Khó tuyển sinh hệ cao đẳng nghề

Với những nỗ lực trong đổi mới giáo dục dạy nghề, nhất là hệ cao đẳng, những năm qua, các trường nghề trên địa bàn tỉnh đã tạo được những chuyển biến căn bản về chất lượng đào tạo, từng bước đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và nhu cầu học của người lao động. Chỉ tiêu đào tạo nghề hệ cao đẳng mỗi năm tăng, nhưng việc tuyển sinh của các trường gặp nhiều khó khăn, dẫn đến tình trạng đầu vào thì khó, đầu ra thì dễ…

Chưa chủ động được việc phân luồng học sinh THPT

Nếu như mỗi năm, số lượng học sinh học hết lớp 9 vào học hệ trung cấp các trường nghề đáp ứng hoặc dôi chỉ tiêu thì đối với học sinh học hết THPT đăng ký học hệ cao đẳng lại khó và ít. Theo ông Đỗ Quang Triệu, Trưởng phòng Dạy nghề, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), nguyên nhân do việc phân luồng học sinh THCS, những năm qua, Hà Nam làm rất tốt, còn đối với học sinh THPT thì không chủ động được.

Thực tế, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT ra trường luôn đạt tỷ lệ cao, hầu hết học sinh có nguyện vọng học đại học. Tâm lý xã hội cũng như tinh thần của các bậc phụ huynh luôn mong con cái được học cao, đỗ đạt, đại học là mục đích hướng tới của nhiều gia đình. Cả nước có tới gần 250 trường đại học, học viện, mỗi năm thu hút trên 1,7 triệu sinh viên. Việc thi tuyển, xét tuyển vào các trường đại học những năm gần đây không quá khó nên hầu như học sinh học xong THPT đều có thể theo học một trường đại học nào đó, mặc dù việc học đại học tốn kém hơn cao đẳng…

Khó tuyển sinh hệ cao đẳng nghề
Giờ thực hành nghề công nghệ ô tô ở Trường Cao đẳng Nghề Hà Nam.

Nhiều năm công tác ở Trường Cao đẳng Nghề Hà Nam, ông Đỗ Quang Triệu thấu hiểu tình cảnh chiêu sinh chật vật cho hệ cao đẳng của trường mỗi kỳ tuyển sinh. Trong khi hệ trung cấp luôn tuyển vượt chỉ tiêu, thừa chỉ tiêu thì hệ cao đẳng lại thướt, thậm chí tụt xuống gần một nửa so với chỉ tiêu giao. Các trường nỗ lực tìm đủ mọi cách để hút sinh viên cao đẳng, như: mở những ngành nghề mới sát với thực tế nhu cầu thị trường lao động; không ngừng đổi mới chương trình dạy và học phù hợp với yêu cầu doanh nghiệp; tăng cường liên kết với doanh nghiệp để tìm đầu ra cho sinh viên, phối hợp xây dựng giáo án… 

Đặc biệt, trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh có 5 trường cao đẳng được Bộ LĐ-TB&XH phê duyệt, lựa chọn ngành, nghề trọng điểm giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025 là Trường Cao đẳng Nghề Hà Nam, Trường Cao đẳng Y tế Hà Nam, Trường Cao đẳng Công nghệ, kinh tế và chế biến lâm sản, Trường Cao đẳng Phát thanh – Truyền hình I và Trường Cao đẳng Thủy lợi Bắc Bộ đào tạo các nghề ở 3 cấp độ quốc tế, khu vực Asean, quốc gia. Trong đó, cấp độ quốc tế gồm các nghề: Điện công nghiệp, dược, gia công và thiết kế sản phẩm mộc. Cấp độ Asean gồm các nghề: Điều dưỡng, công nghệ kỹ thuật xây dựng, công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng, công nghệ kỹ thuật tài nguyên nước, cấp-thoát nước. Cấp độ quốc gia gồm các nghề: Công nghệ ô tô, hàn, kỹ thuật điêu khắc gỗ, điện công nghiệp, công nghệ kỹ thuật điện, điện tử, công nghệ thông tin, cơ điện tử, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí. 

Trong 5 năm, các trường cao đẳng nghề ở Hà Nam tuyển sinh và đào tạo được trên 5.000 sinh viên. Năm 2017, 2018 là các năm tuyển sinh cao đẳng dễ hơn cả với trên 1.700 học sinh THPT mỗi năm. Tuy nhiên, các năm sau chỉ đạt dưới 1.000 học sinh/năm, thậm chí có năm chỉ tuyển được gần 370 học sinh hệ cao đẳng. Dù đã thực hiện nhiều giải pháp, đổi mới giáo dục nghề nghiệp nhưng các trường vẫn không thể tuyển sinh cao đẳng dễ dàng bởi không có nguồn. Và, lý do đơn giản chỉ vì chưa chủ động được việc phân luồng học sinh THPT. Trong  khi các trường cao đẳng lại không thể tiếp cận nguồn dữ liệu học sinh tốt nghiệp từ các trường THCS và THPT.

Đầu ra rộng mở nhưng chưa đáp ứng nhu cầu người lao động

Gần 10 năm nay, các khu công nghiệp ở Hà Nam phát triển mạnh mẽ, nhu cầu nguồn lực tăng cao. Mỗi năm, các doanh nghiệp cần tuyển dụng mới gần 2 vạn lao động, đặc biệt với lao động tay nghề cao, trình độ cao đẳng. Ông Đặng Xuân Vượng, Trưởng phòng Tổ chức, Trường Cao đẳng Nghề Hà Nam cho biết, việc  gắn kết  3 nhà:  Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp nhằm bảo đảm đầu ra cho người học thời gian qua đối với nhà trường thực hiện khá tốt. Doanh nghiệp không chỉ tham gia vào quá trình xây dựng chương trình, giáo án giảng dạy với nhà trường mà còn liên kết tổ chức cho sinh viên thực hành, thực tập tại doanh nghiệp. Sinh viên chưa ra trường đã được doanh nghiệp "nhắm". Thực tế, cung không đủ cầu! Ông Vượng nói: Những doanh nghiệp lớn như Honda Việt Nam, Gentherm Việt Nam… luôn có nhu cầu tuyển dụng lao động kỹ thuật có tay nghề cao từ sinh viên cao đẳng của trường, nhưng không đủ nguồn. Nhiều sinh viên chuẩn bị ra trường được mời gọi làm việc với mức lương thấp nhất cũng 7 triệu đồng/tháng mà các em còn từ chối, chọn chỗ trả lương cao hơn…

Rõ ràng, khi có tay nghề, nhiều sinh viên cao đẳng có quyền chọn chỗ làm phù hợp là điều hiển nhiên. Thí dụ như sinh viên Nguyễn Văn Anh, lớp Công nghệ ô tô K10, Trường Cao đẳng Nghề Hà Nam từng nói: "Em chọn học nghề không phải vì em không thể thi vào các trường đại học mà vì thực tiễn đời sống và nhu cầu việc làm của bản thân. Học ở đây em được đào tạo bài bản, có tay nghề tốt, việc đánh giá tay nghề không chỉ riêng nhà trường mà có cả doanh nghiệp. Vì thế, thời điểm em chuẩn bị ra trường, có công ty mời em về làm việc với mức lương hơn 10 triệu đồng/tháng, nhưng em không đồng ý. Bởi, ở vị trí công việc của em, tay nghề của em, mức lương phải cao hơn…". 

Điều kiện việc làm và thu nhập đối với sinh viên cao đẳng tương đối tốt, nhưng vẫn chưa thể hấp dẫn người học. Ông Đặng Xuân Hải, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng: Chúng ta cần làm tốt công tác dự báo nhu cầu lao động, xây dựng và cập nhật dữ liệu mở về lao động có kỹ năng nghề theo từng lĩnh vực, ngành nghề, trình độ đào tạo phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là những ngành nghề, kỹ năng mới, như: điện, điện tử, cơ khí chế tạo, công nghiệp phụ trợ, dịch vụ… Thúc đẩy thực thi cơ chế gắn kết 3 nhà trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp, khuyến khích các doanh nghiệp công nhận, tuyển dụng, sử dụng, trả tiền lương, tiền công cho người lao động đã qua đào tạo hoặc có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia theo quy định của pháp luật.

Trong giai đoạn 2021-2025, Hà Nam dự kiến đào tạo cao đẳng nghề cho  4.100 người, tập trung vào các ngành nghề công nghiệp phụ trợ, dịch vụ. Muốn khắc phục những khó khăn trong công tác tuyển sinh hệ cao đẳng cần làm thật tốt công tác hướng nghiệp ở các cơ sở giáo dục, các địa phương nhằm thay đổi nhận thức của nhân dân về "sự học", sự nghiệp của con em mình trên cơ sở nhìn nhận đánh giá đúng năng lực bản thân học sinh.

Chu Uyên

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.