Kết quả bước đầu dạy và học sách giáo khoa mới

Năm học 2020-2021 là năm học đầu tiên triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 và thay sách giáo khoa (SGK) đối với lớp 1. Sau hơn 1 học kỳ, với sự nỗ lực từ nhiều phía, nhất là của ngành giáo dục, các nhà trường và đội ngũ giáo viên, việc tổ chức dạy và học theo chương trình mới, SGK mới đã ghi nhận được những kết quả bước đầu rất tích cực, củng cố niềm tin cho toàn xã hội về sự đổi mới giáo dục.       

Bộ SGK lớp Một được lựa chọn đưa vào dạy và học trong năm học 2020-2021 ở Hà Nam tuy đã đạt được các yêu cầu về chất lượng nhưng được nhận xét khá nặng, nhất là ở môn Tiếng Việt. Theo đó, ở chương trình mới, học âm, học vần khá nhanh, tiết 19 đã chuyển sang tập đọc, học vần song song với tập đọc và với mục đích muốn học sinh đọc thông, viết thạo càng sớm càng tốt để học tốt các môn khác nên tốc độ học phải đẩy nhanh hơn khá nhiều. Không những thế, mặc dù có sự ưu tiên mọi mặt cho triển khai dạy học lớp 1 theo chương trình mới nhưng do phần lớn các trường tiểu học còn thiếu giáo viên, để bảo đảm 1 giáo viên/lớp buộc phải dồn lớp nên sĩ số học sinh/lớp ở nhiều trường đều vượt ngưỡng quy định, có nơi lên tới gần 40, thậm chí hơn 40 học sinh/lớp. Do chương trình mới có nhiều nội dung mới, nhiều hoạt động giáo dục cần phải tổ chức nên giáo viên sẽ phải rất khó khăn mới có thể làm tốt được các yêu cầu đó.  

Kết quả bước đầu dạy và học sách giáo khoa mới
Việc sinh hoạt chuyên môn nâng cao chất lượng dạy học chương trình và SGK mới đối với lớp 1 được các trường tiểu học trên địa bàn huyện Thanh Liêm thực hiện có nền nếp.

Mặc dù vậy, với sự chỉ đạo sát sao và việc hỗ trợ kĩ thuật dạy học trực tiếp, kịp thời về chuyên môn của Sở GD&ĐT cũng như các đơn vị Phòng GD&ĐT, các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục dựa trên đề xuất của giáo viên và tổ bộ môn.

Theo đó, cho phép giáo viên linh hoạt điều chỉnh nội dung, phương pháp, cách thức tổ chức dạy học, giao nhiệm vụ học tập phù hợp với từng học sinh và các chủ đề, bài học, giúp các em hoàn thành nhiệm vụ học tập một cách hứng thú, phù hợp với khả năng của mình.

Đối với giáo viên, với độ mở cao, chương trình GDPT 2018 giúp giáo viên có thể phát huy cao tính tự chủ, linh hoạt trong việc lựa chọn bài tập phù hợp với nội dung bài học, xây dựng bài dạy bảo đảm mục tiêu, chủ đề, phân nhóm trình độ học sinh để có sự hỗ trợ phù hợp.

Do được tập huấn kỹ càng, có tâm thế tốt trước khi bắt tay vào thực hiện chương trình nên hầu hết giáo viên lớp Một đã biết tận dụng tối đa các tiết thực hành, ôn tập, ôn luyện để hỗ trợ, hướng dẫn học sinh hình thành các kỹ năng cơ bản, hỗ trợ học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập và dạy học theo hướng phân hóa đối tượng.

Cô giáo Nguyễn Thị Kim Hiên, giáo viên dạy lớp Một, Trường Tiểu học Đồng Du (Bình Lục) cho biết: SGK dùng cho học sinh lớp Một năm nay có sự đa dạng về nội dung bài học, bài tập thực hành, ngữ liệu, có tranh minh họa giúp giáo viên và cả phụ huynh có thể dễ nhận biết, hiểu rõ nghĩa hơn yêu cầu các bài học để hướng dẫn cho học sinh nắm bắt nhanh. Hơn thế, mỗi bài học đều có sự hỗ trợ của các loại sách “mềm” là kho tài liệu quan trọng mà giáo viên có thể khai thác để dạy cho học sinh. Sau một học kỳ dạy SGK mới đối với lớp Một, tôi nhận thấy học sinh có sự tiến bộ nhanh, đã đọc thông, viết thạo và thành thục các phép tính. 

Năm học 2020 - 2021, Trường Tiểu học Thanh Hương (Thanh Liêm) có 160 học sinh lớp Một. Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã chủ động xây dựng kế hoạch giảng dạy, phân công trách nhiệm cụ thể đối với từng giáo viên được phân công dạy khối lớp Một. Ngoài các môn học bồi dưỡng bắt buộc, khi tham gia dạy lớp Một, các giáo viên của nhà trường đều đăng ký tham gia nghiên cứu các môn tham khảo để giảng dạy. Bên cạnh đó, để tháo gỡ những khó khăn ban đầu khi thực hiện Chương trình GDPT 2018, nhà trường thường xuyên tổ chức sinh hoạt chuyên môn trường, cụm trường để chia sẻ, trao đổi nhằm đúc kết các kinh nghiệm cho giáo viên.

Cô giáo Vũ Thị Vân, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Tuy bước vào triển khai Chương trình GDPT 2018 trong điều kiện có nhiều khó khăn, nhưng với sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, giáo viên, việc thực hiện Chương trình đã bước đầu có những kết quả đáng phấn khởi. Sau khi tổ chức cho học sinh lớp Một làm bài kiểm tra nhằm đánh giá năng lực học tập học kỳ I, đã có hơn 90% học sinh có thể đọc rõ âm, vần khó, có thể phân tích tiếng, đạt được yêu cầu cơ bản của Chương trình. So với năm ngoái, dạy học theo Chương trình, SGK mới ở cùng một thời điểm, học sinh tiến bộ hơn ở các môn học. Về phía giáo viên, sau một học kỳ triển khai Chương trình và SGK mới đã nâng cao chuyên môn, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác ngữ liệu điện tử vào giảng dạy. Đây là tiền đề quan trọng để nhà trường tiếp tục bước vào học kỳ II đạt được những yêu cầu theo mục tiêu chung của Chương trình GDPT 2018.

Chia sẻ về những kết quả bước đầu triển khai Chương trình GDPT 2018, ông Đỗ Văn Bính, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thanh Liêm cho biết: Với mục tiêu quyết tâm thực hiện tốt Chương trình GDPT 2018, huyện Thanh Liêm đã có sự chuẩn bị rất chu đáo mọi điều kiện, trong đó bảo đảm có đủ phòng học để học 2 buổi/ngày, bố trí đội ngũ giáo viên dạy lớp Một đủ về số lượng và có chuyên môn tốt, trang bị tương đối đầy đủ các trang thiết bị dạy và học. Những khó khăn, lúng túng từ thực tế triển khai tổ chức, dạy học đã dần được khắc phục để việc thực hiện Chương trình và SGK mới nhanh chóng đi vào nền nếp. Giáo viên đã thành thạo trong triển khai các yêu cầu Chương trình, SGK mới, tích cực nghiên cứu bài dạy, kế hoạch bài học để dạy học hiệu quả, có sự chủ động và linh hoạt trong sử dụng ngữ liệu. Qua kiểm tra, đánh giá, trong học kỳ I, cơ bản học sinh lớp Một trên địa bàn huyện đạt được yêu cầu. 

Việc tổ chức kiểm tra, đánh giá học sinh lớp Một trong học kỳ I vừa qua cũng được các Phòng GD&ĐT, các trường tiểu học thực hiện nghiêm túc. Như ở huyện Bình Lục, trên cơ sở phom đề, ma trận đề chung, các trường tiểu học chủ động lựa chọn xây dựng thành các đề kiểm tra, đánh giá năng lực bảo đảm đáp ứng đúng các yêu cầu của nội dung chương trình các môn học và phù hợp với học sinh.

Ông Trần Thiện Vượng, Phó Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Bình Lục khẳng định: Qua thẩm định thấy rằng, việc ra đề kiểm tra, đánh giá năng lực hết học kỳ I đối với học sinh lớp Một của các trường tiểu học trên địa bàn huyện không để xảy ra sai sót. Nội dung kiểm tra vừa sức và phù hợp với học sinh, thậm chí có một số trường còn ra đề khá chắc tay. Sau kỳ kiểm tra, trong tổng số 2.376 học sinh lớp Một, đã có trên 97% học sinh hoàn thành và hoàn thành tốt ở hai môn Toán và Tiếng Việt; có trên 99% học sinh hoàn thành và hoàn thành tốt các môn học và hoạt động giáo dục khác. Đây là kết quả thực chất, tạo niềm tin cho xã hội về chất lượng bước đầu của việc dạy và học chương trình và SGK mới.

Ở các địa bàn khác, việc kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh lớp Một sau một học kỳ thực hiện Chương trình và SGK mới cũng ghi nhận những kết quả tương tự. Điều đó có ý nghĩa lớn trong việc hỗ trợ tích cực việc triển khai thành công Chương trình và SGK lớp Một ở học kỳ II và các năm học tiếp theo đối với các khối lớp khác.

Thanh Hà

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy