BHXH tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động khó khăn do dịch Covid-19 theo NQ 68 của Chính phủ

Để góp phần tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị, doanh nghiệp, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với đại dịch Covid-19, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh đã nỗ lực đồng hành với người lao động (NLĐ), doanh nghiệp vượt qua thời điểm khó khăn hiện nay.

Theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện một số chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, có 3 chính sách liên quan trực tiếp đến ngành BHXH gồm: giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho NLĐ. 

BHXH tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp  người lao động khó khăn do dịch Covid19
Công nhân Công ty TNHH Dệt may Nga Thành, xã Tiến Thắng (Lý Nhân) trong giờ làm việc.

Nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho NLĐ, người sử dụng lao động tiếp cận và thụ hưởng các chính sách hỗ trợ, bám sát chỉ đạo, hướng dẫn của BHXH Việt Nam, BHXH tỉnh đã huy động toàn bộ cán bộ, viên chức của Phòng Thu và BHXH các huyện, thị xã tập trung rà soát các đối tượng. Cử cán bộ trực tiếp hướng dẫn cho các đơn vị có số lao động lớn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, bảo đảm các doanh nghiệp, đơn vị, NLĐ được kịp thời thụ hưởng các chính sách hỗ trợ theo quy định để từ đó có thêm điều kiện để phục hồi và duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. 

Với phương châm giải quyết nhanh chóng, kịp thời, công khai, minh bạch, chính xác, đúng người hưởng, BHXH tỉnh đã chỉ đạo BHXH các huyện, thị xã khẩn trương gửi thông báo số tiền tạm tính giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp 12 tháng (từ  1/7/2021 đến 30/6/2022) đến 3.041 đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh. Tháng 7/2021, BHXH tỉnh đã triển khai thực hiện điều chỉnh mức đóng 0% vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và tính số tiền tạm tính được giảm trong 12 tháng (từ ngày 1/7/2021 đến 30/6/2022) cho 2.733 đơn vị, với 116.832 lao động, số tiền giảm tương ứng là trên 2,9 tỷ đồng. Lũy kế đến ngày 31/8/2021, BHXH tỉnh đã thực hiện giảm thu bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp cho 2.843 đơn vị với 120.361 lao động, số tiền giảm tương ứng là trên 5,9 tỷ đồng. 

Công ty TNHH May Kim Bình (TP Phủ Lý) là một trong những đơn vị đã được hỗ trợ giảm mức đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo Nghị quyết 68 và Quyết định 23. Lãnh đạo công ty chia sẻ, công ty chuyên sản xuất sản phẩm may mặc xuất khẩu sang thị trường châu Âu, hiện có trên 1.500 lao động làm việc tại 2 cơ sở. Dịch Covid-19 kéo dài đã tác động không nhỏ đến tình hình sản xuất kinh doanh của công ty, gây khó khăn nhất là về phần nhập nguyên liệu, hiện công ty mới chỉ có đơn hàng thực hiện đến tháng 10/2021. Căn cứ vào Nghị quyết 68 và Quyết định 23, công ty đã được BHXH tỉnh gửi thông báo và hướng dẫn các thủ tục để được hỗ trợ giảm đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ 1/7/2021 đến  30/6/2022 là trên 30 triệu đồng/tháng. Số tiền tuy không quá lớn, nhưng cũng là giải pháp thiết thực giúp công ty giảm bớt một phần khó khăn trong thời điểm này để duy trì hoạt động sản xuất, bảo đảm đời sống cho NLĐ.
Huyện Lý Nhân hiện có 224 doanh nghiệp vừa và nhỏ với trên 4.390 lao động. Đến nay, tất cả các doanh nghiệp đều đã được thực hiện giảm đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp với số tiền là trên 1 tỷ đồng. Anh Trần Tiến Thành, Giám đốc Công ty TNHH Dệt may Nga Thành, xã Tiến Thắng (Lý Nhân) cho biết: Hiện công ty có khoảng 200 lao động. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động sản xuất của công ty gặp nhiều khó khăn, hiện đang hoạt động cầm chừng, đơn hàng cũng mới chỉ nhận được đến giữa tháng 9/2021. Việc được giảm 12 tháng đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp giúp chúng tôi giảm một phần chi phí, có điều kiện hỗ trợ NLĐ phòng chống dịch.

Cùng với việc thực hiện giảm đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp cho các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh, thực hiện Nghị quyết 68 và Quyết định 23, tính đến ngày 31/8/2021, BHXH tỉnh đã xác nhận cho 5 đơn vị đề nghị hỗ trợ đối với 61 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương; đã xác nhận cho 6 đơn vị đề nghị hỗ trợ 259 lao động ngừng việc; đã xác nhận cho 6 đơn vị với 1.337 lao động bao gồm NLĐ, NLĐ được người sử dụng lao động đề nghị vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất. Riêng việc thực hiện hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, chưa có đơn vị nào đề nghị thực hiện hỗ trợ này. 

Theo đánh giá của Phó Giám đốc BHXH tỉnh Đỗ Quốc Hòa, Nghị quyết 68 và Quyết định 23 là giải pháp cấp thiết nhằm hỗ trợ NLĐ, doanh nghiệp vượt qua khó khăn của dịch bệnh, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, ngay sau khi có hướng dẫn của BHXH Việt Nam, BHXH tỉnh chỉ đạo phòng chuyên môn và BHXH các huyện, thị xã khẩn trương thực hiện ngay các nội dung công việc bảo đảm công khai, minh bạch, chính xác, đúng đối tượng. Từ nay đến cuối năm, BHXH tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương này đến các doanh nghiệp, hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp khi có nhu cầu nhận hỗ trợ theo nghị quyết. Đồng thời, phối hợp với các ngành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện, bảo đảm quyền lợi của người dân, doanh nghiệp.

Với vai trò là cơ quan tổ chức thực hiện chính sách BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, BHXH tỉnh đã và đang nỗ lực góp phần tháo gỡ khó khăn cho đơn vị, doanh nghiệp, NLĐ, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với đại dịch Covid-19 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Hải Yến

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.