Các trường trung học phổ thông chú trọng công tác hướng nghiệp cho học sinh

Ngay từ đầu mỗi năm học, Trường THPT Lý Thường Kiệt (Kim Bảng) luôn chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện hoạt động giáo dục tư vấn hướng nghiệp (HĐGDTVHN) cho học sinh từng khối.

Cô giáo Thái Thị Hồng Ánh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: HĐGDTVHN cấp THPT nhằm cung cấp cho học sinh nhận thức được sự phù hợp nghề, thế giới nghề nghiệp và những yêu cầu cần thiết của từng lĩnh vực nghề. Đồng thời, hướng dẫn học sinh tự nghiên cứu, phân tích, liên hệ điều kiện năng lực bản thân khi quyết định chọn nghề trong tương lai. Thông qua hoạt động, học sinh tự điều chỉnh được động cơ, thái độ học tập và rèn luyện, hiểu được yêu cầu và xu thế phát triển hệ thống nghề, trường đào tạo nghề. HĐGDTVHN còn giúp học sinh có sự hứng thú trong quá trình học tập, rèn luyện một số kỹ năng cơ bản, nhất là kỹ năng làm việc theo nhóm, kỹ năng ứng dụng…

Các trường trung học phổ thông chú trọng công tác hướng nghiệp cho học sinh
Học sinh Trường THPT B Phủ Lý sáng tạo tổ chức hoạt động hướng nghiệp, chủ động tìm hiểu, lựa chọn học ngành nghề phù hợp sau khi tốt nghiệp THPT.

Được biết, HĐGDTVHN được tổ chức ở ngoài giờ học các bộ môn văn hóa, có trong thời khóa biểu đã quy định. Theo kế hoạch, Trường THPT Lý Thường Kiệt đã tổ chức cho học sinh tất cả các lớp khối 10, khối 11 và khối 12 được tham gia HĐGDTVHN theo đúng phân phối chương trình với sự chuẩn bị đầy đủ về sách giáo viên, phương tiện, thiết bị tổ chức các hoạt động, như: loa đài, băng hình, tranh ảnh, kinh phí hoạt động.

Đội ngũ giáo viên được lựa chọn tổ chức các HĐGDTVHN có kinh nghiệm hướng nghiệp, có ý thức tự tìm hiểu để cung cấp các thông tin có liên quan tới công tác hướng nghiệp. Phân phối chương trình dạy hướng nghiệp được nhà trường xây dựng đa dạng về nội dung, phù hợp với học sinh từng khối. Trong năm học 2020-2021 này, khối 10 của trường sẽ được tham gia các chủ đề, như: Em thích nghề gì? năng lực nghề nghiệp và truyền thống nghề nghiệp gia đình, vấn đề giới trong chọn nghề, nghề trong tương lai của tôi…

Với khối 11, học sinh được tìm hiểu kỹ hơn về một số ngành nghề cụ thể, nắm bắt các thông tin về nghề nghiệp gắn với nhu cầu thị trường lao động và trải nghiệm với một số hoạt động hữu ích, như: tọa đàm “Tôi muốn đạt được ước mơ”, “Nghề tương lai của tôi”, giao lưu với những điển hình sản xuất - kinh doanh giỏi. Riêng học sinh lớp 12, đứng trước ngưỡng cửa bước vào đời, thành người trưởng thành, các em được tìm hiểu nhiều nội dung rộng hơn, có giá trị và ý nghĩa hơn đối với việc lựa chọn cho mình được một hướng đi đúng đắn nhất. 

Cùng với HĐGDTVHN được thực hiện theo thời khóa biểu (1 tiết/lớp/tháng), các trường THPT trên địa bàn tỉnh còn tích cực phối hợp với Tỉnh đoàn Hà Nam tổ chức tư vấn hướng nghiệp cho học sinh, kết hợp với các trường đại học, cao đẳng trong và ngoài tỉnh lân cận về tổ chức các buổi giao lưu và hướng nghiệp cho học sinh.

Tại các buổi giao lưu tư vấn hướng nghiệp, học sinh được giải đáp những băn khoăn về quy chế, những vấn đề mới cần quan tâm đối với việc xét tuyển, thi cử và được giới thiệu, định hướng học nghề sau tốt nghiệp. Từ đó, giúp học sinh tự đánh giá được năng lực cá nhân, dành nhiều sự quan tâm hơn đến việc tìm hiểu nghề nghiệp, ngành học phù hợp với khả năng bản thân.

Ngoài ra, các nhà trường còn lồng ghép tư vấn hướng nghiệp vào các tiết học của một số môn văn hóa, trong các buổi sinh hoạt tập thể, sinh hoạt đoàn, sinh hoạt lớp, các hoạt động trải nghiệm. Mới đây, chúng tôi đã được tham gia một buổi hướng nghiệp do chính học sinh lớp 12A2 của Trường THPT B Phủ Lý lên kế hoạch, xây dựng chương trình, làm power point trình chiếu. Buổi hướng nghiệp được tổ chức vào giờ sinh hoạt cuối tuần, có sự tham dự của lãnh đạo nhà trường, giáo viên chủ nhiệm và học sinh cả lớp. Tại đây, các nhóm đã luân phiên trình bày các thiết kế giới thiệu về các khối thi, các trường cao đẳng, đại học và một số ngành nghề để học sinh cả lớp chia sẻ suy nghĩ, ý định của bản thân trước cơ hội lựa chọn ngành, nghề.

Theo cô giáo chủ nhiệm Đoàn Thị Khánh Chi, đây là một hoạt động bổ ích được nhà trường khuyến khích học sinh tự tổ chức. Được tham gia thường xuyên vào các HĐGDTVHN, tư vấn nghề nghiệp và được định hướng chọn nghề sớm nên dù có rất nhiều thông tin về ngành nghề, tôi nghĩ học sinh sẽ không còn quá băn khoăn, lúng túng trong việc chọn trường, chọn nghề như trước đây nữa.

Ở một số trường còn thành lập các tổ tư vấn tâm lý học đường, tham gia tư vấn nhiều lĩnh vực cho học sinh, trong đó có tư vấn hướng nghiệp, phân luồng sau tốt nghiệp THPT. Với 9 tiết học/lớp/năm, các nhà trường sắp xếp, bố trí thời lượng dạy và học hợp lý. Đội ngũ nhà giáo đảm trách thực hiện việc dạy hướng nghiệp, ngoài hệ thống các tài liệu hướng nghiệp của Bộ GD&ĐT đã chủ động tìm hiểu để có được những hiểu biết thực tế rộng mở, chuyên sâu về vị trí xã hội, yêu cầu của từng ngành nghề, định hướng phát triển và nhu cầu sử dụng lao động từng giai đoạn. Việc giảng dạy các tiết hướng nghiệp có sự thay đổi nhiều từ lối thuyết trình sang trao đổi, chia sẻ, giao lưu và tổ chức được nhiều hoạt động giúp các giờ học sinh động, hấp dẫn hơn. Hiệu quả định hướng, tư vấn nghề nghiệp cho học sinh trong các tiết hướng nghiệp đã dần được cải thiện.  

Thanh Hà

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy