Chủ động phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm thời điểm giao mùa

Giao mùa đông-xuân là thời gian cao điểm của các loại dịch bệnh truyền nhiễm. Giao mùa đông-xuân năm nay càng phải chú ý hơn vì dịch Covid-19 vẫn còn nhiều nguy cơ và một số loại dịch bệnh truyền nhiễm đáng lo ngại trên thế giới đã xuất hiện ở Việt Nam. Hầu hết các loại bệnh truyền nhiễm đều đã có vắc - xin và cùng với việc giữ vệ sinh, ăn uống khoa học để tăng sức đề kháng thì việc tiêm vắc - xin phòng, chống bệnh một cách chủ động vẫn luôn là giải pháp hữu hiệu nhất.

Bác sỹ Vũ Thị Lan, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nam cho biết: Thời điểm giao mùa đông-xuân thường có các loại dịch bệnh truyền nhiễm đường hô hấp, đường tiêu hóa, như sởi, rubella, cúm, ho gà, quai bị, chân-tay-miệng, thủy đậu, tiêu chảy,... Mùa đông-xuân cũng là đỉnh điểm của bệnh cúm. Mới đầu mùa đông nhưng thời gian qua có khá nhiều người mắc cúm B, vi - rút Adeno. Cúm B gây ra các triệu chứng rất khó chịu như sốt, ớn lạnh, viêm họng, ho, sổ mũi và hắt hơi, mệt mỏi, đau mỏi khắp người. Cúm B có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng với những người có sức đề kháng yếu, có bệnh nền mạn tính. Ví dụ phụ nữ mang thai mắc cúm B có thể sinh non hoặc sảy thai. Trẻ em dưới 5 tuổi và người già mắc bệnh nền có thể bị biến chứng gây ra các bệnh liên quan đến tim, phổi, thận,... Người bị suy giảm miễn dịch nếu mắc cúm B có thể bị viêm tai giữa, viêm phổi, viêm não, suy hô hấp... Nhiễm vi - rút Adeno có thể gây bệnh ở nhiều cơ quan khác nhau như: mắt, đường hô hấp hay tiêu hóa,... Với các các cơ quan thuộc đường hô hấp, dễ bị nhất là viêm họng cấp, viêm họng kết mạc, viêm đường hô hấp cấp, viêm phổi. Bệnh có thể khiến cho phổi bị tổn thương kéo dài, để là di chứng và nguy hiểm hơn có thể khiến cho người bệnh bị tử vong.

Chủ động phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm thời điểm giao mùa
Cho trẻ uống vắc - xin ở Phòng tiêm chủng Tâm An-Hà Nam (TP Phủ Lý). Ảnh: Yên Chính

Bệnh tay-chân-miệng tuần qua trên địa bàn tỉnh vẫn ghi nhận 01 trường hợp mắc mới có địa chỉ tại xã Đồn Xá, huyện Bình Lục điều trị bệnh tại Bệnh viện Nhi tỉnh Nam Định. Từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 144 trường hợp mắc bệnh tay-chân-miệng.

Hiện tại có một vấn đề đáng lo ngại, từ tháng 7/2022 đến nay do thiếu nguồn cung nên chương trình tiêm chủng mở rộng trên toàn quốc không có vắc - xin phòng bệnh sởi. Toàn bộ trẻ em đến tuổi tiêm phòng loại vắc - xin này 5 tháng qua đều chưa được tiêm (trừ một số rất ít trẻ em ở TP Phủ Lý tiêm dịch vụ), dẫn đến lo ngại về việc có thể bùng phát dịch sởi. Hiện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh giám sát rất kỹ, các ca bệnh sốt phát ban đều lấy mẫu để có thể phát hiện sớm nếu có ca bệnh mắc sởi trong cộng đồng nhằm triển khai các biện pháp ứng phó.

Một dịch bệnh truyền nhiễm nữa cần hết sức lưu ý, đó là cúm gia cầm lây sang người. Mùa đông-xuân không những điều kiện thời tiết dễ lây lan dịch bệnh này mà đây cũng là thời điểm người dân vận chuyển, tiêu thụ gia cầm nhiều nhất để phục vụ Tết, lễ hội nên nguy cơ lây nhiễm bệnh càng cao. Thời gian vừa qua đã có ca nhiễm cúm gia cầm (cúm A/H5) ở Phú Thọ do lây từ gia cầm nuôi trong gia đình. Dịch bệnh này do gia cầm bị bệnh và lây sang người, khi bị mắc rất nguy hiểm bởi bệnh tiến triển nhanh, nguy cơ tử vong cao nếu đến viện muộn.

Giao mùa đông-xuân cũng là thời điểm rất dễ lây lan và mắc Covid-19. Ngoài yếu tố về thời tiết, đây là mùa của Tết và lễ hội, thường xuyên diễn ra các hoạt động gặp gỡ, tập trung đông người, dễ lây lan dịch bệnh. Bác sỹ Vũ Thị Lan, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Thời gian qua Covid-19 được khống chế, ít người mắc và nếu mắc cũng bị nhẹ là nhờ chủ trương phủ vắc - xin. Hiện tại vẫn có lo ngại về việc phát sinh các biến thể mới, rồi suy giảm miễn dịch sau một thời gian tiêm. Vì thế cần phải tiếp tục tiêm vắc - xin để bảo đảm đủ liều, đủ các mũi tăng cường theo khuyến cáo của ngành y tế với từng độ tuổi, nhóm đối tượng. Với Hà Nam tỷ lệ tiêm các mũi, các nhóm đối tượng đều ở mức trung bình của toàn quốc. Mũi 3 ở người 18 tuổi trở lên mới đạt trên 80%, trong khi đó để đạt miễn dịch cộng đồng phải đạt 95%. Tỷ lệ tiêm mũi 3 cho trẻ từ 12-17 tuổi mới đạt trên 65%; mũi 2 cho trẻ từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi mới đạt gần 74%.

Theo Bác sỹ Vũ Thị Lan, hầu hết các bệnh truyền nhiễm đều đã có vắc - xin phòng bệnh. Vì thế tiêm đầy đủ vắc - xin là một trong những biện pháp cốt lõi nhất trong phòng, chống bệnh chủ động. Người dân có con em trong độ tuổi cần cho trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch theo chương trình tiêm chủng mở rộng. Một số loại vắc - xin cúm mùa và một số loại bệnh truyền nhiễm khác cũng được cung ứng khá phổ biến ở các điểm tiêm chủng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của người dân. Riêng với Covid-19, với những người chưa tiêm đủ mũi và không chống chỉ định cần phải tiêm ngay để bảo vệ sức khỏe của mình và cộng đồng. Ngoài ra, mọi người cũng cần thực hiện vệ sinh sạch sẽ, tạo sự thông thoáng nơi ở, nơi làm việc. Bảo đảm dinh dưỡng khoa học, ăn chín, uống sôi, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, thực hiện 2K...

Đỗ Hồng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.