Qua miền Tây Bắc - Bài ca “đi cùng năm tháng”

Trong số những ca khúc nổi tiếng về kháng chiến chống Pháp, đỉnh cao là Chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954 và Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 có một ca khúc “đi cùng năm tháng” của nhạc sĩ quê hương Hà Nam - nhạc sĩ Nguyễn Thành (*) mang tên “Qua miền Tây Bắc”.

Đã tròn 70 năm kể từ khi ra đời, song hành cùng nhiều giai đoạn lịch sử cách mạng, tác phẩm “Qua miền Tây Bắc” của nhạc sĩ Nguyễn Thành càng chứng tỏ sức sống mãnh liệt bởi âm hưởng lịch sử hào hùng nhưng rất đỗi trữ tình và mang đậm tinh thần lạc quan phơi phới ẩn chứa trong mỗi ca từ, khuôn nhạc.

Nhạc sĩ Nguyễn Thành (1931-2002) tham gia Phân đội Thiếu sinh quân Vệ quốc đoàn ngay trong ngày Cách mạng Tháng Tám thành công ở Hà Nội- ngày 19/8/1945. Mùa xuân năm 1947, là đội viên Đội Võ trang tuyên truyền Tây Tiến liên quân Việt - Lào, nhạc sĩ Nguyễn Thành tự hào là người lính được đứng dưới lá cờ vẻ vang của Sư đoàn Quân tiên phong, đơn vị lực lượng vũ trang lừng danh của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng đã từng in dấu chân trên khắp các mặt trận của chiến trường Tây Bắc huyền thoại với những địa danh lịch sử: Ngã ba Cò Nòi, đèo Pha Đin, đèo Khâu Vai, lòng chảo Điện Biên... 

Năm 1952, khi mới bước sang tuổi 22, chàng vệ quốc quân có chút năng khiếu âm nhạc Nguyễn Thành cùng đồng đội trong đơn vị đầu đội mũ nan bọc lưới, chân đi dép lốp bốn quai, lá ngụy trang xanh trên lưng áo bạc màu hăm hở hành quân theo những nẻo đường chiến dịch khắp vùng Tây Bắc. Cùng với khẩu súng thép và chiếc ba lô, trên vai “cây văn nghệ” Nguyễn Thành luôn có thêm cây đàn măng-đô-lin đã cũ. Trong một đêm bầu trời đầy sao, trên chặng đường hành quân cơ động đi giải phóng Nghĩa Lộ (Yên Bái), Nà Sản (Sơn La), đơn vị ngủ lại nơi đỉnh đèo Khâu Vai, cái lạnh buốt của khí hậu miền sơn cước khiến Nguyễn Thành không sao chợp mắt. Trở dậy, trầm ngâm một mình bên bếp lửa, tâm hồn nhạy cảm của chàng vệ quốc quân có chút năng khiếu nghệ thuật Nguyễn Thành dường như có dịp cảm nhận sâu sắc hơn khí thế thiêng liêng, tự hào của cuộc kháng chiến, cảm nhận sâu sắc hình ảnh hùng vĩ, điệp trùng của núi rừng Tây Bắc với bao đèo cao, suối sâu, bản làng luôn quyện hòa cùng tiếng nhạc ngựa, nếp áo thêu hoa và tiếng khèn mời gọi dưới những đêm trăng trữ tình... 

Qua miền Tây Bắc  Bài ca “đi cùng năm tháng”
Di tích Đồi A1, nơi diễn ra trận đánh khốc liệt nhất của Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Ảnh: TTXVN

Những cảm nhận sâu sắc cùng chút ngẫu hứng xuất thần chợt đến đã giúp Nguyễn Thành cùng mẩu bút chì và mảnh giấy nhỏ ký âm nên những ca từ, giai điệu tuyệt vời “để đời” của nhạc phẩm “Qua miền Tây Bắc”. Và rồi, cũng trong cái đêm đầy sao buốt lạnh nơi đỉnh đèo Khâu Vai ấy, cùng với cây đàn măng-đô-lin luôn mang theo bên mình, Nguyễn Thành nhè nhẹ dạo nên những thanh âm huyền diệu đầu tiên của tuyệt phẩm “Qua miền Tây Bắc”: "Qua miền Tây Bắc, núi vút ngàn trùng xa/Suối sâu đèo cao, bao khó khăn ta vượt qua/Bộ đội ta vâng lệnh Cha già/Về đây giải phóng quê nhà/Về đây giải phóng quê nhà/Đất nước miền Tây Bắc đau thương/Từ bao lâu dưới ách loài giặc tàn ác/Quân với dân một lòng không phân biệt xuôi ngược/Cùng đồng tâm tiêu diệt hết quân thù"... 

Sáng sớm hôm sau, tỉnh dậy bởi tiếng đàn và tiếng hát tập vô cùng hào hứng của đồng đội, Nguyễn Thành vô cùng bất ngờ và dường như lặng người đi bởi sự cuốn hút mạnh mẽ trong giai điệu, lời ca ngân lên từ “Qua miền Tây Bắc”- đứa con tinh thần mà mình vừa tạo tác đêm qua. “Qua miền Tây Bắc” ngay sau đó rất nhanh chóng được lan truyền rộng rãi trong các đơn vị bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến... bởi giai điệu, ca từ vừa mang âm hưởng hùng tráng, tự hào, vừa phơi phới tinh thần lạc quan, trữ tình cách mạng: "Qua miền Tây Bắc ta phá đồn giặc tan/Nương lúa xanh về ta vui sống trong tự do, miền rừng núi hướng về Bác Hồ/Từ đây giải phóng quê nhà/Chiến thắng miền Tây Bắc hân hoan một niềm vui, thoát ách loài giặc tàn ác/Tay nắm tay vui mừng không phân biệt xuôi ngược, cùng dựng xây tươi đẹp nước non nhà".

Khi viết “Qua miền Tây Bắc”, nhạc sĩ Nguyễn Thành mới chỉ biết sơ qua về nhạc lý, ký xướng âm, nhưng vượt lên trên những yếu tố về kỹ thuật, thủ pháp sáng tác, “cây văn nghệ” của Sư đoàn Quân Tiên phong lại có một nguồn cảm xúc dào dạt quyện hòa cùng một ngọn lửa của tuổi trẻ đang cháy bỏng lý tưởng giải phóng quê hương, do vậy nhạc phẩm của ông đã tạo nên thành công bất ngờ. Thêm vào đó, với thời lượng ngắn gọn, khúc thức đơn giản, lại thuộc thể ca khúc quần chúng, dễ hát, dễ ghi nhớ, phù hợp với nhiều tầng lớp, lứa tuổi, ngành, giới… nên “Qua miền Tây Bắc” phổ biến nhanh, rất  phù hợp với hình thức sinh hoạt tập thể, tuyên truyền, cổ vũ, động viên tinh thần bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến. 

Chính bởi thế, trong suốt giai đoạn 1952 - 1954; đỉnh cao là Chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954 và Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, người nhạc sĩ - vệ quốc quân trẻ tuổi Nguyễn Thành vô cùng hạnh phúc khi chứng kiến bài hát “Qua miền Tây Bắc” của mình lan tỏa ngày càng sâu rộng vào thực tế cuộc sống chiến đấu, lao động, sinh hoạt của đồng đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến… ở hầu khắp mặt trận vùng Tây Bắc. Đặc biệt, năm 1953, chàng nhạc sĩ - vệ quốc quân trẻ tuổi Nguyễn Thành được cùng phái đoàn Việt Nam tham dự Liên hoan Thanh niên và Sinh viên thế giới lần thứ nhất (tổ chức tại Thủ đô Bucharest, Rumani). Tại đây, nhạc sĩ Nguyễn Thành đã cùng một nữ nghệ sĩ song ca bài "Qua miền Tây Bắc”. Sau đó, khi trở về, nhạc sĩ Nguyễn Thành còn có dịp may mắn cùng với anh em đội văn nghệ của Sư đoàn hát “Qua miền Tây Bắc” cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các cán bộ cấp cao thuộc Bộ Chỉ huy Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ nghe tại Sở Chỉ huy chiến dịch Mường Phăng.

Sau Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, hòa bình lập lại ở miền Bắc, nhạc sĩ Nguyễn Thành về học Khoa Sáng tác âm nhạc, Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia). Giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhạc sĩ Nguyễn Thành là Trưởng đoàn Văn công Trường Sơn 559, sau đó là Biên tập viên âm nhạc, Đài Tiếng nói Việt Nam cho đến khi nghỉ hưu. Sau tác phẩm để đời “Qua miền Tây Bắc”, nhạc sĩ Nguyễn Thành sáng tác một số tác phẩm âm nhạc nổi tiếng khác: “Tôi không muốn nòng súng bốc khói”, “Cảm xúc Tháng Mười”, “Ngọn lửa Nghệ Tĩnh” (viết cùng Lương Ngọc Trác và Huy Thục)…

Suốt 70 năm, trải qua nhiều giai đoạn, nhiều sự kiện lịch sử cách mạng tiêu biểu, ca khúc “Qua miền Tây Bắc” của nhạc sĩ Nguyễn Thành đã thể hiện sức sống mãnh liệt trong tâm thức nhiều thế hệ công chúng yêu âm nhạc Việt Nam. Mỗi khi nhớ lại Chiến cuộc Đông Xuân 1953- 1954 mà đỉnh cao là Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu”, cùng với các ca khúc: "Chiến thắng Điện Biên", "Hành quân xa", "Trên đồi Him Lam" (của Đỗ Nhuận), "Hò kéo pháo" (của Hoàng Vân), công chúng yêu âm nhạc Việt Nam lại say sưa hòa đồng cùng âm hưởng ngân lên từ tuyệt phẩm "Qua miền Tây Bắc" của nhạc sĩ quê hương Hà Nam - Nguyễn Thành.                   

___________________
(*) Nhạc sĩ Nguyễn Thành tên thật là Nguyễn Văn Thành, quê ở thị trấn Kiện Khê, Thanh Liêm; tác phẩm: “Cảm xúc Tháng Mười” (Nhà xuất bản Văn hóa 1981); “Bên chân Cầu Kiệu” (Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh 1982); “Tuyển chọn ca khúc Nguyễn Thành”; “Qua miền Tây Bắc” (Nhà xuất bản Âm nhạc, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, 1995); “Từ mùa thu ấy” (Đài Truyền hình Việt Nam, 1996). Được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học- Nghệ thuật đợt I, năm 2007.

Thế Vĩnh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.