Những sáng tác âm nhạc về Tam Chúc

Mặc dù mới được xây dựng và khai thác trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn nhưng Tam Chúc đã được nhiều nhạc sỹ sáng tác ca khúc ca ngợi cảnh đẹp nơi đây. Nhà thơ Vũ Quần Phương về thăm Tam Chúc vào ngày cuối đông năm 2022 phải thốt lên rằng, “tôi đã đi nhiều nơi, nhưng chưa ở đâu có vẻ đẹp tự nhiên và kiến trúc chùa độc đáo như ở đây. Trong một không gian mênh mông chỉ mây trời, non nước, những ngôi chùa được xây dựng làm cho Tam Chúc trở nên thơ mộng và ấm áp hơn”. Đó cũng là cảm nhận của các nhạc sỹ khi sáng tác ca khúc về Tam Chúc linh thiêng và thơ mộng.

Chưa thể thống kê hết, nhưng với những tư liệu do ngành văn hóa, thể thao và du lịch cung cấp đến thời điểm này đã có hàng chục ca khúc được sáng tác về Tam Chúc – Ba Sao. Đồng chí Lê Xuân Huy, Bí thư Huyện ủy Bình Lục, khi còn ở cương vị Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã tặng tôi một Album nhạc mới phát hành “Tam Chúc mênh mang cõi thiền”. Trong Album này tập hợp 5 ca khúc của 5 nhạc sỹ nổi tiếng như Phó Đức Phương (Có phải nơi đây Tam Chúc), Tuấn Phương (Mênh mang cõi thiền), Lê Minh Sơn (Mưa rơi trên những cánh cò), Đỗ Bảo (Lam chiều Tam Chúc), Giáng Son (Tam Chúc cõi mơ). Mỗi bài mang một phong cách âm nhạc riêng, nhưng đều diễn tả vẻ đẹp thơ mộng, thiền tịnh của Tam Chúc linh thiêng. Với giai điệu mang âm hưởng ca trù, cố nhạc sỹ Phó Đức Phương đã phác họa Tam Chúc như “chốn đào nguyên tiên cảnh, nơi đất trời hội tụ, bao nguồn mạch linh thiêng”. Đến đây, ta như lạc vào nghìn năm, để tắm gội sương mai; “ta lạc vào ta, suối nguồn lặn lội, lại giùng giằng lối ra”. Và trong Phó Đức Phương, “chỉ có một nơi”, “chuông trời ban hạ”, là Tam Chúc của nghìn năm!

Những sáng tác âm nhạc về Tam Chúc
Tam Chúc là nguồn cảm hứng sáng tác của nhiều nhạc sỹ. 

Đây là ca khúc hay nhất trong Album này. Càng nghe càng thấy tâm hồn được bình yên giữa những xô bồ của cuộc sống. Chỉ có tự nhiên mới mang lại cảm giác tự tại cho con người… Các nhạc sỹ hầu hết đều đưa những nét giai điệu dân gian vào ca khúc để Tam Chúc gần gũi, hòa quyện hơn trong cảm xúc của con người. Nó không còn là vùng “rừng thiêng nước độc”, không phải là Ba Sao xa lắc, ẩn hiện trong mây mù, bóng núi. Ba Sao hôm nay rực rỡ và rộn ràng với lễ hội Tam Chúc, với những bước chân du khách nơi nơi tìm về. Đúng là “một miền non nước mênh mang, mênh mang Tam Chúc, mênh mang mặt hồ. Vẳng nghe trong dáng chiều thu, xa xa lục nhạc cõi thiền nơi đây…” Nhạc sỹ Tuấn Phương bắt đầu ca khúc “Mênh mang cõi thiền” bằng những ca từ như thế. Từng khúc nhạc dẫn dắt con người đi từ vẻ đẹp này đến vẻ đẹp khác ở Tam Chúc. Và cuối cùng, cái lắng đọng sau cuộc hành trình đó là sự bình yên, tĩnh tại như mơ, như thơ của ai đó đến đây lạc vào cõi thiền. 

Đồng chí Lê Xuân Huy trong một buổi chiều thong thả, mở nghe Album này đã chất chứa nhiều nỗi niềm và dự định sẽ giới thiệu những ca khúc này trong lễ hội chùa Tam Chúc năm 2021. Thế nhưng, dịch Covid-19 bùng phát, các lễ hội phải tạm dừng tổ chức, đồng chí Huy được điều động về giữ chức Bí thư Huyện ủy Bình Lục cuối năm 2020… dự định dang dở. Tuy nhiên, trong thời gian này, nhiều nhạc sỹ khác cũng đã viết về Tam Chúc với những cảm xúc riêng, đưa số lượng những bài hát về vùng đất này lên con số hàng chục bài.

Gần đây nhất, một sáng tác mới được giới thiệu trên sóng đài truyền hình và trên các trang mạng xã hội thu hút sự chú ý của công chúng. Đó là ca khúc “Em về Tam Chúc Hà Nam” của nhạc sỹ - ca sỹ Thiều Thu Sa. Tôi đã gặp chị tại Hà Nam đúng hôm ghi hình cho ca khúc này. Thiều Thu Sa còn rất trẻ, quê ở tận Phú Yên. Tình cờ trong một lần về Tam Chúc đúng dịp lễ hội chùa được tổ chức năm 2022, chị đã cảm nhận đầy đủ vẻ đẹp nguyên sơ mà nhộn nhịp ở đây trong sớm Xuân mưa bụi. Thu Sa kể: “Sáng đó mình dậy rất sớm, đứng từ khách xá của khu du lịch, nhìn về xa xa… Một khung cảnh mơ màng hiện lên. Trong màn mưa bụi mù trời, chiếc thuyền rồng thấp thoáng giữa hồ  với đủ sắc màu lễ hội. Người ta đang chuẩn bị tổ chức nghi thức rước nước về chùa linh thiêng quá đỗi. Trong lòng mình trào dâng những cảm xúc rất khó tả về vùng đất này. Thế là mình viết ca khúc”.

Chị nói, chị viết rất nhanh, những ca từ cứ tuôn chảy theo mạch suy nghĩ và tình yêu dành cho đất và người nơi đây: “Bồng bềnh trong khói sương, nhấp nhô xanh một màu, nước in hình bóng núi, đưa hồn ta về đâu, nơi trời đất gặp nhau, tựa bức tranh thủy mặc…”. Thu Sa diễn tả chân thật những gì mắt thấy, tai nghe, lòng xốn xang trước Tam Chúc ngày hội xuân thắm tình non nước: “Thuyền rồng đưa nước lên, khắp nơi đang tìm về. Trống linh đình rước nước, lễ hội đây hồn quê. Khai hội giữa mùi mưa…”. Ca khúc trải dài nỗi niềm với những giai điệu hòa quyện hai miền Bắc – Trung Bộ. Thu Sa chia sẻ: “Tôi viết về Tam Chúc nhưng lại đưa những nét giai điệu mang âm hưởng dân gian miền Trung vào đó để mong muốn ca khúc này sớm được phổ biến ở mọi miền. Tôi muốn chia sẻ tình yêu với vùng đất này, vẻ đẹp vùng quê này đến với bạn bè  khắp nơi. Tam Chúc thực sự linh thiêng trong vẻ đẹp hoang sơ, huyền bí với những truyền thuyết ẩn sâu nghìn năm trong đất, trong lòng người”.

Giờ thì ca khúc “Em về Tam Chúc Hà Nam” của Thiều Thu Sa đã hoàn thành và được giới thiệu trên các nền tảng truyền thông. Mặc dù đây không phải là ca khúc hay nhất về Tam Chúc đến thời điểm này, nhưng cái đáng nói nhất với một nhạc sỹ, ca sỹ đến từ một tỉnh xa xôi của Nam Trung Bộ lại có cảm tình và thấu hiểu văn hóa, con người nơi đây sâu sắc như vậy. Người ta thường chỉ nhìn thấy một Tam Chúc nguy nga với những ngôi chùa lớn và cảnh đẹp được tác tạo lại một cách tự nhiên trong một không gian rộng trên 5.000 ha. Ít ai hiểu biết hết lịch sử và sự tồn tại nghìn năm của những quả núi giữa lòng hồ gọi là lục nhạc và sau lưng là 7 ngọn núi gọi là thất tinh. Thế đất “Tiền lục nhạc, hậu thất tinh” ngoài những người dân nơi đây có thể hiểu, du khách chẳng mấy người đến đây biết được “chuyện từ đâu”. Các nhạc sỹ, trong đó có Thu Sa phần nào hiểu được văn hóa, lịch sử vùng đất này để thấy những giá trị tự nhiên mà tạo hóa ban tặng cho Ba Sao, Hà Nam một nàng công chúa mới được đánh thức dậy sau hàng trăm năm, nghìn năm ngủ quên giữa rừng đồi trùng điệp.

Tiếng chuông chùa vang vọng trong không gian rộng lớn, mênh mông của Tam Chúc càng làm cho lòng người phiêu linh giữa non nước mây trời, quên đi những vội vàng của cuộc sống hiện tại, để thảnh thơi trong cõi phật mơ màng. Đó chính là điều mang đến cảm xúc đặc biệt cho các nhạc sỹ viết về Tam Chúc hôm qua và hôm nay…

Giang Nam

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.