Di tích quốc gia đình Vĩnh Trụ

Đình Vĩnh Trụ tọa lạc trên địa phận xóm 1, thị trấn Vĩnh Trụ, huyện Lý Nhân, được công nhận Di tích lịch sử văn hoá - kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1993. Ngày 22/12/2022, UBND tỉnh Hà Nam công nhận Khu di tích lịch sử, văn hóa đình Vĩnh Trụ là điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Những người con Vĩnh Trụ hôm nay, dù đang công tác, sinh sống ở đâu trên mọi miền Tổ quốc, đều mang trong mình sự tự hào và ý thức giữ gìn, bảo tồn di tích lịch sử, lễ hội truyền thống địa phương.

Theo dấu tích lịch sử cùng các tư liệu Hán - Nôm từ thời xa xưa, xã Vĩnh Trụ thuộc tổng Công Xá, huyện Nam Xương, phủ Lỵ Nhân, trấn Sơn Nam Thượng. Vĩnh Trụ trước đây sáp nhập vào xã Đồng Lý, năm 1987 được tách ra thành lập thị trấn Vĩnh Trụ. Đến tháng 3 năm 2020, xã Đồng Lý lại được sáp nhập vào thành đơn vị hành chính thị trấn Vĩnh Trụ như ngày nay.

Di tích quốc gia đình Vĩnh Trụ
Chính diện đình làng Vĩnh Trụ.

Đình làng Vĩnh Trụ phụng thờ hai vị đại thần Đức Đông Bảng Đại vương và Đức Minh Cát Đại Vương. Hai ông vốn là rồng vàng trên trời xuống đầu thai vào nhà ông Nguyễn Khoan và bà Trần Thị Hằng ở Đạo Kinh Bắc, phủ Từ Sơn, huyện Đông Ngàn, xã Côi Giang (Bắc Ninh ngày nay). Khi đó, ở phía Nam có giặc Hồ Tôn Tinh đến quấy nhiễu bờ cõi đất Châu Ái, Châu Hoan (Nghệ An, Thanh Hóa ngày nay), hai ông phò vua đi dẹp giặc Hồ.

Di tích quốc gia đình Vĩnh Trụ

Khi đến phủ Lỵ Nhân, trấn Sơn Nam thượng, trang Vĩnh Trụ thì hai ông xin nhà vua cho dừng binh nghỉ tại đây, nhà vua đồng ý nghỉ tại chùa. Đêm đó nhà vua nằm mộng thấy có hai vị tướng và đoàn quân đến xin âm phù giết giặc, một người là Vũ Tuấn, người kia là Vũ Khang, họ là hai anh em hóa thân ở Núi Phật Tích.

Khi tỉnh dậy, nhà vua vui mừng cho mổ lợn, dê cúng bái rồi xuất binh. Thắng trận trở về, vua phong cho ông Bảng, ông Cát chức Đại Vương, ban cho xây đền thờ hai vị tướng đã âm phù và tặng phong chức Linh Ứng Đại Vương và Ngũ Lôi Đại Vương, cho nhân dân xây sinh từ tại Trang Vĩnh Trụ, khi nào mất thì nhân dân phụng thờ.

Khi xây dựng xong sinh từ thì các Ngài hóa thân về trời vào tháng Giêng năm sau. Hàng năm, để tưởng nhớ công ơn của các Ngài, nhân dân trong vùng lại nô nức mở hội vào ngày 14 và 15 tháng Giêng.

Di tích quốc gia đình Vĩnh Trụ
Hệ thống vì kèo được trạm trổ tinh xảo.

Đình Vĩnh Trụ được xây dựng từ thời vua Gia Long năm thứ 17. Ban đầu ngôi đình còn thấp, hậu cung được xây đơn giản. Đến đời vua Tự Đức thứ 17, người dân Vĩnh Trụ là cụ Nghè – Tiến sỹ biên tu quốc sử quán và Quốc tử giám tế tửu Vũ Văn Lý đã xây dựng lại ngôi đình với tổng thể 5 tòa, 17 gian, kiến trúc theo kiểu nội chữ Tam, ngoại chữ Quốc, cùng hệ thống trụ cổng, bình phong, tạo không gian khép kín, ấm cúng. Ngôi đình nhìn bên ngoài như một đóa hoa sen khổng lồ với 4 đầu đao cong vút, uốn lượn giữa ngàn xanh, nơi xóm làng bình yên. Với các giá trị về kiến trúc và lịch sử, năm 1993, đình làng Vĩnh Trụ được công nhận là Di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia.

Ông Lã Đức Thông, Tổ dân phố Vĩnh Tiến, thị trấn Vĩnh Trụ phấn khởi nói: Mỗi khi địa phương có chủ trương phát động công đức trùng tu và bảo tồn đình làng Vĩnh Trụ thì chúng tôi đều nhiệt tình hưởng ứng. Không chỉ người cao tuổi đi đầu làm gương mà chúng tôi còn vận động các con cháu đang làm ăn xa cùng hướng về cội nguồn nhằm giữ gìn di sản văn hóa của địa phương. Nhân dân Vĩnh Trụ đồng tâm nhất trí cùng nhau tu bổ tôn tạo để khu di tích mãi trường tồn với thời gian.

Di tích quốc gia đình Vĩnh Trụ
Hồ nước trước đình làng Vĩnh Trụ được tôn tạo với cảnh quan hài hòa.

Năm 2023, lễ hội đình làng Vĩnh Trụ diễn ra trong 2 ngày 14 và 15 tháng Giêng, nhân dân địa phương được tham gia các nghi thức trang nghiêm và rước kiệu đón đoàn bên làng Ô Mễ (xã Tràng An, huyện Bình Lục). Đình Vĩnh Trụ và đình Ô Mễ thờ chung thành hoàng làng; các nghi thức tế lễ thánh, thần hoàng cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, làm ăn gặp nhiều may mắn.

Năm nay, lễ hội đình làng Vĩnh Trụ còn có sự tham gia của đội trống nữ làng Đọi Tam xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên với tiết mục trình diễn trống hội đầu xuân mang lại không khí rộn ràng cho lễ hội. Bên cạnh đó còn có các trò chơi dân gian như thi bịt mắt bắt vịt, bắt heo; đi cầu khỉ, đánh đáo, kéo co… và liên hoan văn nghệ, hát chèo, nhảy dân vũ thể thao… thu hút đông đảo nhân dân đến tham gia.

Di tích quốc gia đình Vĩnh Trụ
Đông đảo nhân dân về dự lễ hội truyền thống đình làng Vĩnh Trụ năm 2023.

Ông Lê Văn Lộc, tổ dân phố Nguyễn Khuyến, thị trấn Vĩnh Trụ chia sẻ: Để ghi nhớ công lao của hai vị đại thần, hằng năm cứ vào ngày rằm tháng Giêng, nhân dân làng Vĩnh Trụ lại nô nức tổ chức lễ hội truyền thống nhằm ôn lại truyền thống, công lao của Đức Đông Bảng Đại vương và Đức Minh Cát Đại vương. Vào mỗi dịp lễ hội đình làng Vĩnh Trụ, đông đảo bà con quê hương dù đi xa, về gần đều mong ngóng được trở về quê hương. Lễ hội truyền thống được bảo tồn và duy trì qua nhiều thế hệ đã trở thành nét đẹp truyền thống của người dân nơi đây.

Di tích quốc gia đình Vĩnh Trụ
Đồng chí Nguyễn Đức Toàn, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Phủ Lý tặng hoa chúc mừng Ban Quản lý di tích đình làng Vĩnh Trụ.

Nói về công tác bảo tồn di tích lịch sử và duy trì lễ hội truyền thống đình làng Vĩnh Trụ, ông Nguyễn Duy Hiển, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Vĩnh Trụ, Trưởng ban quản lý di tích đình làng Vĩnh Trụ cho biết: Trong những năm qua, Khu di tích lịch sử đình làng Vĩnh Trụ được đông đảo nhân dân địa phương bảo tồn, giữ gìn và ủng hộ về công đức. Từ năm 2009 đến nay, Ban quản lí đã nhận được số tiền đóng góp lên tới gần 10 tỷ đồng từ những người con Vĩnh Trụ ở mọi miền đất nước để tôn tạo tất cả các hạng mục trong khu di tích. Chính vì vậy chúng tôi luôn ý thức được rằng vai trò của cấp ủy đảng, chính quyền là phải luôn tuyên truyền với nhân dân ý thức giữ gìn và duy trì các lễ hội truyền thống. Đồng thời làm tốt công tác bảo vệ và quản lí di tích để xứng tầm là Khu di tích lịch sử Quốc gia, bảo tồn giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc… cho muôn đời sau.

Tuấn Đạt

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.