Thanh Liêm tập trung thực hiện dạy học chương trình giáo dục phổ thông 2018 cấp THCS

Năm học 2021 - 2022 là năm học đầu tiên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) 2018 ở cấp THCS. Mặc dù triển khai dạy, học chương trình và sách giáo khoa (SGK) mới trong điều kiện có nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng do có sự chuẩn bị khá tốt các điều kiện nên đến thời điểm này, việc dạy và học theo CTGDPT 2018 và SGK mới đối với lớp 6 của huyện Thanh Liêm tương đối nền nếp, ổn định.

Trong năm học này, trên địa bàn huyện có 1.773 học sinh lớp 6 được tổ chức học theo chương trình và SGK mới ở 47 lớp 6. Theo số liệu thống kê của Phòng Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) huyện, đến thời điểm đầu năm học 2021- 2022, 100% các phòng học lớp 6 của 17 trường THCS trên địa bàn đã được ưu tiên lắp đặt tivi và các trang thiết bị khác bảo đảm yêu cầu dạy học chương trình lớp 6; 100% các trường bảo đảm điều kiện triển khai dạy học môn Tin học lớp 6; bảo đảm đủ SGK, sách tham khảo cho 100% học sinh và giáo viên sử dụng. Bên cạnh đó, 100% các trường THCS trên địa bàn đã chủ động rà soát, cân đối, ưu tiên sắp xếp đội ngũ giáo viên dạy lớp 6 bảo đảm đủ số lượng, đúng chủng loại, có năng lực chuyên môn được tập huấn, bồi dưỡng theo các mo-dul, đáp ứng yêu cầu giảng dạy CTGDPT 2018. 

Thanh Liêm tập trung thực hiện dạy học chương trình giáo dục phổ thông 2018 cấp THCS
Các trường THCS trên địa bàn huyện Thanh Liêm đã có sự chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất phục vụ việc dạy học CTGDPT 2018 cấp THCS.

Theo bà Trần Thị Phương, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thanh Liêm: Để việc thực hiện dạy, học theo chương trình và SGK mới cấp THCS, ngay trước khi năm học mới bắt đầu, Phòng GD&ĐT đã tổ chức tập huấn cho toàn bộ đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các trường THCS về triển khai các văn bản chỉ đạo thực hiện CTGDPT 2018; hướng dẫn xây dựng các loại kế hoạch: Kế hoạch giáo dục nhà trường; kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục; kế hoạch giáo dục của giáo viên; kế hoạch bài dạy bảo đảm đúng yêu cầu, phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường. Ngay từ tháng 8/2021, Phòng GD&ĐT đã yêu cầu các nhà trường chỉ đạo các tổ, nhóm sinh hoạt chuyên môn nghiên cứu nội dung SGK, xây dựng kế hoạch và tổ chức dạy minh họa để trao đổi, thảo luận, chia sẻ về nội dung, phương pháp, kỹ thuật và hình thức tổ chức dạy học đáp ứng yêu cầu đổi mới của CTGDPT 2018. 

Trước khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, các trường tận dụng tối đa thời gian học sinh học trực tiếp để dạy học bảo đảm nội dung chương trình, giúp học sinh sớm làm quen với các bài học và cách học của cấp THCS. Ngoài lịch học và thời khóa biểu các buổi sáng, các trường còn bố trí tổ chức dạy 3 buổi chiều/tuần để dạy chương trình chính khóa. Cùng với đó, các trường đã xây dựng sẵn kịch bản dạy học trực tuyến nên khi dịch bệnh Covid-19 có những diễn biến phức tạp trên địa bàn huyện, các trường đã hoàn toàn chủ động trong việc tổ chức dạy học trực tuyến cho học sinh các khối, lớp, trong đó có học sinh lớp 6.

Hiện tại, các trường THCS trên địa bàn huyện đang triển khai dạy học lớp 6 theo đúng kế hoạch đã xây dựng có điều chỉnh phù hợp với việc dạy học trực tuyến theo chỉ đạo của ngành để ứng phó với dịch Covid-19. Trong thời gian này, Phòng GD&ĐT huyện đã chỉ đạo tất cả các trường khẩn trương rà soát những học sinh có hoàn cảnh khó khăn không có thiết bị học trực tuyến, xây dựng phương án hỗ trợ tạm thời bảo đảm 100% học sinh tham gia học trực tuyến; hướng dẫn các trường điều chỉnh kế hoạch giáo dục và nội dung dạy học các môn học phù hợp với yêu cầu dạy học trực tuyến; hướng dẫn các trường, cụm trường xây dựng và thực hiện kế hoạch hội thảo, tập huấn, sinh hoạt chuyên môn cấp trường, cụm trường định kỳ theo hình thức trực tuyến.

Đặc biệt, với việc dạy học chương trình lớp 6, khuyến khích các trường thường xuyên hội thảo, sinh hoạt chuyên môn hằng tuần, hằng tháng để trao đổi, thảo luận chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình dạy học, kịp thời tháo gỡ, điều chỉnh. Đồng thời, cử 190 giáo viên cốt cán và giáo viên dạy 12 bộ môn lớp 6 tham gia đủ 2 đợt hội thảo, tập huấn, sinh hoạt chuyên môn về xây dựng kế hoạch dạy học và kiểm tra đánh giá học sinh lớp 6 do Sở GD&ĐT tổ chức, làm nòng cốt triển khai tập huấn cho các giáo viên chưa được tập huấn.

Đánh giá bước đầu việc triển khai dạy học CTGDPT 2018 và SGK mới cấp THCS trên địa bàn huyện Thanh Liêm cho thấy, 100% các trường THCS đang triển khai nghiêm túc việc thực hiện chương trình theo đúng các hướng dẫn, yêu cầu. Trong đó, đã chủ động xây dựng và điều chỉnh kế hoạch giáo dục nhà trường và các loại kế hoạch chuyên môn khác một cách kịp thời, phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường; có nhiều biện pháp hiệu quả trong điều hành, quản lý giáo viên và học sinh thực hiện dạy và học trực tuyến.

Về phía đội ngũ, đại đa số giáo viên dạy học theo CTGDPT 2018 và SGK mới đã nhanh chóng thích ứng với nội dung dạy học mới, tích cực áp dụng phương pháp dạy học, phương pháp và hình thức kiểm tra đánh giá học sinh theo đúng yêu cầu đổi mới. Trong điều kiện dạy học trực tuyến, 100% giáo viên nắm vững cách xây dựng kế hoạch bài dạy, tổ chức dạy học trực tuyến, biết sử dụng thành thạo các thiết bị dạy học trực tuyến, làm chủ và khai thác tốt các kỹ thuật, học liệu giảng dạy trực tuyến. Mặt khác, có sự phối hợp chặt chẽ với cha mẹ học sinh trong việc tạo điều kiện và quản lý học sinh khi học trực tuyến, bảo đảm tỉ lệ học sinh tham gia học trực tuyến luôn đầy đủ như học trực tiếp, nền nếp của các lớp học trực tuyến được duy trì tốt.

Mặc dù vậy, theo chia sẻ của một số thầy cô giáo, việc dạy học trực tuyến kéo dài đối với học sinh nói chung và học sinh lớp 6 đang được học theo chương trình và SGK mới nói riêng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới mục tiêu và yêu cầu cần đạt của chương trình các môn học, bởi: nội dung chương trình các môn đã được tinh giản hơn, thời gian dạy học trực tuyến ngắn, chỉ bảo đảm dạy các nội dung cốt lõi của yêu cầu cần đạt; những nội dung thực hành, thí nghiệm chỉ hướng dẫn học sinh tự làm hoặc không yêu cầu bắt buộc phải làm; sự tương tác giữa giáo viên với học sinh có nhiều hạn chế hơn rất nhiều so với việc học tập trực tiếp, đặc biệt là tương tác giữa học sinh với học sinh gần như không thực hiện được, ảnh hưởng nhiều đến việc hình thành năng lực giao tiếp và hợp tác của học sinh; việc triển khai dạy học các môn khoa học tự nhiên, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Cùng với đó, việc kiểm tra, đánh giá học sinh theo Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT ngày 20/7/2021 của Bộ GD&ĐT có nhiều vướng mắc trong thực tế khi áp dụng lần đầu trong điều kiện dạy học trực tuyến.

Vì vậy, bên cạnh việc cần có sự quan tâm từ nhiều phía cho xây dựng, trang bị cơ sở vật chất để bảo đảm triển khai hiệu quả CTGDPT 2018, ngành GD&ĐT cần xem xét triển khai chương trình bồi dưỡng chuyên môn cho các giáo viên dạy các môn tích hợp của chương trình lớp 6 và có hướng dẫn riêng, cụ thể đối với các môn học mới làm tiền đề triển khai cho các năm tiếp theo... Mong muốn lớn nhất của các nhà trường hiện nay là sớm thực hiện việc tiêm vắc- xin phòng Covid-19 cho trẻ em để học sinh trên địa bàn huyện nói riêng, học sinh toàn tỉnh nói chung sớm quay trở lại học tập trực tiếp tại các cơ sở giáo dục.

Thanh Hà

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.