Chú trọng giáo dục kỹ năng sống cho trẻ mầm non

Giáo dục kỹ năng sống cho trẻ mầm non là yếu tố quan trọng giúp trẻ làm quen từng bước, tiến tới hòa nhập nhanh với cuộc sống. Việc dạy kỹ năng sống cho trẻ trong các trường mầm non đang nhận được nhiều sự quan tâm của cả nhà trường và gia đình, góp phần thay đổi đáng kể cả tư duy và nhận thức của người trong cuộc về phương pháp nuôi dạy trẻ hiện nay.

Hiện cấp mầm non của tỉnh có 119 trường mầm non với 1.862 lớp và gần 52.000 trẻ các độ tuổi. Thực hiện giáo dục kỹ năng sống cho trẻ mầm non, các nhà trường đều tập trung triển khai dạy một số nhóm kỹ năng cơ bản và các hoạt động giáo dục cần thiết để giúp trẻ dần hình thành được những thói quen tích cực, có cơ hội phát triển nhân cách đầy đủ và đúng hướng. Ở độ tuổi mầm non, trẻ có khả năng học hỏi và ghi nhớ những trải nghiệm thực tế nhanh chóng. Những kinh nghiệm này sẽ là nền tảng xây dựng tính cách cũng như những thế mạnh của trẻ trong tương lai. Do đó, nếu được chăm chút và rèn luyện những kỹ năng sống lành mạnh từ sớm sẽ là lợi thế giúp trẻ tự tin và nhạy bén trong cuộc sống. Hơn thế, trẻ có thể có đủ bản lĩnh để giải quyết những tình huống bất ngờ xảy đến.

Trong các nội dung giáo dục kỹ năng cho trẻ, có một số kỹ năng được coi là quan trọng, cần thiết nhất phải được trang bị sớm, như các kỹ năng: tự ăn; tự chăm sóc bản thân; ứng xử với mọi người; sắp xếp đồ đạc ngăn nắp; học hỏi, tư duy; nhận biết, phòng tránh nguy hiểm và kỹ năng tự tin nơi đông người…

Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Hạnh, giáo viên Trường Mầm non Trung Lương (Bình Lục) cho biết: Trẻ nhỏ hầu hết đều rất thích tự do khám phá, bắt chước và hoàn toàn có thể làm được các công việc đơn giản, như: đánh răng, vệ sinh cá nhân, tự đi ngủ… Tuy nhiên, để trẻ tự làm những việc này mà không cần hỗ trợ từ người khác vẫn cần sự hỗ trợ, giáo dục để trẻ dần tự xây dựng được nền nếp, tác phong riêng và xa hơn là có được tính độc lập, không dựa dẫm người khác. Đặc biệt, với một số kỹ năng sống có tính giáo dục cao, như ứng xử với mọi người xung quanh hay nhận biết và phòng tránh các nguy hiểm… nếu không có sự hướng dẫn, giáo dục của giáo viên, cha mẹ thì trẻ sẽ không được trang bị đầy đủ các kiến thức, kỹ năng cần thiết.

Trẻ trong giai đoạn mầm non chưa có nhiều nhận thức sâu sắc về mọi thứ diễn ra xung quanh, có thói quen bắt chước, học theo các lời nói, hành động của mọi người, trong đó có cả những thói hư, tật xấu. Để trẻ chủ động học theo, trong các bài học, giáo viên cần hướng dẫn kỹ năng giao tiếp ứng xử cho trẻ, bắt đầu từ những việc cơ bản, như: chào hỏi lễ phép, nhường nhịn… Giáo dục trẻ biết cách ứng xử trong độ tuổi này sẽ giúp trẻ hình thành, rèn luyện sớm kỹ năng giao tiếp để biết cách giao tiếp, biết lắng nghe và truyền tải thông điệp tới người khác một cách đúng mực.

Chú trọng giáo dục kỹ năng sống cho trẻ mầm non
Giáo dục kỹ năng phòng cháy, chữa cháy cho trẻ mầm non ở Trường Mầm non Hai Bà Trưng (thành phố Phủ Lý).

Hay như với những thách thức từ rất nhiều mối nguy cơ ngoài xã hội có thể đe dọa đến sự an toàn của trẻ thì việc dạy cho bé kỹ năng phòng tránh nguy hiểm cũng vô cùng quan trọng. Nhận thức được sự cần thiết của dạy kỹ năng sống cho trẻ mầm non, bên cạnh sự chủ động trong triển khai thực hiện, các trường mầm non trên địa bàn tỉnh còn phối hợp chặt chẽ với cha mẹ học sinh trong việc hợp tác cùng nhà trường tổ chức nhiều hoạt động chính khóa và ngoại khóa một cách hiệu quả.

Trong từng năm học, trên cơ sở phối hợp đó, các nhà trường đã thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu, tập trung tuyên truyền một số kiến thức, kỹ năng cơ bản về phòng, chống xâm hại trẻ em, như: bắt cóc, xâm hại tình dục; các nguyên nhân gây ra cháy nổ, các biện pháp cứu nạn, cứu hộ khi có sự cố cháy nổ xảy ra, cũng như phổ biến cách sử dụng, bảo quản các phương tiện chữa cháy hiện có tại nhà trường. Những hoạt động này thu hút đông đảo trẻ mầm non và cha mẹ trẻ cùng tham gia.

Tại đó, họ không chỉ được cung cấp thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng xử lý, mà còn được trực tiếp thực hiện và xử lý một số tình huống giả định, câu hỏi tình huống có liên quan tới các nội dung tuyên truyền. Các hoạt động này đã tạo không khí sôi nổi, thu hút sự quan tâm tham gia của nhiều khách mời. Các nhà trường còn phối hợp với trạm y tế thực hiện tuyên truyền, phổ biến kiến thức và kỹ năng xử lý các tai nạn, thương tích dễ xảy ra với trẻ em mầm non. Từ công tác tổ chức tuyên truyền, phổ biến các kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em khỏi các hiểm họa, tai nạn đã giúp các nhà trường được tăng cường hơn sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành và nhất là của các bậc cha mẹ học sinh trong việc phòng ngừa, đấu tranh chống các hành vi tiêu cực ảnh hưởng tới nhân phẩm, sức khỏe và tính mạng của trẻ em, góp phần không nhỏ xây dựng trường học an toàn, thân thiện.

Việc giáo dục kỹ năng sống cho trẻ mầm non là một yêu cầu giáo dục, đòi hỏi giáo viên phải xây dựng được các bài dạy với nội dung cụ thể, tỉ mỉ, hướng dẫn trẻ thực hành các kỹ năng một cách thuần thục; chủ động triển khai các hoạt động giáo dục kỹ năng giúp lôi cuốn trẻ vào việc quan sát các hướng dẫn của cô, tạo được sự hấp dẫn cần thiết cho một bài dạy. Nhiều giáo viên đã thể hiện rất tốt năng lực và sự sáng tạo cao trong việc tự thiết kế nội dung bài giảng, kiểm tra kiến thức của trẻ về nội dung bài giảng bằng cách đưa ra các câu đố thơ, câu hỏi có nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, khuyến khích trẻ trả lời; tổ chức nhiều hoạt động tích cực, bổ trợ cho các nội dung giáo dục kỹ năng sống cho trẻ nên chỉ cần qua vài lần hướng dẫn, rất nhanh sau đó nhiều trẻ đã tự thao tác, làm được một số việc đơn giản cho cá nhân và không cần sự hỗ trợ, làm thay của bố mẹ, cô giáo như trước…

Cũng với phương pháp đó, việc dạy các kỹ năng tự tin, mạnh dạn chỗ đông người, dạy trẻ biết lễ phép, dạy kỹ năng bảo vệ môi trường, biết phân biệt và không chơi, nghịch các đồ vật có thể gây nguy hiểm đã trang bị được cho trẻ sự hiểu biết cần thiết, đồng thời hướng dẫn trẻ cách thức ứng dụng sự hiểu biết đó vào thực tế. Qua đó, tạo ra cho trẻ một môi trường học tập tích cực, trẻ được tham gia cùng giáo viên trong mọi hoạt động giáo dục dựa trên nhu cầu, sự hứng thú, cũng như khả năng của trẻ. Việc dạy kỹ năng sống cho trẻ không cứng nhắc, bó hẹp trong một khuôn mẫu, mà được thực hiện thông qua rất nhiều hoạt động, như: vui chơi, sinh hoạt hằng ngày, nghe kể chuyện, xem phim và các hoạt động sáng tạo khác. Đồng thời, phải để trẻ tự trải nghiệm, chủ động áp dụng những điều cô giáo dạy vào từng nội dung bài học, phát huy sự linh hoạt, sáng tạo cá nhân và biết học hỏi, đoàn kết với các bạn, làm tốt các yêu cầu của bài học.

Thanh Hà

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.