Nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm

Năm 2022, với quyết tâm phục hồi nhanh và phát triển kinh tế - xã hội theo mục tiêu Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hà Nam đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, quan tâm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân để phát triển sản xuất, kinh doanh. Để tiếp tục phát huy vai trò kết nối, hỗ trợ người lao động (NLĐ) tìm kiếm việc làm sau Tết Nguyên đán, cần tiếp tục có những giải pháp thiết thực và sự vào cuộc tích cực của các ngành chức năng.

Phát huy vai trò kết nối giữa “cung - cầu” lao động

Nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm
Phiên giao dịch việc làm online tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nam. Ảnh: Minh Ngọc

Theo đánh giá của ông Đào Văn Hòa, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) Hà Nam, năm 2022, để tiếp tục đáp ứng nguồn cung lao động cho doanh nghiệp và việc tiếp cận thông tin tuyển dụng của người dân, trung tâm đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, thông tin thị trường lao động qua môi trường mạng và nền tảng ứng dụng zalo, facebook, đồng thời tổ chức các hoạt động giao dịch việc làm trực tuyến và trực tiếp trên địa bàn tỉnh. Trong năm, trung tâm đã triển khai tổ chức thực hiện được 37 phiên giao dịch việc làm, bao gồm: 11 phiên cố định, 08 phiên lưu động và 09 phiên online (trong đó có 04 phiên kết nối 08 tỉnh lân cận).Ngoài ra, trung tâm còn tổ chức 08 phiên giao dịch chuyên biệt; tổ chức 01 ngày hội việc làm và 1 phiên giao dịch việc làm dành cho những người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng; phối hợp, tổ chức 9 phiên tư vấn giới thiệu việc làm (tư vấn định hướng nghề nghiệp cho học sinh 04 phiên; tư vấn cho đối tượng cai nghiện ma túy 01 phiên; tư vấn cho các phạm nhân chuẩn bị chấp hành xong án phạt tù 01 phiên; tư vấn chính sách pháp luật về Bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động và người lao động 01 phiên)…

Trên cơ sở, căn cứ nguồn cung lao động trong năm 2022, trung tâm đã thực hiện tư vấn việc làm, xuất khẩu lao động, bảo hiểm thất nghiệp cho 39.081 lượt người, trong đó: 2.654 lượt lao động thông qua sàn giao dịch việc làm. Số lượt lao động được tư vấn giới thiệu việc làm 33.910 lượt lao động, 5.171 lượt lao động có nhu cầu tư vấn về học nghề và xuất khẩu lao động, du học. Số lao động đăng ký qua facebook, zalo và qua các kênh khác là 3.520 người. Số lượt người có nhu cầu được tư vấn, giới thiệu việc làm và xuất khẩu lao động được phân chia trình độ như sau: Lao động phổ thông 23.836 lượt người, đạt 60,99%; lao động sơ cấp nghề 3.057 lượt người, đạt 7,82%; lao động có trình độ trung cấp nghề 3.479 lượt người, đạt 8,9%; lao động có trình độ cao đẳng 4.691 lượt người, đạt 12%; lao động có trình độ đại học và trên đại học 4.018 người, đạt 10,28%.

Cũng theo ông Đào Văn Hòa, Phó Giám đốc Trung tâm DVVL Hà Nam, do nhu cầu tuyển dụng lao động tăng so với cùng kỳ nên năm 2022, trung tâm đã tiếp nhận thông tin tuyển dụng của 1.057 lượt công ty, doanh nghiệp với số lao động cần tuyển là 34.700 người, trong đó tuyển dụng lao động nữ là 15.250 người. So với năm 2021 tăng 58%. Nhu cầu tuyển dụng lao động năm 2022 đăng ký qua trung tâm cao hơn cùng kỳ năm 2021 do đại dịch Covid-19 được kiểm soát, một số doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh và tăng số lượng công ty hoạt động trên địa bàn. Nhu cầu lao động có trình độ phổ thông 19.500 người, đạt 56,20%, lao động sơ cấp nghề 3.429 người, đạt 9,9%; lao động có trình độ trung cấp nghề 3.123 người, đạt 9%; lao động có trình độ cao đẳng 2.500 người, đạt 7,2%; lao động có trình độ đại học và trên đại học trở lên 6.148 người, đạt 17,72%. Nhu cầu tuyển dụng chủ yếu tập trung vào các ngành thuộc lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, may mặc, lao động phổ thông, lắp ráp linh kiện điện tử, chế biến thủy sản, marketing,…

Nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm
Người lao động tham gia phiên giao dịch việc làm trực tiếp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nam.

Năm 2022, trung tâm đã tổ chức tư vấn, tuyển chọn và đưa 37 lao động Việt Nam đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc, người lao động tập trung chủ yếu ở huyện Lý Nhân. Sau khi hoàn thành, các lao động đã trở về nước đầy đủ, đúng thời gian và không có lao động nào vi phạm bỏ trốn ra ngoài, được phía Hàn Quốc đánh giá cao. Đặc biệt, thông qua phiên giao dịch việc làm với 3.320 lượt lao động được tư vấn việc làm, tư vấn xuất khẩu lao động và 642 lượt doanh nghiệp tuyển dụng tham gia tuyển dụng, số lao động được giới thiệu vào doanh nghiệp là 1.888 lượt người. Chất lượng các phiên GDVL được nâng lên và đặc biệt là phiên giao dịch online thu hút được nhiều doanh nghiệp tuyển dụng và lao động tham gia. Hiện, trung tâm có 02 trang facebook và zalo đang hoạt động tích cực, trang thông tin tuyển dụng của trung tâm có gần 100.000 thành viên tham gia và có các nhu cầu tuyển dụng đa dạng, phong phú, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp được cập nhật kịp thời. Kết quả, năm 2022, trung tâm đã tư vấn cho 39.081 lượt lao động, vượt xa kế hoạch đã đăng ký từ đầu năm; giải quyết việc làm cho 14.866 lượt người, trong đó có 7.768 lượt lao động nữ. Số lao động giới thiệu việc làm có trình độ phổ thông chiếm tỷ lệ cao, trên 50%.

Tiếp tục ổn định thị trường lao động

Theo dự báo của ngành lao động, thương binh và xã hội tỉnh, nguồn cung lao động của thị trường lao động Hà Nam năm 2023 sẽ vào khoảng 30.000 lượt người, số lao động có nhu cầu tư vấn tìm việc thông qua Trung tâm DVVL Hà Nam khoảng 25.000 lượt người, sinh viên tốt nghiệp tại các trường trung cấp, cao đẳng, đại học khoảng 1.500 lượt người. Năm 2023, toàn tỉnh có 3.500 học sinh THPT chuẩn bị thi tốt nghiệp; gần 6.000 người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp muốn quay lại thị trường lao động. Lao động phổ thông 18.000 người, lao động có chứng chỉ nghề, sơ cấp nghề 2.400 người, lao động trung cấp nghề 3.000 người, lao động có trình độ cao đẳng 3.300 người, đại học trở lên 3.600 người. Cùng với đó, nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp năm 2023 là khoảng 35.000 lao động, trong đó: lao động phổ thông là 20.000 lao động; công nhân kỹ thuật không bằng là 10.000 lao động; sơ cấp nghề 1.300 lao động; trung cấp nghề 1.200 lao động; cao đẳng 1.300 lao động; đại học, trên đại học 1.200 lao động.

Nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm
Đại diện Công ty TNHH Seoul Semiconductor Vina, KCN Đồng Văn I (Duy Tiên) phỏng vấn người lao động có nhu cầu tuyển dụng vào công ty tại phiên giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức. Ảnh Hải Yến

Theo nhận định của ngành lao động, thương binh và xã hội, thị trường lao động có sự phục hồi nhanh và tương đối ổn định, dự báo nhiều ngành nghề sẽ tiếp tục tăng tốc tuyển dụng trong năm 2023. Một trong những “bệ đỡ” cho thị trường lao động phục hồi, đó là dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, hoạt động sản xuất, kinh doanh trên đà phục hồi mạnh. Các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong năm 2022 của tỉnh đã góp phần phục hồi và phát triển nền kinh tế nói chung và thị trường lao động nói riêng. Thị trường lao động đã có nhiều khởi sắc với những chuyển biến tích cực. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm giảm. Số lượng lao động có việc làm chính thức tăng mạnh. Thu nhập của người lao động được cải thiện. An sinh xã hội dần được bảo đảm. Điều đó có nghĩa, từ nay đến hết năm 2023, thị trường lao động việc làm của tỉnh có xu hướng tiếp tục phát triển và ổn định. Nhu cầu nhân lực trên địa bàn tỉnh năm 2023 sẽ tăng khoảng 7-10% so với năm 2022, tập trung ở các ngành, như: Bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác; công nghiệp chế biến, chế tạo; dịch vụ lưu trú và ăn uống… Lao động phổ thông vẫn chiếm cao, khoảng 56,21%.

Theo thông tin từ Trung tâm DVVL Hà Nam, đến thời điểm này, trung tâm đã tiếp nhận thông tin tuyển dụng của hơn 40 doanh nghiệp trong tỉnh, với nhu cầu tuyển dụng khoảng gần 4.000 lao động (chủ yếu lao động phổ thông, tập trung ở ngành may mặc, điện tử và công nghiệp phụ trợ), với mức lương tối thiểu vùng là trên 4 triệu đồng/người/tháng. Dự kiến, 15/2/2023, phiên giao dịch việc làm đầu tiên sau Tết Nguyên đán sẽ được tổ chức. Hy vọng, thông qua phiên giao dịch “cung - cầu” lao động sẽ gặp nhau. Người lao động tìm được việc làm, còn doanh nghiệp có thêm nguồn nhân lực để tiếp tục ổn định và phát triển sản xuất.

Tuy nhiên, căn cứ vào dự báo về thị trường lao động trong năm 2023, để  cân bằng cán cân “cung - cầu” về lao động, thiết nghĩ, các ngành chức năng cần nhanh chóng rà soát, nắm bắt về tình hình nhu cầu tuyển dụng, tình hình cắt giảm sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI, các ngành sử dụng nhiều lao động (may mặc, da giày, sản xuất gỗ...) để có phương án kết nối “cung - cầu” lao động, kết nối NLĐ với người sử dụng lao động. Về lâu dài, cần xây dựng một lưới an sinh xã hội gắn liền với bảo đảm việc làm để chủ động tránh đứt gãy chuỗi cung ứng lao động và tạo ra một thị trường lao động linh hoạt, đồng bộ, hiện đại. Xây dựng đội ngũ tư vấn việc làm chuyên sâu, có khả năng phân tích, dự báo thị trường chuyên nghiệp, làm căn cứ khoa học để các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, tuyển dụng lao động. Về phía NLĐ cũng cần chủ động trang bị những kiến thức, kỹ năng để có được công việc phù hợp. Với sự nỗ lực từ nhiều phía, tin rằng, thị trường lao động, việc làm năm 2023 tiếp tục vượt khó và khởi sắc, từng bước tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới.

Minh Thu

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy