Hội Nông dân huyện Thanh Liêm với phong trào thi đua “Dân vận khéo”

Hưởng ứng phong trào thi đua “Dân vận khéo”, thời gian qua, các cấp hội nông dân (HND) huyện Thanh Liêm đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tích cực tham gia các chương trình, cuộc vận động của hội, nhất là các mô hình điểm, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhằm hạn chế tình trạng người dân đốt rơm, rạ sau thu hoạch lúa ảnh hưởng tới môi trường sống, vụ chiêm xuân 2021 HND xã Thanh Nguyên (Thanh Liêm) thí điểm triển khai mô hình “Xử lý rơm, rạ dư thừa sau thu hoạch bằng chế phẩm sinh học Sumitri gắn với bảo vệ môi trường” trên diện tích 5ha với 28 hộ nông dân tham gia.

Để mô hình triển khai được hiệu quả, HND xã đã tăng cường tuyên truyền, vận động hội viên tích cực tham gia; phối hợp tổ chức tập huấn, giới thiệu, phổ biến những lợi ích của việc sử dụng chế phẩm vi sinh Sumitri để xử lý rơm, rạ. Các hộ tham gia mô hình được hội phối hợp hỗ trợ toàn bộ chế phẩm và hướng dẫn cách sử dụng chế phẩm khi làm đất, cách chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho lúa. Nhờ chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật nên toàn bộ 5ha lúa được sử dụng chế phẩm sinh học Sumitri phát triển tốt, ít sâu bệnh và giảm chi phí cho năng suất cao. 

Hội Nông dân huyện Thanh Liêm với phong trào thi đua “Dân vận khéo”
Cán bộ Hội Nông dân thị trấn Kiện Khê (Thanh Liêm) thăm mô hình trồng lúa được xử lý bằng chế phẩm vi sinh Sumitri.

Ông Nguyễn Văn Trung, Chủ tịch HND xã Thanh Nguyên cho biết: Qua theo dõi, khảo sát cho thấy, sử dụng chế phẩm Sumitri giúp cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt, lúa cứng cây nên khả năng chống đổ tốt; cây lúa hấp thụ phân bón một cách tối đa, trỗ đều, hạt mẩy. Đặc biệt, sử dụng chế phẩm vi sinh Sumitri đã khắc phục tình trạng lúa nghẹt rễ, ngộ độc hữu cơ sau khi gieo sạ, hạn chế sâu bệnh gây hại trên cây lúa. Về lâu dài, việc sử dụng chế phẩm Sumitri sẽ bổ sung lượng phân hữu cơ làm tăng độ phì nhiêu của đất, góp phần giữ độ màu mỡ, bảo vệ môi trường, giảm sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Đồng thời, tạo thói quen cho người dân không đốt rơm, rạ sau thu hoạch góp phần bảo vệ môi trường.

Từ kết quả đó, vụ hè thu 2021 HND huyện Thanh Liêm đã nhân rộng và triển khai mô hình điểm tại 16 xã, tổng diện tích 60,6ha với 156 hộ nông dân tham gia. HND huyện đã phối hợp, hỗ trợ gần 3 nghìn gói chế phẩm cho các hộ tham gia mô hình, tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và cử cán bộ bám địa bàn hướng dẫn cụ thể, chi tiết cách sử dụng chế phẩm và các biện pháp phòng trừ sâu bệnh. 

Ông Dương Quốc Cảnh, Chủ tịch HND thị trấn Kiện Khê cho biết: Hưởng ứng phong trào “Dân vận khéo”, vụ hè thu này, HND thị trấn đã tuyên truyền, vận động 18 hộ tham gia mô hình “Xử lý rơm, rạ dư thừa sau thu hoạch bằng chế phẩm Sumitri gắn với bảo vệ môi trường” trên diện tích 5ha. Đến nay, cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt, ít sâu bệnh, hứa hẹn một vụ lúa bội thu.

Xác định “Dân vận khéo” có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ của công tác hội gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) trước đây, NTM kiểu mẫu hiện nay, thời gian qua, bám sát sự chỉ đạo của hội cấp trên, Huyện ủy, UBND huyện, HND huyện Thanh Liêm đã đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo”, với mục tiêu mỗi HND xã, thị trấn xây dựng ít nhất 1 mô hình “Dân vận khéo” của tập thể và 1 mô hình “Dân vận khéo” của cá nhân.

Ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các hộ nông dân tham gia vào nhóm ngành nghề, sản xuất, kinh doanh, như: thành lập các tổ hợp tác, chi, tổ hội nghề nghiệp để phối hợp, trao đổi kinh nghiệm, cùng hợp tác để phát triển kinh tế hiệu quả, HND huyện còn phối hợp tổ chức các dịch vụ hỗ trợ nông dân, đẩy mạnh thực hiện các mô hình “Dân vận khéo”. Kết quả, từ đầu nhiệm kỳ đến nay (2018-2021), các cấp HND trong huyện đã thành lập được 41 mô hình “Dân vận khéo”, trong đó có 28 mô hình “Dân vận  khéo” trong các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội. 

Để phát huy vai trò của “Dân vận khéo” trong phát triển kinh tế, hằng năm, HND huyện chỉ đạo HND các xã, thị trấn tổ chức cho hội viên đăng ký danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, qua đó có trên 68 nghìn hộ đăng ký tham gia (đạt 92% hộ sản xuất, nông nghiệp); tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT), làm dịch vụ cung ứng vật tư cho hội viên nông dân. Hằng năm, các cấp HND trong huyện đã tổ chức từ 100-130 lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ KHKT, thu hút gần 30 nghìn lượt hội viên tham gia; tư vấn, giới thiệu việc làm cho 250 - 300 hội viên; tín chấp 1.200 tấn phân bón theo hình thức trả chậm. 

Ngoài ra, các cấp hội còn đứng ra nhận ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội với dư nợ hiện nay đạt 127,3 tỷ đồng, thông qua 83 tổ tiết kiệm và vay vốn, cho 2.920 hộ nông dân vay. Cùng với đó, các cấp hội còn vận động quyên góp được gần 1 tỷ đồng quỹ hỗ trợ nông dân để giúp đỡ, tạo điều kiện cho 314 hộ vay đầu tư phát triển kinh tế. Thành lập mới và duy trì có hiệu quả 56 mô hình phát triển kinh tế tập thể thông qua mô hình tổ hợp tác, chi, tổ hội nghề với 356 thành viên tham gia. Thực hiện tốt “Dân vận khéo” trong phát triển kinh tế cũng đã giúp thành lập và duy trì có hiệu quả các mô hình kinh tế tập thể, tạo thêm việc làm cho một bộ phận lao động địa phương mang lại giá trị thu nhập cho nhiều hộ gia đình. 

Ông Đỗ Ngọc Giao, Chủ tịch HND huyện Thanh Liêm cho biết: Phong trào “Dân vận khéo” đã tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, hội viên nông dân, góp phần chung tay cùng cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện thành công các phong trào thi đua. Qua đó giúp tổ chức HND các cấp khơi dậy tinh thần lao động cần cù, sáng tạo của hội viên nông dân, góp phần nâng cao đời sống mỗi gia đình, đồng thời, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức hội.

Trần Ích

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy