Vấn đề lao động - việc làm sau dịch Covid-19

Mặc dù, nhu cầu tuyển dụng lao động của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn rất lớn, nhưng người lao động chưa thể dễ dàng có việc làm khi dịch Covid-19 chưa kết thúc. Những rào cản tâm lý của người lao động cùng với những khó khăn của doanh nghiệp qua làn sóng dịch vừa qua là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến việc tìm việc làm của nhiều người hiện nay.

Gần nửa năm qua, sàn giao dịch việc làm ở Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh không thể tổ chức trực tiếp vì dịch Covid-19, hoạt động của sàn vẫn duy trì qua việc giao dịch trực tuyến. Mặc dù, hình thức kết nối cung cầu này của trung tâm chỉ mang tính tạm thời trong thời điểm diễn biến dịch bệnh phức tạp, nhưng nó cũng đã thu hút một lượng đông người lao động và doanh nghiệp tham gia. Người lao động đã dần quen với hình thức tìm việc làm online, cảm thấy đỡ áp lực hơn khi đối diện trực tiếp với doanh nghiệp. 

Vấn đề lao động  việc làm sau dịch Covid19
Công nhân Công ty TNHH Hua Zhuang Electronics Việt Nam (KCN Đồng Văn) làm việc những ngày Hà Nam bùng phát dịch.

Chị Trần Thị Uyên, xã Nhân Chính, huyện Lý Nhân cho biết: Tôi đã tham gia phiên giao dịch sáng thứ 7 ngày 13/10/2021 tại Văn phòng Giao dịch việc làm huyện Lý Nhân, được kết nối với Công ty may Thiên Sơn (xã Đạo Lý). Sau đó, công ty đã gọi điện lại, trao đổi về công việc tôi làm ở đó, mức lương và các điều kiện khác. So với chỗ làm của tôi trước đây, mức lương và điều kiện làm việc đều không bằng, nhưng tôi vẫn chấp thuận vì ở gần nhà. 

Tuy nhiên, theo chị Uyên, có nhiều lao động cùng đến tìm việc ngày hôm đó đã tham gia phiên giao dịch lần thứ 2, thứ 3 mà vẫn chưa có việc làm. Người lao động cho rằng, với mức lương dưới 5 triệu đồng/tháng là thấp, không đủ để trang trải cuộc sống. 

Khác với chị Trần Thị Uyên, chị Đoàn Thị Hậu, xã Bắc Lý (Lý Nhân) cho biết, chị phải tìm bằng được chỗ làm có thu nhập tốt, ổn định. Mặc dù chỉ là lao động phổ thông, nhưng chị Hậu cho rằng, có khá nhiều doanh nghiệp đang cần lao động, nếu doanh nghiệp trả lương thấp, không đáp ứng yêu cầu thì chị sẽ không làm, đi tìm việc nơi khác... 

Chị Hậu, hay chị Uyên cũng giống nhiều người đi tìm việc làm đều đã từng trải qua và biết không ít doanh nghiệp khi tuyển dụng lao động, thỏa thuận mức lương ban đầu là như vậy, nhưng khi vào làm việc thực tế, họ không được hưởng mức lương đó, phải cố gắng mất 6 tháng đến 1 năm sau, ai thuần thục công việc và tăng ca mới đạt được mức thu nhập đấy. 

Là một trong số những lao động đi từ TP Hồ Chí Minh về xã Bắc Lý (Lý Nhân), thời gian qua, anh Trương Văn Hoàn, thôn Quang Ốc cũng đã quyết định không ở lại quê hương, mà trở lại Sài Gòn tiếp tục công việc bán hoa quả trước đây. Theo anh Hoàn, anh không phù hợp với công việc ở quê, không làm công nhân với mức lương dưới 5 triệu đồng/tháng. Con anh vào đại học, chi phí tăng dần, anh cần có thu nhập cao hơn, chỉ trở lại Sài Gòn làm việc anh mới có thể kiếm được số tiền bảo đảm cuộc sống.

Thực tế, người lao động đi tìm việc làm thời điểm này, nhiều người đang hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp. Họ tìm đến các sàn giao dịch online, một mặt xem có việc làm mới nào phù hợp với bản thân và đáp ứng nhu cầu về thu nhập, mặt khác theo dõi tình hình dịch bệnh trong các khu công nghiệp. Chị Nguyễn Thị Phương, cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh nói rằng: Nhiều người lao động tìm việc lúc này đều đắn đo về mức lương thỏa thuận với doanh nghiệp thấp so với yêu cầu. Vì thế, số người có việc làm ngay sau các phiên giao dịch chỉ đạt 50%. Không ít lao động đến sàn giao dịch khi họ đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, đã từng làm việc ở nhiều doanh nghiệp trước đó. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, việc làm ở các doanh nghiệp đó ít dần, thu nhập giảm sút nên người lao động đã nghỉ việc, tìm việc làm mới. Về phía doanh nghiệp, họ cũng không dễ tìm được lao động khi tâm lý của người lao động còn chưa sẵn sàng, còn đứng núi này trông núi nọ. Cũng có những doanh nghiệp yêu cầu lao động cần tuyển dụng với tiêu chí cao, không phải ai cũng đáp ứng được.

Bà Nguyễn Thị Hồng Liên, cán bộ quản lý nhân sự, Công ty TNHH Thaco Trường Hải Hà Nam có mặt trong các lần tuyển dụng trực tuyến qua Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, doanh nghiệp vẫn không thể tìm được đủ lao động theo yêu cầu. Tiêu chí doanh nghiệp đưa ra là lao động có tay nghề, có trình độ, có kinh nghiệm, có hình thức đẹp…, người lao động tìm việc hầu hết là lao động phổ thông, chưa có tay nghề kỹ thuật về lĩnh vực họ yêu cầu. Do đó, chuyện đi tìm công nhân với những doanh nghiệp như Thaco Trường Hải không dễ chút nào. Chị Nguyễn Thị Hồng Liên khẳng định: Trước đây đã khó, giờ càng khó hơn vì ở mỗi văn phòng giao dịch chỉ hạn chế số lượng người tham gia để thực hiện giãn cách, phòng dịch Covid-19. Do đó, cả doanh nghiệp và người lao động sẽ không có nhiều cơ hội để gặp nhau trực tiếp. Thêm nữa, người lao động tham gia sàn giao dịch online còn mang tính chất thăm dò, vẫn e sợ dịch bệnh, chưa sẵn sàng đi làm… 

Ông Nguyễn Mạnh Tiến, Giám đốc Sở Lao động  - Thương binh và Xã hội cho biết: Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã tiếp nhận gần 20.000 lao động đi/đến từ các tỉnh phía Nam và các tỉnh có dịch. Vấn đề đặt ra đối với các đối tượng này sau khi dịch bệnh được khống chế là việc làm cho họ. Có thể, họ sẽ trở lại nơi làm việc cũ, nhưng trong tình hình này, chỉ khoảng 5.000 người quay trở lại các tỉnh, thành có dịch làm việc do họ là những lao động tay nghề cao, chuyên gia của các doanh nghiệp. Họ nghỉ về quê tránh dịch nhưng vẫn được hưởng lương và các chế độ của doanh nghiệp. Vì thế, khả năng trở lại làm việc của các đối tượng này cao hơn. Số còn lại chủ yếu là lao động phổ thông, để có việc làm, họ phải được đào tạo tay nghề lại. Đây là chuyện khó khăn, bản thân người lao động đang cân nhắc. 

Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế ở huyện Lý Nhân, nơi số lượng lao động đi từ vùng có dịch về đông nhất tỉnh, người lao động chưa sẵn sàng với công việc mới. Nhiều vấn đề đặt ra đối với người lao động trong tìm kiếm việc làm hiện nay chính là tâm lý e ngại trước diễn biến dịch bệnh còn phức tạp, mức lương doanh nghiệp trả chưa cao, vào làm việc phải đào tạo lại tay nghề, doanh nghiệp liệu có sản xuất ổn định hay không?...

Chu Uyên

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.