Tháng 8 nhớ hội đền Bà Vũ

Như nhiều di tích khác, đền Bà Vũ (thôn Vũ Điện, xã Chân Lý, huyện Lý Nhân) những ngày dịch bệnh Covid-19 hoành hành trở nên vắng vẻ. Trời vẫn dìu dịu không khí mùa thu, trăng thu vẫn sáng tỏ, gió từ sông Hồng mát lộng nhưng lòng người không an khi dịch bệnh vẫn còn diễn biến khó lường, chưa biết ngày nào kết thúc.

Tháng 8 nhớ hội đền Bà Vũ
Đền thờ Bà Vũ tại thôn Vũ Điện, xã Chân Lý, huyện Lý Nhân vắng bóng người dân và du khách bởi dịch bệnh Covid-19.

Nhưng đọc đôi câu đối thờ trong đền: “Trẻ thơ khờ dại cười nói trước đèn không biết sự thật. Ngài không thể mất đi linh hồn trinh tiết còn gửi ở sóng nước trên sông” lại mong chờ sự linh thiêng nơi ngôi đền cổ thờ một người thiếu phụ trung trinh hỗ trợ cho tâm hồn con người được an yên trong cuộc sống, an lành trong phòng, chống dịch bệnh những ngày này.
Về đền Bà Vũ, kính cẩn dâng hương, trong khói hương vấn vít lại nhớ đến sự dập dìu trẩy hội đền Bà Vũ năm nào. Khu đền Bà Vũ khá rộng bởi nơi đây còn có đình và chùa Vũ Điện nằm trong cùng quần thể.

Theo tài liệu chùa Vũ Điện, tiền thần của chùa là am nhỏ thờ Quan Âm Nam Hải – vị Bồ tát cai quản sông nước nằm ngoài bãi sông Hồng trước đây. Am nằm dưới gốc cây gạo cổ thụ, tương truyền Vũ Nương đã đến am bày tỏ nỗi oan khuất của mình, mong thần phật chứng giám rồi đề thơ lên dải yếm để lại và gieo mình xuống sông tự vẫn. Vì oan khuất mà chết, bà được Quan Âm cứu vớt vong linh và được Long Vương nhận làm con nuôi cho quyền cai quản khúc sông này. Vốn nằm bên bãi lở nên sau khi nước ăn sâu gần am dân làng đã chuyển vị trí thờ về gần đền Vũ Điện nằm cạnh đê sông Hồng như hiện nay.

Chùa Vũ Điện có tên chữ là Báo Ân tự, tương truyền nơi đặt vị trí chùa chính là nơi lập đàn giải oan cho bà Vũ Thị Thiết năm xưa. Đình Vũ Điện cũng do tránh lũ lụt mỗi khi nước sông Hồng dâng cao, nhân dân dời đình về cạnh đền. Đình thờ 6 vị thành hoàng làng, trong đó có Đông Hải Đại Vương Đoàn Thượng – một trung thần của nhà Lý. Vì muốn khôi phục vương triều Lý, ông đã chiêu mộ binh lính, lập dinh trấn thủ ở vùng đất Vũ Điện, trong đó có nhiều người họ Vũ theo về khai khẩn và sinh cơ lập nghiệp gắn bó với vùng đất này. Đây có thể là dòng họ lớn đầu tiên mở mang, gây dựng vùng đất Vũ Điện và là một dòng họ hưng thịnh bởi câu chuyện về Bà Vũ cho biết gia đình bà vốn là bậc hào phú, giàu có sung túc, bà được cha mẹ cho đi học nên thông kinh sử lại có tài thơ ca. Và bản thân Bà Vũ khi dân làng gặp cảnh đói kém đã cùng anh trai đem một phần tài sản trong nhà cứu giúp dân làng. Trong bài hát văn chầu Thánh Mẫu Vũ Thị Thiết có những câu ca kể về sự kiện này.

Trong lễ hội đền Bà Vũ hoạt động rầm rộ và thu hút đông dân làng và khách thập phương nhất là nghi lễ rước nước trên sông Hồng và rước kiệu trên đê. Đoàn rước nước có đội cầm cờ thần đi đầu, tiếp đến là đội trống chiêng, đội khiêng chóe và  đội tế từ đền ra đình làm lễ sau đó ra bến đò Vũ Điện lên thuyền ra giữa sông xin nước mang về làm nước dâng cúng trong năm.

Có một số cụ cao niên trong làng cho biết, có những năm vào tháng 8 có mưa lũ lớn nước từ thượng nguồn đổ về mang theo rất nhiều rác rưởi, cây cối gãy đổ, đến khu vực này do chuẩn bị phân nhánh quặt sang sông Luộc (là ranh giới tự nhiên chia 2 tỉnh Hưng Yên và Thái Bình) nên dòng nước chảy thường có độ xoáy làm cho rác đọng lại làm nước vừa đục, vừa bẩn không lấy được nước về dâng cúng. Gần bến đò Vũ Điện có miếu Tam Quan thờ ba vị quan lớn Đức Thiên Quan, Quan Hoàng Bơ, Quang Bơ Phủ và thổ thần, hà bá nên sau khi rước nước từ sông Hồng về, đoàn dừng lại miếu làm lễ trình rồi mới nhập với đoàn rước kiệu đi theo đê bối về đền.

Bên cạnh các nghi thức tế lễ, trong lễ hội đền Bà Vũ không thể thiếu các nghi thức diễn xướng dân gian với các điệu múa cổ được nhân dân lưu giữ như: múa kiếm, múa song đăng, múa lụa. Và giống như các ngôi đền thờ nữ thần – thờ Mẫu, tại lễ hội đền Bà Vũ cũng diễn ra lễ hầu đồng hát văn. Ngoài các nghi thức trên, tại chùa Báo Ân, dân làng Vũ Điện còn tiến hành một số nghi lễ khác như lễ cầu siêu giải oan cho Bà Vũ, lễ phóng sinh, lễ thả đèn hoa đăng trên sông Hồng. Những năm gần đây, tại lễ hội đền Bà Vũ còn có tiết mục ngâm các bài thơ viết về Bà Vũ, tiêu biểu có các bài: “Điếu Vũ Nương” của vua Lê Thánh Tông,  “Đề miếu Vũ Thị” của Tam nguyên Yên Đổ Hoàng Giáp Nguyễn Khuyến...

Ngoài kia dòng sông Hồng vẫn đỏ nặng phù sa đem tốt tươi cho những mùa màng, đem lại bình yên cho những xóm làng và đem theo cả hy vọng rồi tiếng trống hội đền Bà Vũ sẽ lại vang lên khi dịch Covid-19 qua đi. 

Chu Bình

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.