Nâng cao chất lượng kiểm tra, đánh giá học sinh trong trường học

Để tiếp tục đổi mới công tác kiểm tra, nhận xét, đánh giá học sinh theo hướng toàn diện, hiệu quả hơn, từng bước giảm dần áp lực cho giáo viên …, công tác kiểm tra, đánh giá học sinh ngày càng được các nhà trường quan tâm thực hiện tốt, xây dựng một môi trường giáo dục có sự đổi mới phù hợp hơn với học sinh hiện nay.

Thông qua nhiều hình thức kiểm tra, đánh giá học sinh, giáo viên Trường THCS Thanh Bình (Thanh Liêm) đã giúp học sinh phát huy tốt năng lực cá nhân trong quá trình học tập.

Ở cấp tiểu học, khi Thông tư 30/TT- BGD và hiện nay là Thông tư 22/TT-BGD sửa đổi một số điều của Thông tư 30/TT-BGD của Bộ GD&ĐT về nhận xét, đánh giá học sinh tiểu học được triển khai, việc đánh giá chất lượng học tập và rèn luyện của học sinh đã có sự đổi mới với cách được nhận xét bằng lời, không chấm điểm, không bị so sánh giữa học sinh này với học sinh khác trong cùng một lớp học, được nhận xét và đánh giá thường xuyên về mức độ rèn luyện… học sinh sẽ có tâm lý thoải mái và không bị quá áp lực về điểm số như trước, gia tăng khả năng tự tin, có thái độ tích cực trong học tập, tu dưỡng cũng như tham gia các hoạt động tập thể.

Thầy giáo Lại Hải Quân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh Hà (Thanh Liêm), cho biết: Không chỉ được nhận các nhận xét, đánh giá của giáo viên, bản thân các em học sinh cũng được làm quen dần với yêu cầu tự nhận xét và nhận xét, góp ý cho bạn giúp tăng cường khả năng quan sát, nhận thức được việc làm đúng-sai, tốt-xấu của chính mình và bạn học, tự điều chỉnh cách học, cách giao tiếp, cách thực hiện các yêu cầu của quá trình học tập, rèn luyện.

Trên thực tế, thông qua việc nhận xét học sinh một cách thường xuyên, giáo viên đã kịp thời đưa ra những động viên, khích lệ và kịp thời phát hiện, hỗ trợ học sinh khắc phục, sửa chữa những khuyết điểm, hạn chế. Sự giao lưu nhiều chiều giữa giáo viên với học sinh, giữa học sinh với giáo viên và giữa học sinh với học sinh trong suốt quá trình học tập, rèn luyện đã góp phần không nhỏ từng bước xây dựng môi trường dân chủ, bình đẳng, tích cực trong trường học.

Với cấp trung học, yêu cầu đổi mới về giáo dục đã buộc cách thức kiểm tra, đánh giá học sinh phải có sự cụ thể, rõ ràng hơn. Quan điểm không chỉ của đội ngũ cán bộ quản lý các nhà trường mà bản thân các giáo viên cũng đều cho rằng, để đáp ứng ngày càng cao những đòi hỏi về đổi mới giáo dục, việc kiểm tra, đánh giá học sinh phải hướng đến tính thiết thực và phù hợp.

Cô Trịnh Thị Hải Yến, giáo viên Trường THCS Lương Khánh Thiện (thành phố Phủ Lý) chia sẻ: Sự đổi mới cần thiết của công tác kiểm tra, đánh giá học sinh không chỉ dừng lại ở việc kiểm tra, đánh giá mức độ tiếp thu, nhận thức của học sinh về một đơn vị kiến thức nhất định nào đó được phân bố trong chương trình học mà còn phải kiểm tra được cả năng lực, khả năng vận dụng các kiến thức được học vào giải quyết các vấn đề thực tế… 

Do xác định rõ yêu cầu, mục đích của công tác kiểm tra, đánh giá học sinh, hiện nay các nhà trường phổ thông có sự chủ động trong việc áp dụng các phương thức kiểm tra, đánh giá học sinh một cách phù hợp. Trong đó, việc xây dựng và tổ chức cho học sinh làm các bài kiểm tra theo từng cấp độ được coi là một trong những phương pháp kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh một cách hiệu quả nhất. 

Từ kiểm tra đầu giờ (kiểm tra miệng), kiểm tra 15 phút, kiểm tra 45 phút cho tới cho học sinh làm các bài kiểm tra theo dạng đề, nhất là với các dạng đề kiểm tra theo hướng mở sẽ giúp giáo viên phát hiện được những cách làm bài sáng tạo, tư duy phản biện của học sinh; đồng thời chỉ ra những lỗi sai trong mỗi bài kiểm tra của học sinh, giúp phân loại, đánh giá đúng năng lực học sinh. Vì thế, việc ra đề kiểm tra, chấm bài đòi hỏi người giáo viên không được làm qua loa, chiếu lệ mà phải đi vào thực chất. 

Các đề kiểm tra đang được các nhà trường chủ trương hạn chế dần các câu hỏi mang tính học thuộc, khiến học sinh có tư tưởng học tủ, học vẹt, học đối phó. Hơn thế, thông qua kết quả việc kiểm tra, đánh giá học sinh cũng tạo cơ hội cho mỗi giáo viên tự nhìn nhận, đánh giá lại quá trình giảng dạy của bản thân và có sự điều chỉnh phương pháp dạy học phù hợp, hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, việc kiểm tra, đánh giá theo hướng tiếp cận năng lực, phân hóa người học của một bộ phận giáo viên hiện còn hạn chế do còn lúng túng trong việc lựa chọn câu hỏi và xác lập các đề kiểm tra. Trong thực tế giảng dạy, một số giáo viên vì ngại đổi mới nên phương pháp kiểm tra, đánh giá thiếu tính sáng tạo, hình thức kiểm tra không phong phú, chưa phát huy được một số kỹ năng mềm của học sinh như: thuyết trình, xử lý tình huống, làm việc nhóm, tư duy độc lập và sáng tạo… 

Bên cạnh việc triển khai thực hiện đầy đủ các yêu cầu của chương trình giáo dục, các nhà trường và mỗi giáo viên cần tự vận động, tích cực đổi mới, khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác kiểm tra, đánh giá học sinh để từ đó nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học.

Thanh Hà

Thanh Hà

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy