Nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp

Những năm qua, việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng nghề luôn được các cấp, ngành, các địa phương trong tỉnh quan tâm, đã có nhiều chuyển biến tích cực về nhận thức, quy mô tuyển sinh, chất lượng và hiệu quả đào tạo. Xuất hiện ngày càng nhiều mô hình đào tạo chất lượng cao, đào tạo gắn với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Đây cũng đã và đang là hướng đi mới trong đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh.

Thực tế, hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh những năm qua luôn được các cấp ủy, chính quyền chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt; có sự vào cuộc, tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Theo đó, hoạt động này từng bước đổi mới, nâng cao chất lượng theo hướng nâng cao kỹ năng nghề, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Hằng năm, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đều phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu trình UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, nâng cao kỹ năng nghề. 

Nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp
Cuộc thi tay nghề giỏi của sinh viên các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Chu Uyên

Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng được quan tâm sắp xếp, kiện toàn. Hiện trên địa bàn tỉnh có 21 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm: 5 trường cao đẳng; 5 trường trung cấp; 5 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện và 6 cơ sở có hoạt động giáo dục nghề nghiệp khác. Toàn tỉnh có 7 trường được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phê duyệt, lựa chọn ngành, nghề trọng điểm giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025; 5 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên được phê duyệt hỗ trợ đầu tư thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện đang tuyển sinh, đào tạo 82 nghề, bao phủ trên nhiều lĩnh vực: kỹ thuật, dịch vụ, sức khỏe… Trình độ cao đẳng có 23 nghề; trình độ trung cấp có 39 nghề; trình độ sơ cấp có 41 nghề. Chương trình, giáo trình đào tạo các cấp trình độ tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp từng bước được nâng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0).

Hoạt động đào tạo đã gắn với nhu cầu nguồn lực, nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, đặc biệt là khối các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động có vốn đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động đòi hỏi lao động trực tiếp, tay nghề cao ở các lĩnh vực công nghệ tiên tiến. Đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề được quan tâm, phát triển toàn diện. Hiện toàn tỉnh có 1.013 giáo viên tham gia giáo dục nghề nghiệp, đa số đã được chuẩn hóa về chuyên môn, nghiệp vụ.

Đặc biệt, trong đào tạo nghề, việc gắn kết giữa giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp được đẩy mạnh với nhiều mô hình gắn kết có hiệu quả bền vững. Các hình thức hợp tác chủ yếu là: xây dựng chương trình đào tạo; nơi thực tập sản xuất cho học sinh, sinh viên, nhà giáo; tham gia vào quá trình giảng dạy; cấp học bổng cho học sinh, sinh viên; hỗ trợ trang, thiết bị cho các cơ sở đào tạo và tuyển dụng học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp hoặc các thỏa thuận hợp tác khác. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 156 doanh nghiệp hợp tác với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trên 95% người học sau khi tốt nghiệp được các doanh nghiệp tuyển dụng ngay vào làm các công việc phù hợp với ngành, nghề được đào tạo, mức lương từ 4,5 – 8 triệu đồng/tháng.

Có thể thấy, việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp đang là hướng đổi mới khá hiệu quả trong công tác đào tạo nghề, được các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh quan tâm và đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là về nhận thức, quy mô tuyển sinh, chất lượng và hiệu quả đào tạo. Xuất hiện ngày càng nhiều mô hình đào tạo chất lượng cao, đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Trong giai đoạn 2016-2020, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tuyển sinh, đào tạo 101.254 người, trong đó: cao đẳng 1.774 người; trung cấp 7.864 người; sơ cấp và đào tạo thường xuyên 91.616 người, góp phần nâng tỷ lệ lao động đã qua đào tạo năm 2020 của toàn tỉnh đạt 70%. Trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có chứng chỉ, bằng cấp đạt 55%. 

Những kết quả đạt được là đáng ghi nhận. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Mạnh Tiến, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, quy mô, cơ cấu và chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề hiện vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tác động sâu, rộng đến mọi mặt kinh tế - xã hội; dịch bệnh Covid-19; bài toán về dân số, lao động… tạo ra nhiều thời cơ, thách thức lớn đối với giáo dục nghề nghiệp nói chung và giáo dục nghề nghiệp ở tỉnh ta nói riêng. Do đó, vấn đề đặt ra là phải có một hệ thống giáo dục nghề nghiệp có tính đàn hồi tốt với những đổi mới mạnh mẽ, để không chỉ đảm đương được trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng nhân lực trực tiếp phục vụ sản xuất, kinh doanh mà còn đáp ứng yêu cầu hội nhập, cạnh tranh, tiếp cận trình độ các nước ASEAN.

Theo dự báo của ngành chức năng, giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo, nhu cầu đào tạo, đào tạo lại và đào tạo thường xuyên ở tỉnh hằng năm khoảng 20.000 người, tập trung chủ yếu vào các ngành, nghề phục vụ cho phát triển công nghiệp phụ trợ, dịch vụ, du lịch, phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Chỉ tiêu phấn đấu trong giai đoạn này của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh là tuyển sinh và đào tạo cho khoảng 92.500 người, bình quân hằng năm khoảng 18.500 người; ít nhất 90% có việc làm hoặc có năng suất, thu nhập cao hơn sau đào tạo. Trong bối cảnh đó, việc đổi mới đào tạo nghề theo hướng nâng cao kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp vẫn được xác định là một hướng đi phù hợp hiệu quả.

Song, để tạo ra bước chuyển thực sự trong đào tạo nghề trong tình hình mới, cần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận của các cấp, ngành, người dân và sự đồng hành của doanh nghiệp về phát triển nhân lực có kỹ năng nghề. Đồng thời, tiếp tục triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề; tăng cường chuyển đổi số và đào tạo trực tuyến, chú trọng đào tạo lại và đào tạo thường xuyên cho lao động, bảo đảm thích ứng với yêu cầu của thị trường.

Tiếp tục rà soát, tổ chức, sắp xếp lại hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh; chú trọng nội dung phát triển giáo dục nghề nghiệp, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề trong các kế hoạch, chương trình phát triển của ngành, địa phương; ưu tiên phân bổ ngân sách cho giáo dục nghề nghiệp, nhất là các trường được quy hoạch trường chất lượng cao; các trường có các ngành, nghề trọng điểm quốc gia, quốc tế đã được phê duyệt. Rà soát, dự báo, xây dựng, cập nhật dữ liệu mở về nhu cầu lao động có kỹ năng nghề theo từng lĩnh vực, ngành nghề, trình độ đào tạo phù hợp với việc làm của doanh nghiệp, nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, nhất là những ngành nghề, kỹ năng mới, như: điện, điện tử, cơ khí chế tạo, công nghiệp phụ trợ, dịch vụ… Cùng với đó, tăng cường gắn kết chặt chẽ 3 “nhà” (Nhà nước, nhà trường, nhà doanh nghiệp) trong giáo dục nghề nghiệp.

Thu Thảo

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.