Bảo đảm an toàn vệ sinh lao động

Với chủ đề "Tăng cường các biện pháp giảm thiểu rủi ro về an toàn vệ sinh lao động  (ATVSLĐ), cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc, thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid -19", Tháng ATVSLĐ năm 2022 tại Hà Nam đã và đang diễn ra nhiều hoạt động hưởng ứng nhằm nâng cao nhận thức, sự tuân thủ pháp luật của người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động bảo đảm điều kiện làm việc an toàn và thích ứng. 

Công ty TNHH khoa học và kỹ thuật Tonghe Vina (KCN Đồng Văn II, thị xã Duy Tiên) có gần 300 lao động làm các công việc gia công cơ khí, xử lý và tráng phủ kim loại. Mặc dù, xưởng làm việc khá rộng rãi, nhưng nhiều tiếng ồn từ máy móc, công nhân làm việc tại đây cơ bản tuân thủ những quy định về phòng hộ như: Đeo khẩu trang chuyên dụng, khẩu trang chống độc, chống bụi, mũ chống ồn.

Theo bà Trần Thị Nga, Quản lý công ty, hiện nay, dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát hầu hết công nhân lao động trong công ty đã tiêm 3 mũi vaccine phòng Covid-19, tất cả đều đã thích ứng với tình hình. Nhưng, để giữ chân NLĐ, tạo niềm tin để họ gắn bó với doanh nghiệp, công ty luôn chú trọng các điều kiện và môi trường làm việc an toàn, bảo đảm sức khỏe tốt nhất cho NLĐ. 

Thực tế, sau nhiều năm làm việc tại Công ty TNHH khoa học và kỹ thuật Tonghe Vina, chị Đoàn Thị Nhã rất hài lòng với công việc và mức thu nhập. Chị Nhã chia sẻ: “Đặc thù công việc trong xưởng luôn có tiếng động cơ, máy móc, chúng tôi đã quen dần. Lãnh đạo công ty luôn nhắc nhở công nhân, NLĐ phải nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe của chính mình, tuân thủ “5K” trong phòng, chống dịch Covid-19, tiếp xúc với nguyên vật liệu sản xuất phải có găng tay, bảo hộ đầy đủ. Trong quá trình làm việc phải tập trung, chú ý, tránh lơ là gây tai nạn cho bản thân”.

Bảo đảm an toàn vệ sinh lao động
Sản xuất tại Công ty TNHH khoa học và kỹ thuật Tonghe Vina (KCN Đồng Văn II, thị xã Duy Tiên).

Theo đánh giá của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), các doanh nghiệp trong các KCN của tỉnh thời gian qua thực hiện khá tốt công tác ATVSLĐ, nhất là các doanh nghiệp FDI. Chủ doanh nghiệp đều có chung nhận thức phát triển kinh tế bền vững phải gắn trách nhiệm chăm lo, bảo đảm các điều kiện ATVSLĐ cho NLĐ. Vấn đề an toàn không chỉ được bảo đảm tại nơi làm việc mà NLĐ còn cần được bảo đảm an toàn khi ra khỏi công ty. Đặc biệt trong 3 năm qua, dịch bệnh Covid-19 đã làm cho nhiều công nhân lao động mắc bệnh, phải nghỉ làm việc để điều trị, ảnh hưởng đến sức khỏe và năng suất lao động. Trước tình hình đó, các doanh nghiệp đã tuân thủ quy định về phòng dịch của Bộ Y tế, của ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, tổ chức thành lập các tổ an toàn Covid – 19 trong đơn vị để sẵn sàng ứng phó linh hoạt trong mọi tình huống. 

Ông Phạm Xuân Cương, Chánh văn phòng Công ty cổ phần Xi măng Hoàng Long cho biết: “Với bất cứ một doanh nghiệp nào, NLĐ là tài sản quý giá nhất. An toàn lao động là trên hết! Công ty chúng tôi luôn quan tâm đến các điều kiện làm việc của NLĐ, nhất là các khu vực độc hại, có nhiều khói bụi. Tất cả đều phải được trang bị khẩu trang tiêu chuẩn chống độc, chống bụi, mũ chống ồn, kính chống bắn bụi. Thời gian qua, chúng tôi đã lập các tổ an toàn Covid-19, đội an ninh môi trường nhằm thực hiện giám sát, bảo đảm ATVSLĐ, an toàn dịch. 100% cán bộ, công nhân viên công ty được khám sức khỏe định kỳ, được tham gia tập huấn các quy trình về ATVSLĐ. Thực hiện chế độ báo cáo nghiêm túc về tình hình tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp về cơ quan quản lý nhà nước”. 

Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH, khu vực thường xảy ra các vụ việc tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nhiều hơn cả là các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản. Tai nạn lao động xảy ra bởi nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân cơ bản nhất là do người sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn, không huấn luyện ATVSLĐ cho NLĐ. Về phía NLĐ, để xảy ra tai nạn do bản thân không chấp hành quy trình vận hành an toàn lao động, không chấp hành pháp luật giao thông đường bộ, bất cẩn, chủ quan, ý thức kỷ luật không cao. 

Do vậy, để triển khai có hiệu quả kế hoạch Tháng hành động ATVSLĐ năm 2022, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với Hội đồng ATVSLĐ cấp tỉnh, các cơ quan, tổ chức có liên quan tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo triển khai các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ; phối hợp với các cơ quan truyền thông tuyên truyền về Tháng hành động ATVSLĐ, trong đó đổi mới và đa dạng hóa nhiều hình thức thông tin, tuyên truyền, nâng cao chất lượng công tác huấn luyện ATVSLĐ tới doanh nghiệp và NLĐ trong khu vực có hợp đồng lao động và không có hợp đồng lao động theo hướng dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện; tăng cường tuyên truyền về các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người sử dụng lao động và NLĐ; thông tin hướng dẫn cách nhận diện, đánh giá rủi ro và các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tổ chức cấp, phát các ấn phẩm, thông tin tuyên truyền về ATVSLĐ như: tờ rơi, panô, áp phích, tài liệu đến các đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh và NLĐ. 

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về ATVSLĐ tại các doanh nghiệp trên địa bàn; phát hiện  những bất cập trong cơ chế chính sách để báo cáo điều chỉnh bổ sung, qua đây  giúp các doanh nghiệp kịp thời chấn chỉnh công tác ATVSLĐ, thực hiện các biện pháp phòng chống các yếu tố độc hại cho NLĐ và các biện pháp xử lý…

Giang Nam

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy