Làm thế nào để học sinh yêu thích môn Lịch sử?

Trong tiềm thức của nhiều học sinh, Lịch sử là môn học khô khan với những dữ kiện dài và những con số khó nhớ. Ngay cả khi đã được đưa vào chương trình thi tốt nghiệp THPT quốc gia, nhiều bạn cũng chỉ xác định học để nắm được những dữ kiện lịch sử cơ bản nhất mong lấy được điểm an toàn. Từ thực tế trên, câu hỏi: Làm thế nào để học sinh yêu thích môn Lịch sử vẫn đang là câu hỏi khó, rất cần lời giải chính xác.

“Học các môn khoa học xã hội thường có ít sự lựa chọn trường lớp và nghề nghiệp tương lai. Sau khi tốt nghiệp khó tìm công việc đúng chuyên môn đã học, chưa kể đây là môn học khô và khó”… đó là đánh giá chung của nhiều phụ huynh, học sinh khi nói về các môn xã hội. Việc học và chọn nghề tương lai của học sinh dựa trên nhu cầu nhân lực mà xã hội đang cần, chủ yếu ở nhóm nghề: máy tính và công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật, kinh doanh,… Chưa kể, đối với không ít cô cậu học trò, giờ học lịch sử luôn là giờ đọc – chép, giáo viên giảng lại những kiến thức đã có sẵn trong sách giáo khoa, học sinh thụ động tiếp nhận và làm nhiệm vụ duy nhất là tóm tắt vào vở, khó tạo được hứng thú trong quá trình học. 

Làm thế nào để học sinh yêu thích môn Lịch sử
Xem các video lịch sử theo phong cách diễn họa (animation) tái hiện những nhân vật lịch sử, các trận đánh hoặc các câu chuyện dã sử là cách tìm hiểu lịch sử hiệu quả của nhiều bạn học sinh hiện nay.

Đây chính là nguyên nhân khiến lịch sử và các môn học xã hội luôn tỏ ra “lép vế” trước các môn học khác. Mặc dù trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 có hơn 6.200 thí sinh (chiếm 64,45%) đăng ký dự thi bài thi tổ hợp khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) nhưng số liệu này không hề cho thấy mặt tích cực về sự thay đổi tư duy đối với môn Lịch sử nói riêng và các môn khoa học xã hội nói chung. Bởi theo nhiều học sinh, kinh nghiệm từ kỳ thi tốt nghiệp THPT vài năm gần đây, với hình thức thi trắc nghiệm, các môn thi xã hội sẽ dễ làm bài hơn và không bị áp lực nặng về tư duy như tổ hợp môn thi khoa học tự nhiên. Điều này càng chứng tỏ rằng môn Lịch sử không chỉ “khó nhằn” khi đa số giáo viên vẫn theo lối dạy truyền thống, mà còn thiếu sức hấp dẫn khi xu hướng chọn nghề hiện nay khiến thế hệ trẻ không hào hứng với môn Lịch sử hay các môn khoa học xã hội. Ngay đến những học sinh gắn bó chuyên sâu với bộ môn khoa học xã hội cũng nhận xét: các ngành nghề thuộc khoa học xã hội  thiếu sự đa dạng trong cơ cấu ngành nghề, cơ cấu tuyển dụng vẫn mang nặng tính hành chính, vì vậy không nhiều học sinh lựa chọn học và thi các môn học này.

Dự một tiết học tại lớp 11D, Trường Tiểu học – THCS - THPT Nguyễn Tất Thành (phân hiệu Hà Nam) do cô giáo Trần Thị Bình giảng, người viết bài thấy rõ một điều sách giáo khoa chỉ là phần căn bản của bài học. Mở đầu tiết học về lịch sử hình thành Cộng đồng ASEAN, cô giáo Trần Thị Bình bắt đầu đặt câu hỏi: ASEAN hiện nay có bao nhiêu quốc gia trong khu vực tham gia? Việt Nam tham gia ASEAN năm nào? Việt Nam hiện nay đang đóng vai trò như thế nào trong Cộng đồng ASEAN?... Với những câu hỏi như vậy, đòi hỏi học sinh không chỉ đọc trước bài học trước giờ lên lớp, mà cần thiết phải có hiểu biết nhất định về tình hình kinh tế, xã hội, chính trị trong nước và thế giới đang diễn ra. Chưa hết, trong tiết học, từ ngôi nhà chung ASEAN, cô giáo Bình lại “lái” sang câu chuyện của Liên minh châu Âu (EU) để các học sinh nhận biết được những điểm tương đồng, khác biệt của 2 tổ chức.

Theo cô giáo Trần Thị Bình, học sinh không muốn cách học thụ động chỉ đọc sách giáo khoa, vì vậy giáo viên phải đưa môn Lịch sử thoát khỏi sự gò bó, giúp học sinh thảo luận thoải mái. Lịch sử là một câu chuyện tiếp nối từ quá khứ đến hiện tại nên nhiệm vụ của giáo viên là đưa ra vấn đề gợi mở để học sinh suy nghĩ và thể hiện quan điểm của bản thân. “Giúp học sinh hiểu được quá trình và ứng dụng vào hiện thực xã hội hiện nay, để học sinh biết phân tích và nhìn nhận sẽ cho các em thấy được rằng, lịch sử không chỉ là dữ kiện khô khan trong quá khứ mà là một câu chuyện rất sống động, lý thú. Có vậy, môn Lịch sử mới trở nên thiết thực và có ý nghĩa”, cô Bình nhận định. 

Cô giáo Đoàn Huyền (giáo viên Lịch sử Trường THCS Trần Phú, TP Phủ Lý) cũng có chung quan điểm: Lịch sử bao giờ cũng là một câu chuyện dài, nếu giáo viên biết lồng ghép câu chuyện lịch sử vào trong bài giảng, kết hợp phương pháp trực quan, dùng hình ảnh, phim, tư liệu… để diễn tả một cách sinh động, hấp dẫn, không khó để khơi gợi được hứng thú của học sinh. Đồng thời, có thêm chương trình học ngoại khóa bằng các chuyến thực tế tại các khu di tích lịch sử, viện bảo tàng là rất cần thiết để học sinh yêu và hiểu thêm về lịch sử. Việc tăng cường giao lưu đối thoại giữa học sinh và giáo viên chắc chắn sẽ giúp học sinh nắm bắt được kiến thức cơ bản nhất, đồng thời khơi gợi tinh thần tự học của các em với lịch sử. 

Bên cạnh đó, với nhiều bạn học sinh, giáo viên và sách vở không phải là kênh học lịch sử hữu ích duy nhất. Thời đại công nghệ truyền thông phát triển, các bạn trẻ nhanh nhạy có thể phát triển vốn kiến thức lịch sử của mình qua nhiều kênh, Facebook, Youtube là một trong số đó. Dạo qua một số fanpage lớn với hàng chục, thậm chí hàng trăm nghìn lượt theo dõi, chia sẻ, bình luận như: Diễn đàn Lịch sử Việt Nam, Lịch sử hiện đại: Chiến tranh và cách mạng…, chúng ta có thể thấy những bài “kể chuyện lịch sử” ở đây đều được thể hiện bằng phong cách, ngôn ngữ, hình ảnh mới mẻ, nhưng vẫn bảo đảm chính xác dữ kiện lịch sử. Tiêu chí khi thành lập các trang diễn đàn này là kể những câu chuyện sử không nặng nề số liệu thống kê, nó chỉ đơn giản là “truyện kể” chính xác về nội dung và mang tính giải trí. Đây còn là nơi để mọi người chia sẻ ý kiến cá nhân về những nhân vật, sự kiện lịch sử với góc nhìn đa chiều qua cả chính sử và dã sử, thay vì đọc sách giáo khoa khô khan và thiếu dữ liệu chuyên sâu.

Em Lê Bảo Anh (học sinh Trường Tiểu học – THCS - THPT Nguyễn Tất Thành, phân hiệu Hà Nam) cho rằng: Học lịch sử với nhiều người là phải nhớ nhiều, học thuộc nhiều, nhưng với bản thân em thấy cốt yếu phải nhớ và hiểu các mốc lịch sử quan trọng. Hơn nữa, tránh việc học thuộc từng câu từng chữ, mà tốt nhất nên hiểu sâu sắc diễn biến, ý nghĩa sự kiện lịch sử. Em tham gia khá nhiều hội nhóm bàn về lịch sử uy tín, có nhiều thành viên trên mạng xã hội để biến việc học sử trở thành sở thích như đang đọc truyện, xem phim mỗi ngày.

Học lịch sử không thể tránh được việc phải ghi nhớ mốc thời gian, số liệu quan trọng, nhưng nên tránh “nhồi nhét” vào đầu học sinh những dữ liệu như ma trận, bởi học sinh học sử là để hiểu, hiểu mới có thể nhớ. Qua mỗi bài học lịch sử phải giúp học sinh hiểu thêm về nhân vật, sự kiện đã xảy ra, bài học kinh nghiệm rút ra cho đời sau và cho chính bản thân mình. Có như vậy, môn Lịch sử mới trở nên hấp dẫn hơn và có thêm lứa học sinh yêu môn Lịch sử, hóa lịch sử thành những bài học bổ ích, lý thú.

Thanh Vân

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy