Đội tuyển học sinh giỏi quốc gia: Thành tích và áp lực

Thống kê sau hơn 20 năm tái lập tỉnh, các đội tuyển học sinh giỏi quốc gia (HSGQG) của Hà Nam đã giành được 875 giải chính thức trong các kỳ thi chọn HSGQG

Đội tuyển HSGQG tỉnh Hà Nam được ghi nhận có thành tích ổn định vững chắc so với các đội tuyển trong khu vực Duyên hải Đồng bằng sông Hồng và trở thành một trong số các đội tuyển mạnh toàn quốc.

Thống kê sau hơn 20 năm tái lập tỉnh, các đội tuyển HSGQG của Hà Nam đã giành được 875 giải chính thức trong các kỳ thi chọn HSGQG. Ở “đấu trường” quốc tế, vào năm 2012, em Đinh Ngọc Hải đã là học sinh đầu tiên của Hà Nam vinh dự được nhận tấm Huy chương Vàng môn Vật lý tại một cuộc thi Olimpic quốc tế…

Những thành tích này không chỉ là niềm vui, niềm tự hào của riêng các thầy, cô giáo và các học sinh Trường THPT chuyên Biên Hòa mà của cả tỉnh.

Một tiết ôn tập của các em trong Đội tuyển học sinh giỏi quốc gia môn Địa lý.

Mặc dù vậy, qua tìm hiểu thực tế được biết, việc dạy và học của giáo viên, học sinh các đội tuyển vẫn phải đối diện với không ít áp lực.

Em Trần Đức An, học sinh Đội tuyển HSGQG môn Toán tâm sự: Được lựa chọn trở thành học sinh tham gia đội tuyển HSGQG, với em thực sự là một niềm vinh dự. Tuy nhiên, với truyền thống hơn 20 năm về bồi dưỡng học sinh giỏi của nhà trường, các anh chị đội tuyển khóa trước đã giành được rất nhiều thành tích cao, thậm chí có cả một giải Nhất môn Toán, khiến cho việc học tập và thi cử của bản thân em cũng có nhiều áp lực về thành tích…

Được biết, theo cơ cấu giải của các kỳ thi chọn HSGQG, mỗi lần ra quân, các đội tuyển chỉ có 50% thí sinh dự thi đạt giải, trong đó chỉ có 50% là giải chính thức. Hầu hết các tỉnh đều có sự đầu tư cho các đội tuyển thi HSGQG và bản thân các đội tuyển dự thi với những quyết tâm rất lớn nên để có thể giành được tối đa số giải theo cơ cấu thực sự là áp lực tâm lý lớn đối với cả học sinh và giáo viên các đội tuyển.

Về nguồn học sinh, hằng năm, tuy đã trải qua kỳ thi đầu tương đối gay gắt nhưng theo nhận xét của không ít cán bộ, giáo viên, không ít học sinh đỗ vào trường chuyên chưa hẳn là những học sinh xuất sắc và vẫn còn một bộ phận học sinh giỏi, có năng khiếu thực sự, có khả năng đạt thành tích cao đã lựa chọn đăng ký học tại các trường chuyên danh tiếng của các tỉnh lân cận hay khối chuyên các trường đại học.

Cho dù những năm gần đây, ngành giáo dục đã tổ chức kỳ thi vào lớp 10 Trường THPT chuyên Biên Hòa trùng với lịch thi vào trường chuyên các tỉnh lân cận và khối chuyên các trường đại học để giảm tỉ lệ học sinh lựa chọn theo học tại các trường này nhưng cũng chưa cải thiện đáng kể.

Cô giáo Trịnh Thị Thanh Bình, giáo viên lãnh đội tuyển HSGQG môn Toán chia sẻ: Hầu hết học sinh và cha mẹ học sinh khi lựa chọn theo học tại các nơi thay vì học tại trường chuyên của tỉnh vì cho rằng ở đó môi trường học tập tốt hơn, học sinh có nhiều cơ hội được tiếp cận với nhiều phương pháp giáo dục chất lượng hơn.

Cùng với đó, với yêu cầu quan trọng, căn bản nhất cho việc lựa chọn học sinh đội tuyển chính là năng lực và sức sáng tạo, sự tư duy tốt nhưng vẫn có một số học sinh tại các lớp chuyên có thái độ học tập thiếu thực chất, không sáng tạo gây khó khăn cho việc lựa chọn học sinh vào các đội tuyển dự thi chọn HSGQG.

Còn theo cô giáo Vũ Thị Lan, giáo viên lãnh đội tuyển HSGQG môn Địa lý, do một số học sinh và cha mẹ học sinh còn bộc lộ suy nghĩ, tính toán thiệt hơn hoặc đã có định hướng về khối cho con nên đã quyết định không cho con tham gia đội tuyển. Vì thế, có năm, đội tuyển Địa lý gần như không có được những nhân tố tiêu biểu mà chỉ lựa chọn được các học sinh có niềm yêu thích môn học tham gia nên chất lượng học và thi cũng bị ảnh hưởng không nhỏ…

Đối với đội ngũ giáo viên dạy chuyên và lãnh đội của Trường THPT chuyên Biên Hòa hiện tại không đồng đều. Đa số giáo viên tuy đã thể hiện rõ sự tận tụy, nhiệt tình, nhanh nhạy trong đổi mới phương pháp bồi dưỡng nhưng nhiều người lại chưa có nhiều thuận lợi về thâm niên cũng như kinh nghiệm lãnh đội nên hoàn toàn phải chủ động, “tự bơi”, nằm trong chuỗi tự học, tự tìm hiểu không hề dễ dàng.

Trong việc thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng học sinh giỏi và lãnh đội, điểm nhấn giúp học sinh có thể đạt giải trong các kỳ thi chọn HSGQG chính là kiến thức sâu rộng, sự truyền cảm hứng của giáo viên. Học sinh đạt giải hay không đạt giải phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, nhưng quan trọng nhất vẫn là lượng kiến thức các em nhận được từ thầy, cô giáo.

Trong khi các em được bồi dưỡng thường xuyên, bản thân các giáo viên cũng luôn có nhu cầu được bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng… để có thể đáp ứng một cách tốt nhất đòi hỏi của công tác bồi dưỡng HSGQG. Đó là còn chưa nói tới việc cần có những cơ chế, chính sách đãi ngộ, hỗ trợ một cách phù hợp, thiết thực cho cả học sinh và giáo viên các đội tuyển HSGQG để khơi gợi, khuyến khích và góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng tuyển chọn, thi HSGQG.

Thanh Hà

Thanh Hà

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy