Chương trình “1 triệu sáng kiến”: Phát huy trí tuệ người lao động

Tiếp nối thành công của Chương trình “75 nghìn sáng kiến, vượt khó, phát triển” trong Tháng Công nhân năm 2021, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tiếp tục tổ chức Chương trình “1 triệu sáng kiến nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng dịch Covid-19” (gọi tắt là chương trình “1 triệu sáng kiến”). Thực hiện chương trình, LĐLĐ tỉnh đặt mục tiêu trong năm 2022 và 2023 đóng góp ít nhất 12.000 sáng kiến trong công tác phòng, chống dịch; phát triển sản xuất kinh doanh, tăng năng suất lao động và đổi mới tổ chức, hoạt động công đoàn. 

Chương trình “1 triệu sáng kiến” Phát huy trí tuệ người lao động
Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH CU-Tech Việt Nam (KCN Hòa Mạc). Ảnh: Tiến Đoàn

Cụ thể, phấn đấu đưa 3.780 sáng kiến vào ứng dụng trong giai đoạn 1 từ ngày 1/9/2021 đến ngày 31/5/2022, thiết thực hưởng ứng Tháng Công nhân năm 2022. Giai đoạn 2 từ tháng 6/2022 đến tháng 9/2023, chào mừng kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc và Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII, phấn đấu đạt 8.841 sáng kiến. Để chương trình đạt hiệu quả, ngay từ đầu năm, LĐLĐ tỉnh đã xây dựng, ban hành kế hoạch và triển khai phát động thi đua trong toàn hệ thống công đoàn tỉnh và công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ), quyết tâm cùng công đoàn cả nước hoàn thành thắng lợi mục tiêu 1 triệu sáng kiến mà Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đề ra. 

Tính đến ngày 19/4, Hà Nam là địa phương có số lượng sáng kiến đứng thứ 11 toàn quốc với 3.964 lượt nộp sáng kiến, trong đó nhiều sáng kiến có giá trị làm lợi cao. LĐLĐ huyện Lý Nhân hiện là đơn vị dẫn đầu về sáng kiến với 1.397 sáng kiến, đạt 627% chỉ tiêu giao; Công đoàn ngành Giáo dục 621 sáng kiến, đạt 887% chỉ tiêu giao; LĐLĐ thị xã Duy Tiên, huyện Kim Bảng và TP Phủ Lý đều đã đạt từ 125% đến hơn 350% chỉ tiêu giao. 

Để đạt được kết quả trên, các cấp công đoàn đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, cán bộ, CNVCLĐ các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nỗ lực vượt khó, đổi mới, sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả công tác, phấn đấu hoàn thành xuất sắc và toàn diện các nhiệm vụ của đại hội công đoàn các cấp và Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII. 

Ưu tiên nhiệm vụ phòng, chống dịch, chăm lo đời sống, việc làm cho người lao động (NLĐ) và đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Gắn phong trào thi đua yêu nước với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Bên cạnh đó, theo dõi sát sao, thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn các công đoàn cơ sở, đoàn viên đăng ký cập nhật các ý tưởng, sáng kiến tham gia trên phần mềm trực tuyến. Thành lập các nhóm zalo của các cấp công đoàn để nắm bắt kịp thời số lượng sáng kiến. Định kỳ tổ chức hội nghị giao ban với chủ tịch công đoàn cấp trên cơ sở để rà soát, đánh giá kết quả thực hiện chương trình theo từng tháng và cả giai đoạn.

Chương trình “1 triệu sáng kiến” Phát huy trí tuệ người lao động
Công nhân Công ty cổ phần Elmich (Bình Lục) luôn chú trọng phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật giúp tăng năng suất, giảm chi phí, bảo đảm an toàn lao động.

Thông tin về việc triển khai phong trào thi đua tại cơ sở, chị Nguyễn Kim Toàn, Trưởng phòng Nhân sự, Công ty cổ phần Elmich (huyện Bình Lục) cho biết: Công ty hiện có 330 lao động, thu nhập bình quân từ 7-10 triệu đồng/tháng. Cùng với quan tâm chăm lo quyền lợi, phúc lợi của NLĐ, Ban lãnh đạo công ty rất chú trọng phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của cán bộ, nhân viên, NLĐ; đây là nhiệm vụ thường xuyên của đơn vị. Mỗi tháng, công ty đặt mục tiêu có từ 3-5 sáng kiến đề xuất, trong đó 1-2 sáng kiến được áp dụng vào thực tế. Công ty thành lập ban KAIZEN do phó giám đốc phụ trách sản xuất làm trưởng ban. Hằng tháng, các sáng kiến của NLĐ đề xuất lên sẽ được ban xem xét và phê duyệt các sáng kiến, cải tiến có tính khả thi. Các sáng kiến có giá trị sẽ được khen thưởng, vinh danh theo hiệu quả của sáng kiến.

Từ thực tế cho thấy, hoạt động cải tiến đã góp phần tăng năng suất, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất. Có nhiều sáng kiến mang lại lợi ích về giá trị kinh tế, bảo đảm an toàn lao động, và cũng có sáng kiến có giá trị về mặt tinh thần. Năm 2021, công ty nhận được 50 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của NLĐ, một nửa trong số đó được áp dụng vào sản xuất. Riêng tháng 3, tháng 4, mỗi tháng có 10 sáng kiến được đưa ra. Từ đầu năm 2022 đến nay, công ty nhận được 25 đề xuất, sáng kiến của NLĐ, nhiều sáng kiến được áp dụng nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất. 

Gần 5 năm làm việc tại Công ty cổ phần Elmich, anh Nguyễn Văn Nghĩa rất hài lòng với môi trường làm việc, các chế độ đãi ngộ của công ty. Từ đó, anh luôn cố gắng tìm tòi, phát hiện đưa ra các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật từ chính những thao tác, công đoạn sản xuất hằng ngày. Anh Nghĩa đã có 3 sáng kiến được áp dụng góp phần rút ngắn thời gian chờ, tăng năng suất của máy; tiết kiệm vật tư; giảm chi phí… Trong đó, đáng chú ý là đề tài cải tiến hành trình máy cắt 80t cắt phôi đáy hàn và cắt táp có giá trị làm lợi trên 300 triệu đồng, góp phần giảm thời gian thao tác, bảo đảm an toàn khi cho tay vào lấy sản phẩm, tăng năng suất. Với sáng kiến này, anh Nghĩa đã được tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh. Cùng với anh Nghĩa, năm 2021, Công ty cổ phần Elmich có 4 sáng kiến được UBND tỉnh, LĐLĐ tỉnh, LĐLĐ huyện Bình Lục khen thưởng.

Anh Nghĩa chia sẻ: Hoạt động cải tiến không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp mà bản thân NLĐ cũng nhận được rất nhiều. Đó là tiết kiệm sức lao động, điều kiện làm việc an toàn hơn. Đặc biệt, với sáng kiến được áp dụng, NLĐ được biểu dương và khen thưởng xứng đáng, tạo động lực rất lớn để bản thân mỗi người không ngừng cố gắng tìm tòi, phát hiện, sáng tạo mỗi ngày để năng suất cao hơn, hiệu quả hơn.

Theo đánh giá của Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Phạm Thị Thu Giang, Chương trình “1 triệu sáng kiến” là phong trào thi đua có ý nghĩa quan trọng, nhất là trong thời điểm cả nước đang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, từng bước khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội. Thông qua chương trình cũng giúp thay đổi quan niệm về sáng kiến. CNVCLĐ có thể không có trình độ cao về học vấn, nhưng trong quá trình sản xuất họ say mê tìm tòi, sáng tạo, đưa ra nhiều ý tưởng, giải pháp nhằm giảm bớt quy trình, tiết kiệm nguyên vật liệu, hạ giá thành sản phẩm… góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, thu nhập NLĐ từ đó tăng lên, cơ hội việc làm sẽ tốt hơn. Tại Lễ phát động Tháng Công nhân 2022, LĐLĐ tỉnh sẽ biểu dương, khen thưởng 3 tập thể và 11 cá nhân có thành tích xuất sắc tham gia chương trình “1 triệu sáng kiến”, tạo sự khích lệ, động viên kịp thời.

Hoàng Hải

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.