Đào Phù Vân vào Tết

 Khác hẳn những năm trước, người trồng đào Phù Vân năm nay chờ đón Tết với niềm lạc quan, hy vọng mới. Nhìn gần 17ha đào, quất của bà con nông dân Phù Vân đang độ chờ hoa, chờ lộc đúng tiết xuân sang, lòng người chỉ thầm mong thời tiết thuận hòa để cây không khô, cành không héo. Đào phai, đào bích cứ thế mà đâm chồi nảy lộc, đơm hoa trên cành, gọi xuân về …

Đào Phù Vân vào Tết
Thôn 5, xã Phù Vân, thành phố Phủ Lý.

Lo lắng và hy vọng

 Tháng Chạp âm lịch năm Nhâm Dần. Trời đã không mưa gần một tháng nay. Nhiều vườn đào ở thôn 4, thôn 5 của Phù Vân nhìn có vẻ cằn khô một chút, nên bà con nông dân chẳng rời mắt, rời tay ngày nào. Lác đác, có vườn đào khách quen đến ngó, tìm cây chọn thế, đánh dấu để đó chờ giữa tháng Chạp đánh về. Vậy là vui, hy vọng.

Ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Phù Vân cho biết: Năm nay, diện tích cả đào và quất ở Phù Vân có khoảng 17ha, tập trung chủ yếu ở thôn 4, thôn 5, thêm vài hộ thôn 6. Người dân trồng đào nhiều năm rồi chỉ chọn trồng đào non, không trồng đào lâu năm vì nhu cầu thị trường và giá cả phù hợp với điều kiện nhân dân. Loại đào này cũng dễ chăm sóc hơn, vốn lại ít nên người trồng cũng bớt phần lo lắng.

 Nhà ông Nguyễn Đăng Suốt, thôn 6 năm nay tăng diện tích trồng đào gấp rưỡi mọi năm, lên gần 7 sào. Ông cũng không cụ thể mình đã trồng bao nhiêu gốc, chỉ biết rằng, vườn đào nhà ông vào tầm cỡ lớn nhất ở đất Phù Vân. Ông kể, mấy năm rồi khó khăn vì dịch bệnh và thời tiết, người trồng đào Phù Vân lo lắng đến tận ngày cận kề năm mới. Nghĩa là, thường thì đến 25 tháng Chạp, cơ bản các vườn đào đã bán vợi. Nhưng vài ba năm nay, dịch Covid-19 làm người dân khó khăn lo Tết nên đào, quất cũng vì thế mà bán chậm hơn. Năm ngoái, đến 30 Tết ông mới bán được gần hết số đào trong vườn. Tuy nhiên, năm nay, tình hình sẽ khác..

Rõ là khác thật! Cây nhiều hơn, đẹp hơn. Vừa đến vườn, ông đã reo lên: “Cháu thấy chưa? Đẹp không! Chưa bao giờ chú ưng ý với vườn đào như năm nay. Cây nào cũng đẹp…”. Tôi thắc mắc: “Sao bên thôn 4, thôn 5 kia, nhiều vườn có cây bị héo, chết cành đó chú. Họ bảo vì thiếu mưa, lại rét đậm quá..” Ông Suốt nói: “Đúng là thời tiết năm nay gây khó khăn cho bà con trồng đào đấy! Dạo trước thì mưa triền miên, toàn mưa a xít nên cây chết cũng khá nhiều. Vườn của chú sở dĩ giữ được vì nhiều năm trồng đào, chú có kinh nghiệm xử lý. Phải dùng thuốc khử a xít nên mới giữ được đào đấy. Mấy vườn ở thôn 5 chết nhiều lắm cháu ạ!”

Đào Phù Vân vào Tết
Một trong những vườn đào lớn nhất Phù Vân hiện nay.

Kinh nghiệm là thế, nhưng ông Suốt cũng chỉ trồng đào non chứ không trồng đào lâu năm hay thất thốn. Loại này có trồng cũng không ăn thua, không cạnh tranh được với Nhật Tân và ở các nơi khác. Cứ dân dã, phổ biến cho dễ bán, dễ chơi, dễ chăm sóc. Ông bảo: “Cây có giá nhất ở vườn chú nếu bán chỉ tầm hơn chục triệu đồng, còn chủ yếu vài ba triệu, thậm chí đào cành chỉ vài chục nghìn đến hơn một trăm nghìn cũng có. Bà con nhân dân trải qua mấy năm dịch bệnh, khó khăn về kinh tế, tiền đâu mà chơi sang được. Họ dùng đào Tết là để có không khí, có động lực tiếp tục một năm mới dồi dào niềm vui và hy vọng thôi. Chú nghĩ, năm nay, giá đào có bán cũng không cao hơn năm ngoái nhiều đâu…”  

Chờ xuân…

Các vườn đào ở Phù Vân đang sinh trưởng bình thường, chờ xuân về để nở hoa, đâm lộc. Người trồng đào cũng ngóng chờ xuân với những mong mỏi lặng thầm: “Ước gì thời tiết đừng hanh hao, rét buốt thế này để đào không phải khô héo”. Cận mặt mới thấy, đào thiếu nước, thiếu mưa đầu cành se lại, kìm hãm những nụ mầm sắp bật ra.

Ông Nguyễn Việt Hùng nói: “Nếu cứ rét và khô thế này, nhiều cây không sống được. Nó có ra hoa, ra nụ cũng không còn đẹp như mình mong muốn. Trồng hoa nó vậy! Vừa rồi, bà con nông dân Phù Vân mới tỉa cành cho cúc. Có lẽ, lứa cúc này cũng chẳng kịp phục vụ Tết đâu, vì sau khi tỉa cành, phải 40 ngày sau mới thu hoạch được. Vậy là thời điểm đó rơi vào ngoài Tết rồi”.

Hoa hiếm thì sẽ đắt, sẽ được giá. Nhưng có được giá cũng không có bán, thế nên, cái khổ vẫn cứ là nông dân. Có những năm hoa đào nở đẹp, thì bán rẻ, ế ẩm. Thế là hoa cười, người khóc! Xuân này, người trồng đào Phù Vân có kinh nghiệm hơn, có nhiều hy vọng hơn. Họ bảo nhau, học nhau làm giàu, chia sẻ kinh nghiệm cho nhau để trồng trọt và gặt hái thành công. Dân giàu thì xã giàu, đó là khát vọng, là mơ ước của bà con nông dân vùng quê vốn được coi như ốc đảo nghèo nàn của thị xã ngày xưa.

Ông Trần Văn Tiên, Bí thư Đảng ủy xã Phù Vân chân tình chia sẻ: Nếu không có hoa, có đào, có quất, Phù Vân chắc không được nhiều người biết đến như hôm nay. Đất Phù Vân nở hoa nhờ những bàn tay và khối óc cần cù, sáng tạo, nhờ những con người chẳng quản nắng mưa biết vượt lên khó khăn gieo mầm vào đất, biến vùng quê nghèo trở thành nơi đáng sống của thành phố hôm nay. Xuân về mang đến sự sôi động, rộn ràng cho những xóm làng ở Phù Vân. Người ta đến mua đào, xem đào. Hoa đào Phù Vân giờ đã có tiếng trên thị trường hoa cây cảnh.

Đào Phù Vân vào Tết
Ông Nguyễn Đăng Suốt, thôn 6 chăm sóc vườn đào Tết.

Người trồng đào Phù Vân chờ xuân. Người chơi đào chờ xuân để về vùng đất này ngắm nhìn sự tốt tươi và lộng lẫy sắc màu…. Năm nay, dịch bệnh Covid-19 đã được không chế, những con đường vào chợ hoa thành phố sẽ rộn ràng hơn. Những chuyến xe chở đào ra chợ cũng vì thế mà tấp nập hơn.

Giang Nam

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.