Nâng cao tính chủ động, linh hoạt của giáo viên trong tổ chức dạy học trực tuyến

Trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp, việc dạy và học theo hình thức trực tuyến đã trở nên quen thuộc, có nhiều kết quả khả quan. Quá trình dạy học trực tuyến, cùng với sự hỗ trợ của các phần mềm, công nghệ, sự định hướng của ngành giáo dục và các nhà trường, đội ngũ giáo viên đã và đang có nhiều nỗ lực trong việc tổ chức tốt các tiết học, buổi lên lớp trực tuyến.

Trên cơ sở xác định phải có sự lựa chọn nền tảng công nghệ, phần mềm, học liệu cho tổ chức hoạt động theo nguyên tắc: đơn giản, phổ biến, khả thi và hiệu quả; giáo viên và học sinh dễ thực hiện, tương tác dễ dàng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ học tập, việc tổ chức dạy và học trực tuyến của Trường THCS Nguyễn Hữu Tiến (thị xã Duy Tiên) đã được triển khai trên nền tảng các phần mềm OLM, Google Meet, Zoom.

Nâng cao tính chủ động linh hoạt của giáo viên trong tổ chức dạy học trực tuyến
Học sinh Trường THCS Trần Phú (TP Phủ Lý) học trực tuyến. Ảnh: Chu Uyên

Theo cô giáo Lê Thị Thúy Nga, Hiệu trưởng nhà trường, việc tổ chức dạy học trực tuyến hướng tới mục tiêu: an toàn, bảo đảm chương trình và mục tiêu chất lượng giáo dục, thích ứng với đại dịch Covid-19. Năm học 2021- 2022 là năm đầu tiên triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 cấp THCS nên giáo viên phải thích ứng với nhiều điểm mới của chương trình; việc xây dựng kế hoạch bài dạy theo hình thức dạy học trực tuyến của giáo viên vì thế cũng yêu cầu nâng cao hơn về chất lượng và có sự phù hợp nhất với thực tế. Qua đây, góp phần không nhỏ cho phát triển năng lực tự học của học sinh và nâng cao kỹ năng tổ chức dạy học qua Internet của giáo viên; tăng cường mối liên hệ giữa nhà trường và gia đình trong việc tổ chức và hỗ trợ học sinh trong học tập; tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học. Với điều kiện của một trường chất lượng cao nên nhà trường có ưu thế trong việc triển khai có hiệu quả các hoạt động giáo dục, trong đó có dạy học trực tuyến.

Thống kê cho thấy, đã có 100% học sinh tham gia học trực tuyến theo lịch của nhà trường, 100% học sinh sử dụng kho dữ liệu 5.000 bài giảng của Bộ Giáo dục và Đào tạo và ngân hàng các câu hỏi trắc nghiệm môn học được cập nhật trên website của Sở Giáo dục và Đào tạo mục “Online Math", "Hệ tri thức Việt số hóa" và nguồn học liệu khác để ôn tập, củng cố kiến thức, kiểm tra, đánh giá.

Chia sẻ về việc dạy học trực tuyến, cô giáo Phan Thị Quế (giáo viên Ngữ văn, Trường THCS Nguyễn Hữu Tiến) cho biết: Từ kế hoạch dạy môn học do tổ chuyên môn xây dựng, mỗi giáo viên phải có sự chủ động và linh hoạt cao trong dạy học trực tuyến, kịp thời tổ chức dạy học những nội dung kiến thức cơ bản theo yêu cầu cần đạt của chương trình, làm cơ sở để tiếp tục dạy học các nội dung còn lại, kết hợp với việc tổ chức ôn tập, củng cố kiến thức cơ bản đã học cho các nhóm đối tượng học sinh một cách linh hoạt, phù hợp với tình hình. Đồng thời, chủ động điều chỉnh mục tiêu bài học theo hướng tinh gọn tập trung vào các nội dung cốt lõi gắn với yêu cầu cần đạt trong chương trình giáo dục phổ thông.

Trên thực tế, sự linh hoạt của giáo viên được phản ánh qua nhiều hoạt động, nhiều khâu của quá trình dạy học trực tuyến. Nhưng quan trọng nhất vẫn là làm thế nào để đánh giá, phân loại được những nội dung học sinh có thể thực hiện được một cách tự chủ hoặc tự chủ một phần và giao nhiệm vụ phù hợp cho học sinh. Nhiều giáo viên đã lựa chọn những nội dung có thể thay thế việc giảng trực tiếp bằng một học liệu điện tử, như: hình ảnh, âm thanh, video; lựa chọn phương án và phương tiện để kiểm tra, đánh giá thường xuyên, kịp thời điều chỉnh quá trình dạy học, quá trình học tập; chủ động tổng hợp và phân loại các trạng thái thực hiện của các nhóm học sinh về cả kiến thức, kỹ năng; biết định lượng được những việc cần làm trong mỗi tiết học để hỗ trợ học sinh học tập tích cực…

Bên cạnh đó, mặc dù có nhiều phần mềm hỗ trợ học trực tuyến, nhưng theo cô giáo Bùi Thị Minh (giáo viên Trường Tiểu học Châu Sơn, TP Phủ Lý), giáo viên phải làm chủ ứng dụng từ kiến thức, kinh nghiệm đến công nghệ, cảm xúc và tương tác tốt với học sinh. Làm được điều này, đòi hỏi giáo viên phải hiểu và thường xuyên cập nhật, cũng như đổi mới phương pháp, cách tiếp cận học sinh. Theo đó, giáo viên không những phải thành thạo về kỹ năng sử dụng máy tính, mà còn cả kỹ năng tìm kiếm thông tin bài học, sử dụng công nghệ thế nào để phù hợp với học sinh trong mỗi lớp học chủ động hướng dẫn học sinh và cha mẹ học sinh hỗ trợ ghi lại hình của bài học để học sinh xem lại những kiến thức chưa nghe giảng được do ảnh hưởng của nhiều lý do.

Để tăng tính tương tác trong mỗi bài học, tiết dạy, nhiều giáo viên đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để tạo nên những tiết học hấp dẫn, như: cho học sinh chơi các trò chơi; cuối mỗi bài học đưa ra một tình huống gần gũi với thực tế… giúp học sinh làm quen với việc vận dụng tổng hợp kiến thức đã học để giải quyết vấn đề và có thể tương tác thường xuyên được với giáo viên.

Người viết bài đã được tham dự một tiết học trực tuyến của cô và trò lớp 2A, Trường Tiểu học Lương Khánh Thiện (TP Phủ Lý) và thấy rằng: Theo quy định, buổi học này diễn ra trong thời gian không quá dài nhưng đã được giáo viên tổ chức tương đối có chất lượng. Việc ổn định tổ chức lớp học được thực hiện rất nhanh, học sinh học tập nền nếp, giáo viên lên lớp với giáo án được chuẩn bị kỹ càng và có sự kết nối, tương tác với hầu hết học sinh trong nhóm lớp. Không khí buổi học trực tuyến diễn ra sôi nổi, học sinh hào hứng phát biểu. Lồng ghép với các nội dung bài học, giáo viên còn cho học sinh tham gia một số trò chơi bổ ích, vừa giúp kiểm tra lại kiến thức học sinh đã được học, vừa khích lệ học sinh hào hứng học tập.

Đối với học sinh trung học, mỗi tiết học trực tuyến được giáo viên chủ động cân đối bảo đảm thời gian giảng kiến thức mới, ôn tập kiến thức đã học, giao bài và chữa bài theo đặc điểm từng môn học. Sự chủ động và linh hoạt của giáo viên trong tổ chức các buổi dạy, tiết học trực tuyến còn được thể hiện qua việc triển khai các bước dạy học trực tuyến. Trước khi kết nối trực tiếp (trước khi online toàn lớp), giáo viên giao các nhiệm vụ cho học sinh: làm phiếu giao nhiệm vụ, ghi hình giao nhiệm vụ, ghi hình bài giảng; hướng dẫn học sinh cách ước lượng thời gian thực hiện, cách thể hiện sản phẩm, kết quả sau khi thực hiện. Khi đó, giáo viên biết lựa chọn nội dung cốt lõi, khả thi phù hợp để giao nhiệm vụ và kiểm soát được việc thực hiện, đánh giá. Sau khi thu được sản phẩm của học sinh, giáo viên tổng hợp và phân loại các trạng thái thực hiện của các nhóm học sinh đối với những việc thực hiện được, chưa thực hiện được, hoặc bị lỗi; quan tâm đến những sản phẩm tốt nhất và sản phẩm kém nhất để từ đó có kịch bản thảo luận nhanh, trúng nhất trong giải quyết vấn đề. Khi thực hiện kết nối trực tiếp qua các phần mềm công nghệ hỗ trợ (online toàn lớp), giáo viên tập trung vào những kiến thức, kỹ năng học sinh dễ mắc phải sai lầm để đạt được hiệu quả cao nhất trong thảo luận, tránh kéo dài thời gian và thống nhất được kiến thức theo hướng chuẩn hóa, giúp học sinh hệ thống hóa được kiến thức và điều chỉnh sản phẩm học tập của mình.

Ngoài ra, trong các buổi học trực tuyến, đội ngũ giáo viên đã chủ động đẩy mạnh đổi mới phương pháp, hình thức hướng dẫn học sinh chuyển đổi việc ghi chép thụ động sang ghi chép chủ động, tích cực; xây dựng tiêu chí đánh giá sản phẩm học tập một cách khoa học; phối hợp đánh giá với các môn học/hoạt động khác; hoạt động học trong và ngoài lớp học; xây dựng hệ thống hỗ trợ kỹ thuật, kiểm tra giám sát việc dạy online, kết nối nhà trường với gia đình (học sinh và cha mẹ học sinh); đồng thời kiểm soát chặt chẽ việc tự học của học sinh để đánh giá bảo đảm tính khách quan.

Thanh Hà

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy