Doanh nghiệp ở nông thôn khó tuyển dụng lao động

Những năm qua, các địa phương trong tỉnh đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nhiều cơ sở sản xuất, doanh nghiệp được thành lập mới, nhu cầu tuyển dụng lao động tăng. Nhờ đó, người lao động không phải đi làm xa, có việc làm tại chỗ, thu nhập ổn định. Tuy nhiên, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở khu vực nông thôn đang gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động.

Hiện nay, trung bình mỗi xã trên địa bàn tỉnh có từ 5 đến 10 cơ sở sản xuất, doanh nghiệp được thành lập, đang sản xuất kinh doanh. Hầu hết là các cơ sở sản xuất may mặc, gia công, cần nhiều lao động.

Bà Hoàng Thị Nhài, Quản lý xưởng sản xuất của Công ty TNHH UNIKO, thôn Nãi Văn, xã Vũ Bản, huyện Bình Lục cho biết, xưởng vừa đi vào hoạt động được vài tháng, chuyên sản xuất hàng may mặc xuất khẩu, nhưng mới chỉ tuyển được 14 lao động. Để sử dụng hết số máy móc đã được lắp đặt, công ty cần tuyển 100 lao động nữa. Nhưng đến thời điểm này, việc tuyển dụng gặp khó khăn, người lao động địa phương đa số đã có việc làm.

Bà Hoàng Thị Nhài chia sẻ: “Chúng tôi có hai xưởng sản xuất, một xưởng hiện đang ở Nam Định. Khi quyết định về thôn Nãi Văn để thuê đất làm xưởng, chúng tôi hy vọng sẽ tuyển được nguồn lao động dồi dào, chất lượng. Thế nhưng, ở nông thôn Bình Lục hiện nay có khá nhiều doanh nghiệp lớn, các cơ sở sản xuất gia công được xây dựng nên nguồn lao động đã cạn dần”.

Doanh  nghiệp ở nông thôn khó tuyển dụng lao động
Công ty TNHH UNIKO, thôn Nãi Văn, xã Vũ Bản (Bình Lục) mới chỉ tuyển được gần 20 công nhân sau 3 tháng đi vào hoạt động.

Tại thôn Cửa, xã Trung Lương, huyện Bình Lục, Công ty TNHH Victory Sporting Goods Việt Nam nhiều năm qua vẫn kiên trì công tác tuyển dụng lao động ở mọi nơi. Quy mô sản xuất lớn, nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp lên tới hàng nghìn người. Những thông báo tuyển dụng dán khắp nơi, vào tận các ngõ xóm ở các xã, thị trấn của Bình Lục, ghi rõ ràng mức thu nhập của người lao động từ 8 - 13 triệu đồng/tháng, được hưởng các chế độ đãi ngộ… Đến nay, Victory Sporting Goods Việt Nam vẫn cần 500 công nhân mà không có nguồn để tuyển dụng.

Hay như Công ty cổ phần may Đức Hạnh (Cụm Công nghiệp Bình Lục) cần gần 300 lao động, nhưng cũng đang gặp khó khăn. Đồng chí Trần Đoàn Hòa, Phó Bí thư Đảng ủy xã Trung Lương, huyện Bình Lục cho biết, trên địa bàn xã hiện có cụm công nghiệp đang thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh. Số lao động cần cho các doanh nghiệp lên tới hàng vạn người, trong khi nguồn lao động tại chỗ không có nhiều. Doanh nghiệp phải “đánh bắt xa bờ”, tuyển dụng ở nhiều nơi. Đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp cho biết vẫn không tuyển đủ nhân lực.

Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, trong số gần 100 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhu cầu tuyển dụng lao động lớn năm nay, số lao động ngành may mặc cần gần 400 người, làm giấy và thùng bìa cát-tông gần 600 người, lao động lắp ráp, thiết bị điện tử trên 15.000 người… Đa số các doanh nghiệp này nằm rải rác ở các vùng nông thôn. Chưa kể đến hàng nghìn cơ sở sản xuất với các ngành nghề thủ công như may mặc, chế biến nông sản, làm hương… lúc nào cũng có nhu cầu tuyển dụng hàng nghìn lao động. 

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch UBND xã Công Lý (Lý Nhân) cho biết, người lao động nông thôn hiện nay không khó khăn trong tìm kiếm việc làm. Trên địa bàn xã hiện có một số doanh nghiệp may mặc giải quyết công ăn việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động với mức lương bình quân từ 4,5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Thay vì phải ra ngoài kiếm việc như trước đây, người lao động nông thôn bây giờ ở nhà cũng có việc làm, có thu nhập đều đặn.

Về phía các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, do mở rộng sản xuất, nhu cầu tuyển dụng lao động tăng cao. Nguồn tại chỗ giúp họ không phải tuyển ở các nơi khác. Đường giao thông nông thôn giờ khá tốt, việc đi lại của người lao động không mấy khó khăn. Hy vọng các doanh nghiệp ở các vùng nông thôn sẽ thu hút lao động có chất lượng và sản xuất kinh doanh ổn định. 

Về phía người lao động, nhu cầu việc làm lớn, nhưng nhiều người vẫn “kén cá chọn canh”. Mục tiêu họ đặt ra không chỉ có việc làm mà còn phải có thu nhập cao, được hưởng chế độ chính sách ưu đãi đối với người lao động theo quy định của pháp luật hiện hành… Chỉ chênh nhau một chút quyền lợi giữa công ty này với công ty khác, người lao động sẵn sàng nhảy việc, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Để cạnh tranh nguồn lao động một cách lành mạnh, các doanh nghiệp phải “tung chiêu”, liệt kê các khoản ưu đãi như tăng ca trả 150% lương, được đi nghỉ mát hằng năm, được thưởng vào các ngày lễ, Tết, công nhân ở xa được bố trí nhà trọ có điều hòa, bình nóng lạnh…

Tuy nhiên hiện nay, hầu hết người lao động đã qua đào tạo, nắm bắt thực tế khá nhanh nên khi vào làm việc một thời gian ngắn không được đáp ứng yêu cầu đúng như thông báo tuyển dụng họ sẵn sàng rời bỏ công ty.

Đây thực sự là một khó khăn cho các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở nông thôn nói riêng trong vấn đề tuyển dụng và giữ chân người lao động.

Giang Nam

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.