Mô hình “Thư viện xanh” trong trường tiểu học ở Bình Lục

Những năm học gần đây, bên cạnh việc duy trì, phát triển mạnh hệ thống các thư viện truyền thống tại các trường học, mô hình “Thư viện xanh” hay còn gọi là “Thư viện thân thiện” đang được ngành giáo dục huyện Bình Lục quan tâm xây dựng.

Giáo viên và cán bộ thư viện Trường Tiểu học An Đổ (Bình Lục) cùng học sinh trong giờ đọc sách.

Trường Tiểu học An Đổ là một trong những đơn vị đi đầu trong việc triển khai thực hiện xây dựng mô hình “Thư viện xanh” khối các trường tiểu học trên địa bàn huyện Bình Lục.

Thầy giáo Đặng Minh Cường, Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Đổ cho biết: Trước khi xây dựng mô hình, lãnh đạo Ban giám hiệu cùng các tổ chuyên môn, cán bộ thư viện, tổng phụ trách đội đã có thời gian tham khảo cách thức, kinh nghiệm xây dựng, tổ chức mô hình một cách kỹ lưỡng. Trên cơ sở đó, nhà trường xây dựng kế hoạch cụ thể cho việc xây dựng mô hình sao cho hiệu quả nhất từ khâu tuyên truyền, vận động, huy động nguồn lực đầu tư trang bị cơ sở vật chất, tạo nguồn sách báo cho đến các biện pháp tổ chức hoạt động phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường…

Được biết, khi triển khai xây dựng mô hình “Thư viện xanh”, nhà trường đã nhận được sự ủng hộ, đồng thuận của cấp ủy, chính quyền xã, của cha mẹ học sinh trong việc thực hiện xã hội hóa nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất ban đầu. Chỉ trong một thời gian ngắn, với sự hỗ trợ từ nhiều phía, nhà trường đã lắp đặt được 7 tủ sách ngoài trời cùng hệ thống ghế đá, mái che phục vụ hoạt động đọc sách của học sinh. Các tủ sách được gia công chắc chắn, bảo đảm yêu cầu của tủ sách ngoài trời; có lượng sách, truyện, tạp chí phong phú.

Trong tổ chức hoạt động các tủ sách, để tránh tình trạng học sinh chen lấn, xô đẩy, tranh nhau lấy sách, truyện gây mất mỹ quan, phản giáo dục, không mang đến hiệu quả đọc sách như mong muốn, nhà trường lên lịch đọc sách cho học sinh từng khối lớp vào từng buổi ra chơi nhất định.

Trong thời gian đọc sách đó, các tổ trưởng chuyên môn có trách nhiệm trực giờ, hướng dẫn cho học sinh quy định mở tủ lấy sách, cất trả ngăn nắp sau khi đọc xong; giúp học sinh hiểu cách đọc, cập nhật kiến thức.

Hầu hết học sinh đều rất thích thú với việc đọc sách một cách tự do, thoải mái, có thể vừa đọc, vừa trò chuyện với nhau, không quá bị gò bó bởi những quy định đọc sách trong phòng đọc thư viện. 

Cùng với Trường Tiểu học An Đổ, một số trường trên địa bàn huyện cũng xây dựng được các “Thư viện xanh” trường học.

Ở một số trường học, mô hình “Thư viện xanh” được thực hiện theo hướng đa dạng hóa về cách thức tổ chức. Khi không có điều kiện mua sắm tủ sách, các trường có thể phát động hoạt động sáng tạo trong giáo viên, học sinh tự tạo những “tủ sách” di động như sử dụng ống nhựa, chai nhựa tự trang trí đẹp mắt, cho sách, báo vào đó và treo lên những cành cây thấp theo từng chủ đề vừa rất sinh động, lại không mất nhiều kinh phí. Kinh phí mua sắm tủ, có thể dùng để đầu tư mua sắm, bổ sung sách báo…

Với những cách thức này, trong những năm học tới, ngành giáo dục huyện Bình Lục định hướng tiếp tục phát triển, mở rộng mô hình “Thư viện xanh” trong tất cả các trường tiểu học, hướng dần tới các trường THCS, tạo thêm các cơ hội thuận lợi cho học sinh trong việc tiếp cận sách, báo, phát triển văn hóa đọc trong trường học. 

Thanh Hà

Thanh Hà

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy