Duy Tiên thực hiện tốt việc dạy môn Tin học trong trường tiểu học

Tuy chỉ là môn tự chọn nhưng những năm qua, Tin học đã được ngành GD&ĐT huyện Duy Tiên triển khai đồng loạt ở các trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ II, bước đầu đạt kết quả tốt, góp phần giúp các em biết sử dụng máy tính phục vụ việc học tập và tham gia các cuộc thi dành cho học sinh tiểu học được tổ chức trên mạng internet.

Năm học 2015-2016, Trường Tiểu học Hòa Mạc đã đưa môn Tin học vào giảng dạy.

Đến hết năm học 2018-2019, trên địa bàn huyện Duy Tiên đã có 16/20 trường tiểu học (trong đó có 14 trường được công nhận đạt chuẩn mức II) triển khai đưa môn Tin học vào giảng dạy đối với học sinh các lớp 3, 4, 5. 

Theo quy định, việc dạy môn Tin học sẽ được triển khai đối với các trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ II vì tại đây có đầy đủ các phòng học chức năng, trong đó có phòng học Tin học.

Mặc dù chưa được công nhận đạt chuẩn mức II nhưng với sự hỗ trợ, đầu tư của địa phương về cơ sở vật chất, trang thiết bị nên năm học 2015-2016, Trường Tiểu học Hòa Mạc đã tổ chức cho học sinh các khối lớp 3, 4, 5 được học môn Tin học.

Cô giáo Kiều Thị Mai, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hòa Mạc cho biết: Năm học đầu tiên đưa môn Tin học vào giảng dạy nhà trường gặp khó khăn do chưa có giáo viên bộ môn. Việc giảng dạy môn học do giáo viên biệt phái được Phòng GD&ĐT huyện cử về hỗ trợ nên mới chỉ có học sinh lớp 4, 5 được học. Nhưng đến năm học 2016-2017, sau kỳ thi tuyển giáo viên của huyện, nhà trường đã được bố trí một giáo viên hợp đồng có trình độ cử nhân Tin học, việc dạy môn Tin học đã được tổ chức cho tất cả học sinh các lớp 3, 4, 5 theo quy định...

Tại phòng học Tin học của Trường Tiểu học thị trấn Hòa Mạc hiện có 16 máy vi tính, học sinh các khối lớp được học môn Tin học đúng thời lượng 2 tiết/tuần/lớp. Thầy giáo Phạm Anh Tuấn, giáo viên Tin học Trường Tiểu học Hòa Mạc chia sẻ: Được học môn Tin học, học sinh có thêm điều kiện làm quen và hình thành các kỹ năng sử dụng máy tính. Nhiều học sinh rất thành thạo sử dụng máy tính khi tham gia các cuộc thi môn Tin học trên mạng internet.

Ngoài thời gian học môn Tin học trên lớp, học sinh còn được tham gia trong các CLB do nhà trường tổ chức như: Trạng nguyên Tiếng Việt, Toán tuổi thơ, Em yêu Tiếng Việt... Đây đều là các CLB hoạt động trên cơ sở khai thác và sử dụng hệ thống máy tính. Qua đó, đã giúp nâng cao chất lượng dạy và học môn Tin học trong nhà trường.

Ở các trường tổ chức dạy môn Tin học, huyện đã bố trí 9 giáo viên có trình độ chuyên môn đạt chuẩn. Theo đó, vẫn duy trì chế độ giáo viên biệt phái, cử giáo viên ở những trường ít lớp, không đủ định mức sang hỗ trợ các trường chưa có giáo viên hoặc điều động giáo viên Toán- Tin của một số trường THCS sang hỗ trợ dạy Tin học cho trường tiểu học.

Trong quá trình giảng dạy, các giáo viên đã thực hiện đúng phân phối chương trình môn học, gồm: làm quen với máy tính, tập vẽ trên máy tính, soạn thảo văn bản, thiết kế bài trình chiếu... Đồng thời, nhiều giáo viên có sự chủ động trong việc ứng dụng các lập trình, phương pháp tích cực vào giảng dạy môn Tin học.

Việc thực hành cho học sinh theo cấu trúc: hoạt động cơ bản - hoạt động thực hành - hoạt động ứng dụng và mở rộng, làm quen với các bài kiểm tra theo mô-típ của các cuộc thi tin học dành cho học sinh tiểu học được tăng cường phù hợp với phân phối chương trình, hạn chế tình trạng học chay. Tuy đây là môn học tự chọn, không xếp loại nhưng việc kiểm tra đánh giá chất lượng vẫn được các nhà trường thực hiện có nền nếp, hầu hết học sinh đều bảo đảm các yêu cầu của môn học và thích thú, say mê với việc học Tin học.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện giảng dạy môn Tin học trong các trường tiểu học hiện nay ở huyện Duy Tiên vẫn còn một số khó khăn. Ông Vũ Hữu Dũng, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Duy Tiên cho biết: Điều kiện giảng dạy môn Tin học của một số nhà trường chưa thực sự thuận lợi, nhất là về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất. Phòng máy của các trường hiện thiếu về số lượng (thường chỉ có từ 15-20 máy/phòng), yếu về chất lượng do hệ thống máy có cấu hình thấp, hay hỏng, ít được bổ sung, sửa chữa, thay thế nên không thể bố trí cho học sinh các lớp được học cùng nhau, buộc phải chia thành các ca học. Thậm chí, có khi 3-4 học sinh phải học chung một máy, làm ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng học…

Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên dạy Tin học cấp tiểu học còn thiếu, hầu hết là giáo viên diện hợp đồng nên chế độ chưa bảo đảm trong khi vẫn phải thực hiện đủ định mức giờ dạy và không được tính trừ thời gian đặc thù phụ trách phòng máy cũng khiến tâm lý của một số giáo viên không ổn định, thiếu chuyên tâm với công việc. Các hướng dẫn giảng dạy môn Tin học hiện hành theo đánh giá đã không còn nhiều phù hợp, thiếu sự cập nhật các phần mềm, ứng dụng hiện đại, giáo viên phải “tự bơi” trong việc tự thiết kế giáo án giảng dạy. Trong khi đó, theo lộ trình thực hiện Chương trình giáo dục tổng thể, đến năm học 2023-2024, môn Tin học trở thành môn học bắt buộc có phân hóa đối với học sinh từ lớp 3 thì những khó khăn, vướng mắc đối với việc tổ chức giảng dạy môn học này ở các trường tiểu học trên địa bàn huyện Duy Tiên nói riêng, toàn tỉnh nói chung nếu không sớm được khắc phục sẽ khó nâng cao được chất lượng môn học theo đúng yêu cầu đổi mới.

Thanh Hà

Thanh Hà

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy