Huyện Bình Lục kỷ niệm 110 năm ngày mất nhà thơ Nguyễn Khuyến

Sáng 19/2, tức ngày Rằm tháng Giêng, tại Từ đường Nguyễn Khuyến, thôn Vị Hạ, xã Trung Lương, UBND huyện Bình Lục đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 110 năm ngày mất của nhà thơ Nguyễn Khuyến. Dự lễ kỷ niệm có đồng chí Lê Thị Thanh Hà, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực HĐND tỉnh.


Các đại biểu nghe diễn văn kỷ niệm, nhắc nhớ lại cuộc đời và sự nghiệp của nhà thơ  Nguyễn Khuyến

Hàng nghìn người đến dự lễ kỷ niệm chủ yếu là học sinh các trường trên khu vực huyện Bình Lục, thầy và trò trường THPT Nguyễn Khuyến (Hải Phòng). Trong không khí trang nghiêm, thành kính, các đại biểu, cán bộ, nhân dân, các thầy cô giáo và các em học sinh đã nghe diễn văn lễ kỷ niệm do lãnh đạo huyện Bình Lục trình bày, nêu bật cuộc đời và sự nghiệp văn chương, khoa cử của nhà thơ Nguyễn Khuyến.

 

Ông sinh năm 1835,  trong một gia đình nhà nho nghèo. Thuở nhỏ, Nguyễn Khuyến có tên gọi là Nguyễn Thắng, tư chất thông minh, văn chương chữ nghĩa sắc sảo, nhưng lận đận trong con đường khoa nghiệp. Sau ba mươi năm học hành thi cử, Nguyễn Khuyến đã đỗ đầu 3 kỳ thi: Thi Hương, Thi Hội, Thi Đình, sau đó được bổ nhiệm làm quan triều đình Huế, nên gọi là Tam Nguyên Yên Đổ.

Mặc dù làm quan nhưng Nguyễn Khuyến luôn đau đáu nỗi lòng về vận nước, ông dành tình cảm cho dân, bất lực trước những oan trái, loạn thời của triều đình Nguyễn khi chấp nhận làm nô lệ cho thực dân.

Tham gia chính sự trong thời gian 10 năm,  làm việc ở Quốc sử quán và Bộ Hộ trong triều đình Huế; được bổ dụng chức Đốc học, án sát, Bố chánh ở các tỉnh Thanh Hóa, Quảng Ngãi, năm 1884, ông kiên quyết cáo quan về hưu. Khi đó Nguyễn Khuyến mới 50 tuổi, trở lại “Vườn Bùi chốn cũ”, bắt đầu sự nghiệp văn chương lẫy lừng và mất tại quê nhà.

Trong gia tài hơn 800 tác phẩm thơ văn của ông (mới công khai hơn một nửa số tác phẩm), chùm thơ thu nổi tiếng về thi pháp và tư tưởng đã đưa Nguyễn Khuyến trở thành nhà thơ của làng cảnh Việt Nam. Ông đã để lại nhiều tình cảm trong lòng nhân dân, đặc biệt những người dân nghèo truyền thống hiếu học, trọng nông.  

Trong mọi giai đoạn lịch sử, người dân Bình Lục luôn tự hào về truyền thống văn chương khoa cử của nhà thơ, lấy đó là mạch nguồn sức mạnh để vượt qua mọi khó khăn, thử thách không ngừng học tập, lao động và chiến đấu xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước. Rất nhiều người dân Bình Lục trong thời đại Hồ Chí Minh là những giáo sư, Tiến sỹ, những nhà khoa học  trong mọi lĩnh vực của đời sống…

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Lục hôm nay tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học, lấy sự học làm nền tảng vững chãi trong xây dựng và phát triển con người thời kỳ mới. 

Nguyễn Khuyến mất vào ngày Rằm tháng Giêng, ngày được chọn là Ngày Thơ Việt Nam 17 năm qua.

Giáo viên và học sinh trường THCS Trung Lương, huyện Bình Lục thắp hương nhà thơ trước Từ đường

 

Đường vào Từ đường Nguyễn Khuyến ngày Rằm Tháng Giêng năm Kỷ Hợi

Giang Nam

Chu Uyên

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy