việc bảo đảm an toàn dịch bệnh cho cán bộ, giáo viên, học sinh và việc tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ giáo dục của năm học?

Ông Phạm Anh Tuấn: Với chủ trương tiếp tục thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ kép, vừa triển khai thực hiện tốt chương trình giáo dục năm học, vừa phòng chống dịch, bảo đảm an toàn trường học trước dịch bệnh, Sở GD&ĐT đã tổ chức hội nghị hướng dẫn nhiệm vụ đầu năm học đối với từng lĩnh vực, từng cấp học và có những giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng dạy và học trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Đồng thời, sớm ban hành các văn bản hướng dẫn nhiệm vụ đầu năm về việc dạy học ứng phó với tình hình dịch Covid-19 cho các cấp học.

Khi tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh những ngày qua diễn biến hết sức phức tạp, thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở GD&ĐT đã có công văn  thông báo và hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19 kết hợp thực hiện chương trình, kế hoạch năm học. Trong đó, cho trẻ mầm non, học sinh các cơ sở giáo dục phổ thông, GDTX trên địa bàn tỉnh được nghỉ học, chuyển sang học trực tuyến đến khi kiểm soát tốt được dịch bệnh. Trên cơ sở kiên trì quan điểm “dừng đến trường nhưng không dừng học”, Sở yêu  cầu các cơ sở giáo dục chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường, điều chỉnh nội dung giảng dạy, thực hiện dạy học trực tuyến (trừ trẻ mầm non) để giúp học sinh tiếp tục học tập bảo đảm phù hợp với từng đối tượng học sinh và điều kiện của gia đình học sinh. Riêng các cơ sở giáo dục mầm non, cần tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn cha mẹ trẻ về việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục và tổ chức cho trẻ em hoạt động vui chơi tại nhà. 

Bên cạnh đó, toàn ngành tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch bệnh trong nhà trường: triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong và ngoài nhà trường; tiếp tục phối hợp tốt với cơ sở y tế và địa phương trong việc tiêu độc khử trùng các trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi, phòng học,… vệ sinh toàn trường để phòng, chống dịch bệnh. Đặc biệt, tăng cường tuyên truyền, phổ biến về dịch bệnh Covid-19; hướng dẫn trẻ em, học sinh, cha mẹ học sinh, CBGVNV cách thức phòng dịch và ngăn ngừa lây nhiễm; theo dõi sát tình hình sức khỏe học sinh, CBGVNV để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, báo cáo với cơ quan quản lý và cơ quan y tế địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời, hạn chế sự lây lan của dịch trong trường học; các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo tình hình dịch Covid-19 với Sở GD&ĐT.

P.V: Riêng với địa bàn TP Phủ Lý, nơi đang là tâm dịch, Sở GD&ĐT đã có sự chỉ đạo, định hướng và hỗ trợ như thế nào đối với ngành giáo dục Phủ Lý?

Ông Phạm Anh Tuấn: Đối với ngành giáo dục TP Phủ Lý, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo Phòng GD&ĐT thành phố và các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong và ngoài nhà trường; tổ chức dạy học trực tuyến theo tinh thần Công văn số 888/SGDĐT-VP ngày 21/9/2021 của Sở GD&ĐT. Đồng thời, phối hợp với Sở Y tế, các đơn vị y tế trên địa bàn thành phố tổ chức xét nghiệm nhanh cho giáo viên, nhân viên, học sinh có nguy cơ lây nhiễm; phối hợp tổ chức tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho CBGVNV.

P.V: Dự báo tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh sẽ còn diễn biến phức tạp. Xin ông cho biết những giải pháp sẽ được ngành giáo dục chỉ đạo thực hiện để duy trì, giữ vững chất lượng dạy và học? 

Ông Phạm Anh Tuấn: Trước hết, ngành giáo dục xác định phải bảo đảm an toàn cho giáo viên và học sinh bằng các biện pháp phòng chống dịch. Trong đó, nhất quán và kiên trì với chủ trương: tạm dừng đến trường, không dừng việc học, tổ chức dạy học trực tuyến có hiệu quả, khai thác kho học liệu điện tử và các kênh thông tin phù hợp, chất lượng để giáo viên và học sinh tham khảo vận dụng; cung cấp lịch phát sóng các chương trình dạy học trên truyền hình, các đường link sách giáo khoa điện tử, học liệu điện tử… cho cha mẹ học sinh để phối hợp và hỗ trợ học sinh tiếp tục học tập. Tăng cường công tác cập nhật tình hình, diễn biến dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh để có chỉ đạo sát đối với từng cấp học.

Đối với hoạt động giảng dạy và thực hiện các nhiệm vụ giáo dục của các nhà trường, Sở GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường, điều chỉnh nội dung giảng dạy, thực hiện dạy học trực tuyến, ôn tập củng cố kiến thức cho học sinh đã giảng dạy từ 6/9/2021 đến 20/9/2021; thực hiện chọn lọc và giảng dạy những nội dung cốt lõi, cơ bản các bài mới cho học sinh. Thực hiện cuộc vận động trong toàn ngành chương trình quyên góp, ủng hộ thiết bị học tập trực tuyến cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhằm trang bị các thiết bị học tập trực tuyến cho học sinh, phấn đấu không có học sinh nào bị bỏ lại phía sau trong thời gian học trực tuyến do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

P.V: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thanh Hà

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.