Doanh nghiệp vẫn khó tuyển dụng lao động

Sau hơn một năm thực hiện phòng, chống dịch bệnh Covid-19, không tổ chức các phiên giao dịch việc làm tập trung, ngày 15/1 và 15/3 năm 2021, Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) tỉnh đã mở cửa phiên giao dịch này, thu hút sự tham gia của gần 60 doanh nghiệp và hàng nghìn lao động đến từ các địa phương. Nhiều người lao động đã tìm được việc làm, nhiều doanh nghiệp tuyển được công nhân. Tuy nhiên, số người làm thủ tục đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp không giảm.

Bắt đầu từ giữa tháng 1 năm 2021, sàn giao dịch việc làm do Trung tâm DVVL tỉnh tổ chức tấp nập trở lại, hàng chục doanh nghiệp có mặt để chờ tuyển lao động. Đại diện Công ty TNHH Il Jin Display Vina cho biết, doanh nghiệp đang cần tuyển dụng 50 công nhân nữ, hy vọng trong phiên giao dịch việc làm đầu năm sẽ có thể tìm được người. Một đại diện của Công ty cổ phần VIKOHASAN cũng rất hy vọng sẽ tìm được một số nhân sự cho các vị trí kế toán, giám sát, hóa nghiệm, cơ khí… 
Tính chung, trong phiên giao dịch này, có trên 20 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng, nhu cầu cần trên 1.000 lao động. Tuy nhiên, số người đến phiên giao dịch việc làm chỉ bằng 10% số nhu cầu. Theo ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Trung tâm DVVL tỉnh, sau thời gian dài không tổ chức sàn giao dịch vì đại dịch Covid-19, nay có nhiều doanh nghiệp tham gia tuyển dụng trực tiếp thế này nên đây là phiên giao dịch được chờ đợi hơn cả. Nhiều người có thể chưa nắm được thông tin hoặc đó là thời điểm người lao động chuẩn bị nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu nên không có nhu cầu tìm việc lúc này. Còn về phía doanh nghiệp, việc thực hiện kế hoạch cho năm 2021 bắt buộc phải tìm người, dù biết thời điểm này là khó khăn!

Doanh nghiệp vẫn khó tuyển dụng lao động
Đại diện doanh nghiệp trao đổi, giới thiệu vị trí việc làm cho người lao động.

Dự tính đến cuối tháng 1 sẽ tổ chức được thêm phiên giao dịch nữa, nhưng dịch bệnh Covid-19 lại bùng phát trong cộng đồng làm cho sàn giao dịch phải dừng lại. Hết tháng 2, tình hình dịch bệnh cơ bản được khống chế, Trung tâm DVVL tỉnh tổ chức phiên giao dịch lần thứ 2 vào ngày 15 tháng 3. Có 33 doanh nghiệp đăng ký tham gia phiên giao dịch này, trong đó có 26 doanh nghiệp trực tiếp có mặt tuyển dụng lao động. Tuy nhiên, chỉ có trên 200 người đến phiên giao dịch, trong khi nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp cần 1.963 người. Trong số trên 200 người đến phiên giao dịch, có 158 trường hợp đăng ký tìm việc làm, hơn 100 người đã được giới thiệu việc làm tại đây.

Chị Nguyễn Thị Thoa, xã Thanh Hà, huyện Thanh Liêm nói: "Em được giới thiệu làm việc tại Công ty TNHH đóng gói C-One Việt Nam, đây là công ty chuyên in bao bì, họ cần lao động nữ  độ tuổi từ 18 đến 35. Có lẽ em không làm ở đây được vì giờ đã 34 tuổi rồi, em muốn tìm chỗ nào mình có thể gắn bó lâu dài hơn để ổn định cuộc sống và công việc". Còn anh Trịnh Văn Thủy, xã Đinh Xá, thành phố Phủ Lý tham gia phiên giao dịch này không phải tìm việc mà muốn được tư vấn về bảo hiểm thất nghiệp. Anh Thủy nói: "Tôi chưa có ý định đi làm lúc này vì bố mẹ đang ốm. Tôi nghĩ, tìm việc bây giờ không khó, chỉ khó là có tìm được việc hợp với mình hay không!".

Theo báo cáo của Trung tâm DVVL tỉnh, trong 3 tháng đầu năm, vừa duy trì hoạt động giao dịch trực tuyến, vừa tổ chức sàn giao dịch trực tiếp, có trên 1.400 người đến trung tâm để tư vấn việc làm, xuất khẩu lao động, học nghề, du học, trong số đó có trên 800 người được giải quyết việc làm.Tuy vậy, theo ghi nhận của Trung tâm DVVL tỉnh, số người tìm đến tư vấn bảo hiểm thất nghiệp và đề nghị làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp không hề giảm so với năm ngoái. Trong 3 tháng đầu năm nay, có 810 người làm hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã thẩm định, ra quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 794 trường hợp, trong đó 610 người là nữ.

Ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Trung tâm DVVL tỉnh nói: Con số này tương đương với 3 tháng đầu năm 2020. Đó cũng là thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, tác động trực tiếp tới các doanh nghiệp, người lao động. Tuy nhiên năm nay đã có vắc-xin Covid-19, nhận thức của cộng đồng về dịch bệnh cơ bản tốt hơn, tác động tích cực đến công tác phòng, chống dịch bệnh. Tại thời điểm này, các địa phương đang thực hiện "mục tiêu kép" vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, thị trường lao động có lẽ sẽ không bị ảnh hưởng nhiều như năm ngoái. Đặc biệt, các phiên giao dịch việc làm sẽ được tổ chức thường xuyên hơn, tạo cơ hội cho doanh nghiệp và người lao động gặp nhau. 

Thực tế, sự có mặt của nhiều doanh nghiệp trong hai phiên giao dịch việc làm đầu năm 2021 cho thấy nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh năm nay khá cao. Theo lãnh đạo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, chỉ tính riêng trong các khu công nghiệp, số lao động các doanh nghiệp cần tuyển năm nay trên 12.000 người. Thực hiện cam kết của tỉnh đối với doanh nghiệp, ban sẽ cùng với Trung tâm DVVL tỉnh phối hợp đẩy mạnh công tác hỗ trợ tuyển dụng lao động cho doanh nghiệp. Thông qua các phiên giao dịch việc làm vừa qua cho thấy, nhu cầu tuyển dụng lao động có tay nghề cao tăng hơn so với các năm trước. Nhiều doanh nghiệp cần tuyển dụng kỹ sư điện, kỹ sư công nghệ, lập trình, kế toán…

Làm sao để thu hút được lao động đang làm việc ở ngoài tỉnh trở về quê làm việc cũng là một bài toán khó lúc này. Nhiều ý kiến cho rằng, mức lương sàn của các doanh nghiệp Hà Nam vẫn thấp hơn so với các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Hồng nên chưa thể hấp dẫn lao động. Kết quả từ các phiên giao dịch việc làm cho thấy, thỏa thuận giữa lao động và doanh nghiệp chưa đạt do tâm lý người lao động còn tính toán, so đo về thu nhập và các vấn đề liên quan đến quyền lợi. Vì thế, doanh nghiệp vẫn  phải tìm các kênh tuyển dụng khác ngoài Trung tâm DVLV tỉnh để đạt mục tiêu của mình.

Chu Uyên

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.