Những lễ hội khuyến nông độc đáo trong lịch sử

Đỉnh cao của văn minh sông Hồng là đã thuần hóa được cây lúa nước – cây nông nghiệp đã nuôi sống và tạo nên sức vóc người dân Việt Nam từ hàng nghìn năm nay. Vì vậy, cây lúa không chỉ thuần là cây lương thực mà đã trở thành tín ngưỡng, văn hóa bao đời của người Việt Nam, thông qua các lễ hội nông nghiệp.

Những lễ hội khuyến nông độc đáo trong lịch sử
Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn năm 2019.

Theo nghiên cứu của các nhà văn hóa dân gian, cây lúa được phát hiện dưới thời đại các vua Hùng. Trong các truyền thuyết, ngày xưa nhân dân chưa biết cày cấy để làm ra thóc gạo mà chỉ sống dựa vào săn bắt, hái lượm. Vua để ý thấy mỗi lần nước dâng, đất đai được phù sa bồi thêm màu mỡ, vua Hùng mới cho gọi dân đến để dạy cách đắp bờ giữ nước. Một hôm, con gái vua Hùng ra xem, thấy từng đàn chim bay lượn khắp bãi, chợt có một con chim thả rơi bông lúa trên mái tóc một nàng Mị Nương. Nàng đem bông lúa về trình với vua cha. Vua Hùng cho đó là điềm lành, liền bảo các Mị Nương ra bãi tuốt các bông lúa đó đem về. Mùa xuân, vua cùng dân đem các hạt lúa đó ra bãi lấy que nhọn chọc lỗ để tra hạt xuống. Khi mạ lên, dân không biết cấy trồng nên nhà vua đã nhổ mạ lên đem trồng rộng ra các ruộng cạnh bãi. Các Mị Nương và nhân dân thấy vậy làm theo. Từ đó, nghề trồng lúa nước bắt đầu ra đời. Đời sau, nhân dân nhớ công ơn vua Hùng đã tôn ông làm tổ nghề nông và dựng đàn Tịch điền ngay trên mỏm đất vua ngồi khi dạy dân cấy lúa (tương truyền vùng đất này thuộc làng Minh Nông - nay là phường Minh Nông, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ). Năm 2018, thành phố Việt Trì đã tổ chức khôi phục điển tích này và lấy tên là “Lễ hội Vua Hùng dạy dân cấy lúa”.

Sau khi An Dương Vương đánh mất nỏ thần, nước ta chìm vào ngàn năm Bắc thuộc. Thế kỷ X, Ngô Quyền sau khi đánh bại quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng đã chấm dứt sự bành trướng của phương Bắc, phục hưng lại quyền tự chủ cho Đại Việt. Thời đại Ngô vương kéo dài không lâu vì loạn “Thập nhị sứ quân”. Người dẹp loạn 12 sứ quân và xưng đế là Đinh Bộ Lĩnh, đặt đô tại Hoa Lư, Ninh Bình. Triều đại nhà Đinh trải qua 2 đời vua. Thập đạo tướng quân Lê Hoàn thời Đinh được tôn làm vua mở đầu triều đại Tiền Lê.

Sự nghiệp của vua Lê Đại Hành vang danh sử sách, ngoài “phá Tống, bình Chiêm”, ông còn thực thi nhiều chính sách, biện pháp tích cực trong phát triển nông nghiệp, mở mang giao thông thủy bộ. Trong nhiều truyền thuyết về Lê Hoàn có truyền thuyết “Vàng và cơm gạo” kể rằng: Trong một buổi thiết triều, vua Lê Đại Hành ngỏ ý với bách quan đem vàng bạc trong kho chôn xuống những nơi đồng đất màu mỡ nhưng bị bỏ hoang để khuyến khích dân khai hoang. Các quan xin vua đừng làm thế, nhà vua chỉ nghe xong rồi bàn sang chuyện khác. Buổi thiết triều kéo dài gần trọn một ngày, các quan quá đói, lúc này nhà vua mới cho dọn cơm, mỗi mâm cơm có một đĩa xôi và một đĩa vàng. Các quan tranh nhau ăn xôi không để ý gì đến đĩa vàng. Đến đây vua mới hỏi các quan: Vàng quý hay xôi quý? Đến lúc này, các quan mới hiểu ý sâu xa của nhà vua, theo lệnh cử người bí mật chôn vàng bạc ở những nơi cần khai hoang, rồi rao: Cày hoang mà lấy vàng thần đế, khai hoang mà lấy bạc trời cho. Dân đua nhau vỡ đất, khai hoang được vàng, được bạc, nhờ đó mà một vùng đất rộng lớn được phục hóa tạo, nghề nông từ đó phát triển trở lại.

Để khuyến khích phát triển nghề nông và truyền đạt tư tưởng “Dĩ nông vi bản” (lấy nghề nông làm gốc), “Phi nông bất ổn” (nông nghiệp không bảo đảm, xã hội khó ổn định), đích thân vua Lê Hoàn vào mỗi dịp xuân về trực tiếp xuống ruộng dạy dân cấy lúa. Ông đã chọn miền đất ruộng dưới chân núi Đọi (hiện thuộc xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên) của Hà Nam cũng là quê cha đất tổ nhà vua để tiến hành nghi lễ Tịch điền. Sau lễ tế Thần Nông cầu mưa thuận gió hòa, nhà vua chân trần lội ruộng, cầm cày, quất trâu mở những luống cày đầu tiên để mở đầu một năm sản xuất nông nghiệp cho nông dân. 

Như vậy, Lê Hoàn là ông vua đầu tiên dưới chế độ quân chủ chuyên chế tiến hành Lễ cày Tịch điền khuyến nông. Theo sử sách, Lê Hoàn cũng là người đem giống lúa Chiêm – một giống lúa trồng vào mùa đông, chín vào mùa hè của Chiêm Thành về Đại Việt. Theo các nhà nghiên cứu, nơi tiếp nhận giống lúa Chiêm đầu tiên là Hà Nam. Bởi không ở đâu ngoài Hà Nam có những câu như “đồng Chiêm trũng”, “Chiêm khê, mùa úng”…

Noi theo Lê Hoàn, triều đình nhà Lý cũng rất coi trọng việc khuyến khích sản xuất nông nghiệp. Vẫn trên đất Hà Nam nhưng triều đình nhà Lý chọn những khoảnh ruộng tại hành cung Lý Nhân (nay thuộc xã Phú Phúc, huyện Lý Nhân) tiến hành cày Tịch điền. Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng: “Tháng 6 năm 1067, vua Lý Thái Tông xem gặt lúa và đua thuyền. Vua Lý Thánh Tông hai lần đến xem gặt lúa vào tháng 10 năm 1077 và vào tháng 8 nhuận năm 1080; một lần đến xem dân gieo hạt vào tháng 6 năm 1101. Vua Lý Thần Tông xem dân gặt lúa vào tháng 10 năm 1137. Vua Lý Anh Tông vào tháng 2 năm 1146 và mùa xuân năm 1148 về cày Tịch điền”. 

Lễ Tịch điền còn được các triều vua sau này duy trì. Nhưng do chiến tranh, lễ hội nông nghiệp quan trọng này đã bị ngắt đoạn, đến năm 2009, Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn mới được tỉnh Hà Nam khôi phục, nối tiếp ý nghĩa khuyến nông và là nét đẹp trở về cội nguồn của nhân dân Hà Nam vào dịp đầu xuân hằng năm ngay trên khu ruộng xưa vua Lê Đại Hành đã đi những sá cày đầu tiên đánh thức đất đai cho dân vào vụ mới.

Chu Bình

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy