Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật dẫn đầu ở Giải thưởng sách quốc gia

Giành tới 4 giải thưởng trong tổng số 27 giải, trong đó có 1 giải A, 1 giải B, 2 giải C, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật - vốn thường được biết tới với những cuốn sách kén độc giả - dẫn đầu tại Giải thưởng sách quốc gia 2019.

Đại diện nhóm tác giả và nhà xuất bản nhận giải A Giải thưởng sách quốc gia năm 2019 - Ảnh: T.ĐIỂU

Lễ trao giải được Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức vào tối 26-12 tại Hà Nội.

Không chia ra hai hạng mục Sách hay và Sách đẹp như lần tổ chức đầu tiên, năm nay Giải thưởng sách quốc gia chỉ trao các giải A, B, C. Với 5 lĩnh vực, ban tổ chức chỉ chọn 2 bộ sách thuộc hai lĩnh vực để trao giải A, đều là những công trình khoa học đồ sộ, được thực hiện trong nhiều năm, của nhiều tác giả lớn.

Bộ sách "Động vật chí Việt Nam" và "Thực vật chí Việt Nam" giành giải A Giải thưởng sách quốc gia năm 2019 - Ảnh: T.ĐIỂU

Đó là bộ sách Động vật chí Việt Nam (từ tập 26 đến tập 31) và Thực vật chí Việt Nam (từ tập 12 đến tập 21) của tập thể 24 tác giả, do Nhà xuất bản Khoa học tự nhiên và Công nghệ phát hành.

Bộ sách là những tài liệu cơ bản về khu hệ động thực vật Việt Nam, được coi là tài liệu chính thống, để sử dụng vào nghiên cứu, giải dạy, phục vụ cho việc khai thác hợp lý và bảo vệ nguồn lợi sinh vật, tính đa dạng sinh học của Việt Nam.

Đây là những tài liệu được tập hợp, biên soạn trên cơ sở những nghiên cứu nhiều năm của nhiều tác giả trong và ngoài nước.

Bộ sách "Vùng đất Nam Bộ - Quá trình hình thành và phát triển" do cố GS Phan Huy Lê là tổng chủ biên, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật ấn hành giành giải A Giải thưởng sách quốc gia năm 2019 - Ảnh: T.ĐIỂU

Bộ sách thứ hai đạt giải A là bộ sách Vùng đất Nam Bộ - Quá trình hình thành và phát triển (gồm 2 tập tổng quan và 10 tập chuyên khảo sâu), do tập thể tác giả là các nhà sử học có uy tín biên soạn, cố GS Phan Huy Lê là tổng chủ biên, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật ấn hành.

Bộ sách được phát triển từ đề án khoa học xã hội cấp nhà nước, do bộ Khoa học và công nghệ chủ trì, được thực hiện từ 2008 đến 2010, có tên Quá trình hình thành và phát triển vùng đất Nam bộ.

Đây là công trình nghiên cứu khoa học công phu, nghiêm túc, có giá trị khoa học, xã hội và thực tiễn cao. Công trình nghiên cứu sâu rộng và toàn diện lịch sử vùng đất Nam Bộ, từ điều kiện tự nhiên, cội nguồn vùng đất từ thời tiền sử đến đặc trưng văn hóa, văn minh Óc Eo, đất nước Phù Nam khi xưa…, từ thế kỷ VII đến thế kỷ XVI; từ thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XIX với công cuộc khai phá, xác lập chủ quyền Việt Nam trên vùng đất Nam Bộ; tiếp đến là lịch sử từ năm 1859 đến năm 1945, và đến năm 2010...

Trước đó, năm 2017, bộ sách này đã được trao Giải thưởng khoa học Trần Văn Giàu.

Trong số 27 cuốn sách, bộ sách được trao giải năm nay, có tới 4 cuốn sách liên quan tới mỹ thuật, đặc biệt là mỹ thuật truyền thống, đã được trao giải, gồm: Leonardo Da Vinci của Walter Isaacson, NXB Thế giới; Phác họa Nghê - gã linh vật bên rìa (Nhìn từ đền Vua Đinh, Vua Lê) của Trần Hậu Yên Thế (chủ biên), Nguyễn Đức Hòa, Hồ Hữu Long, NXB Thế giới; Các cấu trúc tinh thần của nghệ thuật của tác giả Vũ Hiệp; NXB Mỹ thuật; Tranh dân gian Việt Nam sưu tầm và nghiên cứu của tác giả Maurice Durand, Nguyễn Thị Hiệp và Olivier Tessier dịch và giới thiệu; NXB Văn hóa - Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngoài Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật giành 4 giải thưởng, một số nhà xuất bản cùng giành 2-3 giải thưởng, như Nhà xuất bản Kim Đồng giành 2 giải B, Nhà xuất bản Khoa học tự nhiên và Công nghệ giành 1 giải A và 1 giải B, Nhà xuất bản Thế giới giành 1 giải B và 2 giải C; Nhà xuất bản Trẻ giành 1 giải B và 1 giải C, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam giành 1 giải B và 2 giải C…

Theo tuoitre.vn

Quyết Thành

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.