Hiệu quả thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở trong doanh nghiệp

Thời gian qua, việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại doanh nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực. Qua đó, phát huy quyền làm chủ của người lao động, trách nhiệm của chủ doanh nghiệp trong thực hiện quy chế dân chủ tại nơi làm việc, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và giảm thiểu tình trạng tranh chấp lao động.

Vào tháng 4 hằng năm, Công ty cổ phần Elmich (huyện Bình Lục) đều phối hợp với công đoàn cơ sở tổ chức hội nghị người lao động để thông báo kết quả sản xuất, kinh doanh của công ty trong năm qua, đưa ra mục tiêu, kế hoạch và những giải pháp trong thời gian tới. Đồng thời thông báo các chế độ, chính sách liên quan đến quyền lợi người lao động và những phúc lợi mới nếu có. Lãnh đạo doanh nghiệp cũng thiện chí giải đáp kiến nghị, đề xuất của người lao động trên tinh thần lắng nghe, dân chủ và thấu hiểu, mang lại sự hài lòng cho người lao động. Nhờ đó, nhiều năm nay, quan hệ lao động nơi đây được đánh giá là ổn định và hài hòa.

Theo Chủ tịch công đoàn công ty Nguyễn Thị Thư, lãnh đạo công ty luôn quan tâm thực hiện quy chế dân chủ tại nơi làm việc. Công tác phối hợp giữa chuyên môn và công đoàn được thể chế thành quy chế, thống nhất trong chỉ đạo hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như chăm lo đời sống, thu nhập, việc làm cho người lao động; phối hợp tổ chức hiệu quả hội nghị người lao động hằng năm; thực hiện nghiêm túc việc ký kết thỏa ước lao động tập thể, xây dựng nội quy lao động, quy chế chi tiêu nội bộ và các quy định liên quan trực tiếp đến người lao động…

Tại hội nghị người lao động, hay các buổi đối thoại định kỳ theo quý, người lao động luôn mạnh dạn, thẳng thắn bày tỏ suy nghĩ của mình về tình hình thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh và các hoạt động của doanh nghiệp, mong muốn các chế độ chính sách tốt hơn từ những vị trí việc làm cụ thể của họ, tạo ra một môi trường làm việc cởi mở và dân chủ.

Với sự quan tâm hướng dẫn của công đoàn cấp trên, đến nay, Ban Chấp hành Công đoàn Công ty TNHH May Kim Bình, TP Phủ Lý đã chủ động xây dựng chương trình công tác phối hợp với lãnh đạo doanh nghiệp về mọi lĩnh vực hoạt động. Trong đó, tham gia xây mới, sửa đổi, bổ sung các nội dung trong nội quy, quy chế nội bộ và thỏa ước lao động tập thể của công ty, thể hiện rõ quan điểm, ý kiến đại diện người lao động trong thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, cũng như bảo đảm các quyền lợi, phúc lợi hợp pháp, chính đáng cho người lao động.

Hiệu quả thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở trong doanh nghiệp
Cán bộ công đoàn Công ty TNHH May Kim Bình (thành phố Phủ Lý) giám sát chất lượng bữa ăn ca, góp phần chăm sóc sức khỏe cho người lao động.

Chủ tịch Công đoàn công ty Ngô Hải Nam cho biết: Hội nghị người lao động của doanh nghiệp thường được tổ chức trong tháng 3. Tại đây, các ý kiến của người lao động được lãnh đạo doanh nghiệp, công đoàn và các bộ phận liên quan giải đáp chi tiết, cụ thể, tạo được sự tin tưởng, đồng thuận của người lao động. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng thông báo tình hình sản xuất để người lao động nắm, hiểu và đồng hành với doanh nghiệp, không ngừng học tập nâng cao trình độ, tay nghề, tạo ra những sản phẩm chất lượng. Nhằm bảo đảm phát huy dân chủ, trước khi hội nghị người lao động diễn ra, quản lý các xưởng đều tập hợp ý kiến của người lao động và gửi cho bộ phận chuyên môn của công ty tổng hợp đầy đủ. Trong quá trình diễn ra hội nghị, ngoài giải đáp thắc mắc của công nhân lao động đặt câu hỏi trực tiếp, các bộ phận liên quan sẽ trả lời rõ những ý kiến đã được tổng hợp nêu trên. Nhờ đó mà người lao động luôn đồng tình với các chính sách của công ty và công đoàn. Thông qua việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, đặc biệt là đối thoại tại nơi làm việc, người lao động đã phát huy được vai trò của mình góp phần xây dựng doanh nghiệp.

Theo thống kê của Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh, hằng năm, có từ 85-90% doanh nghiệp có tổ chức công đoàn tổ chức hội nghị người lao động. Số công đoàn cơ sở tổ chức đối thoại tại doanh nghiệp đạt khoảng 90%; 80% công đoàn cơ sở có thỏa ước lao động tập thể còn hiệu lực. Tính đến 15/3, có 120 doanh nghiệp đã tổ chức hội nghị người lao động năm 2023, đạt tỷ lệ trên 40% tổng số công đoàn cơ sở đang quản lý.

Theo Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Trịnh Thu Trang, việc thực hiện quy chế dân chủ tại nơi làm việc nếu nghiêm túc, bài bản và có thiện chí sẽ mang lại nhiều lợi ích trong việc ổn định sản xuất. Do đó, lắng nghe người lao động cũng là cách để doanh nghiệp và công đoàn đổi mới các hoạt động, phúc lợi hoàn thiện hơn và tạo dựng quan hệ lao động bền vững. Thông qua thực hiện tốt quy chế dân chủ, người sử dụng lao động hiểu hơn về trách nhiệm của doanh nghiệp trong bảo đảm việc làm, thu nhập, tạo môi trường làm việc an toàn cho người lao động.

Người lao động đã dần ý thức được tầm quan trọng và trách nhiệm của bản thân trong việc thực hiện các quy định của pháp luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ của mình, nội quy, quy chế của công ty. Những ý kiến tham gia của người lao động, nhất là những biện pháp, sáng kiến nâng cao năng suất lao động, an toàn lao động và những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người lao động đều được lãnh đạo các doanh nghiệp ủng hộ cao, góp phần quan trọng thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của đơn vị. Thời gian thực hiện hội nghị người lao động năm 2023 đến hết tháng 4 nên chúng tôi vẫn đang tiếp tục theo dõi, hướng dẫn các công đoàn cơ sở phối hợp với lãnh đạo doanh nghiệp để tổ chức theo đúng quy định.

Theo đánh giá của Liên đoàn Lao động tỉnh, bên cạnh những doanh nghiệp quan tâm thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, vẫn còn những doanh nghiệp chỉ tập trung vào sản xuất; chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; chưa quan tâm đến quy trình tổ chức hội nghị người lao động. Ngoài ra, không chú trọng tổ chức đối thoại tại nơi làm việc hoặc tổ chức còn mang tính hình thức. Một số doanh nghiệp còn giao cho công đoàn cơ sở thực hiện, trong khi vai trò chủ động thuộc về doanh nghiệp. Toàn tỉnh có 540 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn, trong đó 69 doanh nghiệp dưới 10 lao động không phải tổ chức hội nghị người lao động, chỉ ban hành Quy chế dân chủ cơ sở tại nơi làm việc bằng văn bản. Tính đến 15/3, toàn tỉnh có 225/471 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn đã tổ chức hội nghị người lao động, đạt tỷ lệ 47,7%. Thời gian để các đơn vị còn lại thực hiện đến hết tháng 4/2023.

Để việc thực hiện quy chế dân chủ tại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật, mang lại mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ, các cấp công đoàn cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người sử dụng lao động và người lao động về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc. Chú trọng hướng dẫn các cơ sở chưa thực hiện tốt và nhân rộng những mô hình hay, hiệu quả đến các đơn vị. Các ngành chức năng cần tăng cường phối hợp tổ chức các hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện dân chủ tại nơi làm việc, nhất là chế độ, chính sách liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người lao động.

Các cấp công đoàn cũng cần thường xuyên nắm bắt tình hình việc làm, đời sống, cũng như tâm tư, nguyện vọng của người lao động, kịp thời phát hiện, giải quyết những vấn đề bức xúc, khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các chế độ, chính sách liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Chủ động tham mưu, đề xuất các chính sách chăm lo đời sống, an sinh cho người lao động, bảo đảm tổ chức sản xuất, kinh doanh bền vững, hiệu quả.

Hoàng Hải

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.