Lấy ý kiến đối với dự thảo “Báo cáo đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội về các chính sách phòng, chống dịch COVID-19”

Sáng 27/9, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến lấy ý kiến đối với dự thảo “Báo cáo đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 (gọi tắt Nghị quyết số 30) của Quốc hội về các chính sách phòng, chống dịch COVID-19”. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Trần Xuân Dưỡng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh.

Hội nghị trực tuyến lấy ý kiến đối với dự thảo “Báo cáo đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 302021QH15 của Quốc hội về các chính sách phòng chống dịch COVID19”
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nam.

Tại hội nghị, các đại biểu được thông qua dự thảo báo cáo tổng kết, đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021 Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV về các chính sách phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Nghị quyết có 4 phần: bối cảnh xây dựng Nghị quyết số 30 của Quốc hội; kết quả triển khai các chính sách phòng chống dịch bệnh COVID-19 quy định tại Nghị quyết số 30; đánh giá chung việc thực hiện các chính sách phòng chống dịch bệnh COVID-19 quy định tại Nghị quyết số 30; giải pháp, kiến nghị và đề xuất. Nghị quyết đã đúc kết 6 bài học kinh nghiệm và chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong công tác phòng chống dịch COVID-19, nguyên nhân những tồn tại, hạn chế.

Dự thảo báo cáo nhấn mạnh: Dịch bệnh COVID-19 là đại dịch nguy hiểm, tác động trên toàn thế giới và chưa có tiền lệ nhưng chúng ta đã kiểm soát được đại dịch này với sự quyết tâm, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và những quyết sách đúng đắn. Việc Quốc hội ban hành Nghị quyết số 30 đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc góp phần đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tạo điều kiện để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động, linh hoạt chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, huy động toàn bộ hệ thống chính trị tham gia phòng, chống dịch bệnh; thể hiện sự tin tưởng, đồng hành cùng Chính phủ trong phòng, chống dịch. Chính phủ đã chủ động, sáng tạo áp dụng linh hoạt, kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định tại mục 3 Nghị quyết số 30, đặc biệt là thực hiện thành công chiến lược vắc xin và chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch kịp thời, đúng đắn tại những thời điểm quyết định.

Có thể nói, các biện pháp phòng, chống dịch cho đến nay cơ bản là đúng hướng, kịp thời và hiệu quả, hai thời điểm chuyển hướng chiến lược của công tác phòng, chống dịch COVID-19 đúng đắn, kịp thời đã quyết định đến sự phát triển kinh tế, xã hội, vận mệnh sống còn của đất nước, của dân tộc trong thời bình, bảo vệ tốt nhất cho an toàn sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 30 đã được triển khai đồng bộ, toàn diện, thống nhất trong cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương.

Hội nghị trực tuyến lấy ý kiến đối với dự thảo “Báo cáo đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 302021QH15 của Quốc hội về các chính sách phòng chống dịch COVID19”
Điểm cầu các tỉnh dự hội nghị.

Trên cơ sở các quy định của Nghị quyết số 30/2021/QH15, các Nghị quyết của Chính phủ, đến nay, Bộ Y tế đã khẩn trương, rút ngắn các thủ tục hành chính để cấp phép nhập khẩu vắc xin, thuốc, nguyên liệu làm thuốc để bảo đảm nhu cầu thuốc cho công tác phòng chống dịch bệnh bảo đảm đúng quy định và trên hết là bảo đảm an toàn và chất lượng của vắc xin, thuốc, nguyên liệu làm thuốc. Việc bố trí nguồn lực ngân sách Trung ương năm 2021, 2022 đã đáp ứng cơ bản nhu cầu kinh phí cho công tác phòng chống dịch của Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các địa phương và hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn trong dịch bệnh. Tính đến cuối tháng 7/2022, Trung ương và các địa phương đã dành gần 82 nghìn tỷ đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ cho 728 nghìn lượt người sử dụng lao động, gần 50 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác. Riêng Nghị quyết số 68/NQ-CP đã hỗ trợ 381,6 nghìn lượt người sử dụng lao động, trên 36,97 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác với tổng kinh phí trên 43,7 nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã điều chỉnh một số điều kiện đối với chính sách tạm dừng đóng quỹ hưu trí, tử tuất và chính sách cho vay để trả lương ngừng việc cho người lao động; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021; giảm mức thuế giá trị gia tăng đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ; miễn thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; miễn tiền chậm nộp. Ước tính giá trị các giải pháp hỗ trợ này trên 22 nghìn tỷ đồng. Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã phối hợp với 27 tỉnh, thành phố hỗ trợ khoảng 7,83 tỷ đồng cho khoảng 1.500 trẻ em mồ côi do COVID-19.

Trong giai đoạn tới, để thực hiện mục tiêu vừa kiểm soát dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhân dân, Chính phủ đang xây dựng và ban hành Chiến lược kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19 giai đoạn 2022-2023, Hướng dẫn thích ứng an toàn, linh hoạt; kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID- 19 với các biện pháp đặc thù, đặc cách, linh hoạt phù hợp với giai đoạn mới đã được Quốc hội cho phép tại Nghị quyết số 30.

Thảo luận tại hộ nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương cơ bản nhất trí với nội dung dự thảo “Báo cáo đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội về các chính sách phòng, chống dịch COVID-19”. Đồng thời đưa ra một số kiến nghị, đề xuất với Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, cơ chế, chính sách về phòng, chống dịch COVID-19, các luật liên quan đến phòng, chống dịch gồm Luật Dược, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công, Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Bảo hiểm y tế... Tập trung đầu tư, từng bước hiện đại hóa, nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở. Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng chống dịch. Báo cáo cần phản ánh rõ nét hơn những khó khăn, vướng mắc các địa phương gặp phải trong công tác phòng chống dịch, nhất là liên quan đến các cơ chế, chính sách trong phòng chống dịch…

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh đại dịch Covid-19 là dịch bệnh chưa từng có tiền lệ. Đến nay, trên thế giới có trên 600 triệu người mắc, trên 6,4 triệu người tử vong. Thiệt hại của các nước do dịch bệnh gây ra tuy ở các mức độ khác nhau nhưng đều rất lớn. Đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ khẳng định thành công của công tác phòng, chống dịch COVID-19 nói chung và thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 là minh chứng cho tinh thần đoàn kết toàn đảng, toàn dân, toàn quân. Mặc dù việc chống dịch COVID-19 là chưa có tiền lệ, nhưng Chính phủ đã mạnh dạn, kiên quyết, nhất là trong những thời điểm dịch bùng phát mạnh, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không cầu toàn, nhưng không nóng vội, phát huy trí tuệ tập thể, sự đoàn kết của toàn xã hội, thẳng thắn phân tích, nhận định những điểm được và chưa được trong chỉ đạo, điều hành của cả trung ương và địa phương.

Hội nghị trực tuyến lấy ý kiến đối với dự thảo “Báo cáo đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 302021QH15 của Quốc hội về các chính sách phòng chống dịch COVID19”
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Tổ chức Y tế Thế giới nhận định dịch bệnh COVID-19 sẽ còn tiếp tục là mối đe dọa về y tế công cộng trong thời gian tới và cảnh báo về những biến thể mới của SARS-CoV-2 có thể làm cho dịch COVID-19 trở nên phức tạp và gia tăng trở lại. Do vậy, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế, các địa phương tiếp tục đẩy nhanh Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 toàn quốc, thực hiện tiêm mũi tăng cường và tăng độ bao phủ tiêm vắc xin cho trẻ em an toàn, khoa học. Làm tốt hơn nữa công tác dự báo, nâng cao năng lực quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện; phát huy trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là ở cơ sở; đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong phòng, chống dịch. Các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ và thống nhất áp dụng các biện pháp quản lý, kiểm soát dịch bệnh.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch, thống nhất một ứng dụng công nghệ bảo đảm kết nối, liên thông, thuận lợi khi sử dụng và an ninh, an toàn thông tin. Nghiên cứu, ban hành cơ chế riêng, quy định cụ thể, rõ ràng hơn đối với triển khai, thực hiện các hoạt động trong điều kiện cấp bách, khẩn cấp, chưa có tiền lệ, khó lường, khó dự báo để bảo đảm triển khai hoạt động thực sự phù hợp với thực tiễn, đáp ứng tính nhanh, hiệu quả và có tính “miễn trừ trách nhiệm” như trong mua sắm, đấu thầu, huy động, vận động nguồn lực, tiếp nhận, sử dụng, quản lý, nghiên cứu sản xuất vắc xin, thuốc, trang thiết bị y tế, nhân lực,... để phòng, chống dịch hiệu quả.

Hoàng Hải

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.