Sỹ Thắng: Đợi gió xuân gõ cửa

Nhạc sỹ Sỹ Thắng được biết đến với những ca khúc trữ tình về Hà Nam, với Xứ Đoài mây trắng, Hà Nội linh thiêng và hào hoa, hay Xứ Mường lung liêng nụ cười sơn nữ… Bước sang tuổi 69, anh vẫn giữ được phong độ, vẫn sáng tác đều tay, vẫn lăn lộn với đời. Và, từng ngày, Sỹ Thắng đón nhận từ đời sống những vọng về của thời gian, cả yêu thương và khắc khoải, tạo nên cảm hứng để đứng trước mùa Xuân, anh như lạc vào thế giới của tình yêu, bạt ngàn hương hoa và bất tận yêu thương…

Cuối đông, trời lạnh giá. Sỹ Thắng về Hà Nam, họp tổng kết công tác Hội Văn học - Nghệ thuật và anh được nhận khen thưởng vì có tác phẩm đoạt giải B Giải thưởng âm nhạc năm 2020 của Hội Nhạc sỹ Việt Nam. Ca khúc "Mắt chiều Hồ Tây", trước đó cũng đã nhận giải Nhì trong cuộc thi sáng tác về Hà Nội nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Rất hồn nhiên, anh đứng trước mặt tôi và nghệ sỹ Thế Công hát say mê ca khúc không cần nhạc đệm: "Gió, nghiêng tiếng đàn. Hát, nghiêng nắng vàng. Đâu đây heo may lại về… Thức ..(ư..ừ )… phố... Nắng, mưa cõi người…". Ca từ trong ca khúc của Sỹ Thắng như vậy, ngả nghiêng trên cung âm của ca trù phố cổ, vang vang nhịp phách trên chiếu Hồ Tây. Anh gợi cho người nghe một cảnh tượng mơ huyền chiều thu Hà Nội, thiếu nữ mỏng manh trong heo may, dõi mắt vời vợi về mênh mông mây chiều sóng nước. Hơi thở Hồ Tây, mắt biếc Hồ Tây, những con sóng gợn mặt hồ… đung đưa chiều, đung đưa cảm xúc để người nhạc sỹ tìm thấy trong mênh mông như vô tận của không gian có người đang níu giữ mình, đang chạm hơi thở vào trái tim, vào nỗi cô đơn chiều xa lắc… 

Sỹ Thắng Đợi gió xuân gõ cửa
Nhạc sỹ Sỹ Thắng (bên phải ảnh) trao đổi với Nghệ sỹ Thế Công về ca khúc của mình. Ảnh: Chu Uyên

Sỹ Thắng viết nhiều, viết chăm chỉ theo nhịp sống của con tim. Và những ca khúc như thế này không phải ít. Nó là tâm tư, là nỗi buồn vui trong anh. Sỹ Thắng cười thỏa thích thật đấy, nhưng ai cũng nhận thấy trong nụ cười kia còn ứ nửa chừng nỗi khổ tâm, dằn vặt. Anh nói: Hơn mười năm nay, anh sống trong nỗi buồn không thể nào sẻ chia. Khi đứa con trai anh yêu quý và gửi gắm hy vọng nhiều nhất phải trải qua cơn bạo bệnh một thời gian dài rồi bỏ anh vĩnh viễn, cuộc sống của anh đã có lúc trở nên mất phương hướng! Nỗi đau này đi qua đến nỗi đau khác, người vợ tào khang của anh cũng mắc phải căn bệnh hiểm nghèo, vật vã với đau đớn gần chục năm trời, sau đó cũng rời bỏ anh, để lại anh cô đơn trên cõi đời nhiều sóng gió này. Nhiều lúc, anh thấy mình lạc vào hư vô, lạc vào mộng mị… khó khăn lắm mới phân định được sống và chết, hư và thực, dù anh là đàn ông! Nước mắt chảy vào trong, nỗi đau lắng tận đáy lòng, chỉ cồn cào cô đơn mỗi khi đêm về, mỗi chiều nắng tắt. Chỉ vì anh đa cảm, đa sầu mà cuộc sống luôn xoáy vào anh những tâm tư dày đặc nỗi niềm như thế. 
Một ngày, đứa con gái của anh đưa anh đến chùa làm lễ cho những người thân, nghe tiếng chuông, nếm trải vị chay tịnh của đời sống tu hành, anh thấy lòng lắng lại nhưng suy tư, và cánh cửa cuộc sống mới mở ra những niềm vui an nhiên, giản dị hơn. Sỹ Thắng hòa nhập với đời sống phật giáo, bắt đầu một trải nghiệm mới. Anh viết "Phật quang phổ chiếu" từ thời gian này. Tiếng mõ, tiếng chuông, tiếng ngân vang từ lạc quan cuộc sống mà con người biết buông bỏ, biết "xả" đi mọi buồn, đau, luyến tiếc để tĩnh tại, an nhiên… được Sỹ Thắng tiếp nhận đưa vào ca khúc. Ánh sáng của Phật pháp làm thay đổi con người, hướng con người đến cuộc sống thiện đơn và hòa hợp. Khi ca khúc ra đời, không cần lăng xê, nó tự đi vào cửa Phật, vào lòng người, vào lẽ sống tu thân thiền định của các phật tử. Năm 2019, trong cuộc vận động sáng tác ca khúc Phật giáo khu vực Tây Nguyên 2019-2020, Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã trao Bằng tuyên dương công đức cho tác phẩm xuất sắc nhất "Phật quang phổ chiếu" của Sỹ Thắng. Nhiều lần nói chuyện với anh, Sỹ Thắng hay nói câu: “Con người càng đau khổ, người ta càng nỗ lực”. 

Nghe âm nhạc Sỹ Thắng, tôi cứ nghĩ anh chẳng phải mang cái hình hài lận đận, mà phải thong dong, hào hoa lắm đấy. Thế mới tài! Nghệ sỹ luôn tạo nên những vóc dáng bất ngờ từ tác phẩm của mình là vậy. Nhiều tác phẩm của anh, đặc biệt là các tác phẩm khí nhạc mang âm hưởng dân gian hiện đại, tinh tế trong xúc cảm, sâu lắng trong giai điệu, nhuần nhuyễn trong sự kết hợp văn hoá vùng miền như “Dòng sông kể chuyện”, “Tiếng sáo đồng quê”, “Tình Rừng”… Trong số đó, “Tình Rừng” được đánh giá cao và đoạt giải Ba Giải thưởng âm nhạc của Hội Nhạc sỹ Việt Nam năm 2002. Đây là tác phẩm, Sỹ Thắng khai thác thành công nhất vốn văn hoá dân gian Tây Bắc. Cũng từ vùng đất này, Sỹ Thắng còn có những ca khúc mang đậm hơi thở của đất đai, núi rừng và tâm hồn những con người dân tộc Tây Bắc như H’Mông, Dao, Thái, Mường. Đó là những tác phẩm Mùa xuân Tây Bắc, Người Mông ơn Bác…

Sỹ Thắng Đợi gió xuân gõ cửa
Chiều trên sông Đáy. Ảnh: Thế Tuân

Đã có nhiều người hỏi tôi, Sỹ Thắng là người dân tộc sao? Cũng có lý, bởi nếu cứ nhìn vào những sáng tác này, ai chả bảo anh sinh ra ở đại ngàn sơn cước. Nhưng không, anh là trai xứ Đoài đích thực, sinh ra ở làng cổ Đường Lâm (Hà Nội), một vùng quê mang đậm dấu ấn văn hoá cổ kính và thanh lịch của “xứ Đoài  mây trắng”. Sỹ Thắng nói rằng, anh lớn lên trong tiếng ru của sóng nước sông Đà, những âm thanh dạt dào của vùng đất thiêng hùng vĩ. Và, đó là những âm thanh cuộc sống đầu tiên làm rung động trái tim anh, nuôi dưỡng tâm hồn một người nghệ sỹ. Anh đã học sáng tác âm nhạc tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Sau một thời gian dài làm việc ở Hòa Bình, Sỹ Thắng trở về công tác tại Hà Nam, mảnh đất đã sinh ra người bạn đời của anh. Chính nơi đây, Sỹ Thắng đã dành nhiều thời gian cho sáng tác. Những ca khúc như “Duyên quê”, “Tình em cô gái đồng chiêm”, “Hà Nam nắng đã về”, “Bình Lục mùa xuân”, “Hay như là mơ”… đã cho người nghe có cảm nhận thật gần gũi và tha thiết về một vùng quê mà chính anh đã gửi một nửa cuộc đời mình, một nửa tâm hồn, con tim, nỗi nhớ của mình ở đó. 
Xuân này, Sỹ Thắng đã tươi tắn hơn, rạng rỡ hơn. Anh bảo tôi và những anh em đồng nghiệp: Cảm ơn mọi người đã dành cho anh một cái nhìn chân thành về cuộc đời và tác phẩm. Anh cười, xóa tan cái lạnh cuối đông: "Anh về, đợi gió xuân gõ cửa…".

Chu Uyên

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.